TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Monday, October 5, 2009

Người dân vùng tâm bão nói về dự báo - Sau bão lũ, dân đi tìm… nền nhà

Thứ Hai, 05/10/2009, 07:55

>> Về chỉ trích dự báo bão sai: Bộ TN&MT phản ứng

TP - Tâm bão đã quét gọn gần 700 nhà dân khu vực vịnh Dung Quất và làng Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Người dân khi được hỏi về chuyện đón thông tin dự báo bão ra sao, tại sao không di dời, chúng tôi đều nghe trả lời : Dự báo sai chứ sao!

Bão đánh tan thuyền của ngư dân Quảng Ngãi - Ảnh: Xuân Thống

Chị Nguyễn Thị Lệ (thôn Phước Thiện) vẫn chưa hết hoảng hốt:

“Ngày 28/9 cả làng xôn xao khi nghe tin bão vào. Đến chiều, UBND xã thông báo bà con chuẩn bị đồ đạc, khi nào có lệnh thì lập tức di dời. Trong thời gian này cấm mọi người ra khỏi nhà để tránh nguy hiểm. Cả làng đều trong tinh thần di dời. Đến sáng sớm 29/8 vẫn không thấy thông báo gì, lúc đó gió lớn quá cả làng kéo nhau di tản”.

Ông Trần Hùng Kiệt, bức xúc: Cả ngày 28/9, làng chúng tôi theo dõi dự báo thời tiết đều thấy nói bão đi qua Đà Nẵng, Quảng Trị còn ở đây chỉ bị ảnh hưởng. Nhưng cuối cùng nó quét vào ngay cái vịnh Dung Quất này, làm sao chạy kịp?”.

Trong cái ngày bão gió, bà con nơi đây chỉ kịp tay không chạy bão. Sau bão, tất cả đều tay trắng.

Ông Nguyễn Văn Thiện, chủ tịch xã, nói : “Trước khi bão vào, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ phương án di dân. Chiều 28, trước 15 giờ, có tin là theo hướng Tây -Tây Bắc, nằm ở hơn 16 vĩ độ Bắc. Đến tối, huyện điện xuống thông báo bão có thể vào Quảng Ngãi, theo hướng Tây - Tây Nam.

Tối mò, làm sao mà di chuyển dân, chúng tôi quyết định sáng mai sẽ di dời. Mưa gió dữ dội không ra ngoài được. 8 giờ tối, anh em xuống thì bà con đã tự di dời, khoảng 7 ngàn người, đến các điểm an toàn. Thiệt hại là quá lớn. Tất cả là do dự báo sai và quá chậm.

Tối 28, chúng tôi còn điện hỏi trong Phú Yên, họ cũng bảo bão đang ở khoảng 16 độ. Đến 9 giờ sáng ngày 29, Đài PTTH tỉnh mới nói là bão còn cách Quảng Ngãi 40km. Dân than phiền chúng tôi sao không thông báo cho họ di dời, tụi tôi cũng bó tay thôi”.

Tất cả chỉ còn lại là đống ngổn ngang...

Tại xã Bình Đông, tình hình cũng không khác. Ông Huỳnh Tấn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông, nói: “Sáng 28, chúng tôi thông báo cho dân chuẩn bị di dời, bà con nói bão ở xa lắm. Dân ở đây họ theo dõi diễn biến thời tiết qua các bản tin trên đài, tivi, nói thế nào họ tin thế ấy. Đài báo tâm bão ở Huế - Quảng Trị, Quảng Ngãi chỉ bị ảnh hưởng nên dù địa phương có ra lệnh hay thuyết phục họ cũng không nghe, không chịu di dời”.

“Anh biết bão đổi hướng khi nào?”, chúng tôi hỏi. “10 giờ sáng ngày 29, anh em từ huyện điện xuống. Lúc đó thì bó tay. Điện không có, điện thoại cũng đứt”.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó ban PCBL huyện Bình Sơn, nói: “Chúng tôi bị động. Tối 28, tình hình vẫn chưa có gì nghiêm trọng, bởi thông tin vẫn là bão vào giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

Đến 4 giờ sáng 29, huyện nhận được thông tin từ tỉnh là bão đã chuyển hướng Tây- Tây Nam. 7 giờ sáng, đài truyền thanh huyện phát thông báo bão vào, nhưng lúc đó ai nghe được nữa vì gió quá dữ”.

Ông Đặng Đình Kỳ, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn chua chát: “Dân biển mà, lênh đênh trên biển, dựa vào thời tiết để kiếm cơm. Mà làm gì biết đến họp hành, báo chí, ngày nào cũng chỉ nghe đài thôi, nghe để biết có đi biển được không. Mà dự báo càng xa thực tế thì dân biển càng chết”.

Trung Việt - Xuân Thống

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối:

“Hỏi dân là chính xác nhất!”

Việc dự báo cơn bão số 9 vào Quảng Ngãi vừa rồi, theo tôi là không chính xác.

Ngay từ 3 giờ 30 sáng 29/9, bão tại Quảng Ngãi đã lớn khủng khiếp. Lúc này tại tâm điểm bão ở Bình Sơn và nhiều nơi cơ bản đã bị bão tàn phá nặng nề. Nhưng dự báo lúc này vẫn báo đến chiều 29 bão mới vào bờ.

Đến 8 giờ ngày 29/9, lại dự báo từ 13 - 14 giờ tâm bão sẽ ở Quảng Ngãi, nhưng nói thực mãi đến 5 giờ chiều, chúng tôi vẫn còn trong tâm trạng “đợi bão” !

Hay như hướng bão, dự báo Tây Tây – Bắc lại đột ngột hướng về Tây Tây - Nam là không chính xác rồi. Ngoài ra, Công điện ngày 28/9 của Chính phủ cũng chỉ chỉ đạo các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam phải hoàn thành di dời nhân dân trước 24 giờ ngày 28/9 và cho học sinh nghỉ học các ngày 29, 30...

Tôi cho rằng chế độ thông tin là một chế độ đặc biệt. Việc dự báo thiếu chính xác khiến công tác phòng chống của địa phương cũng có một bước bị động, kể cả nhận thức của dân.

Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm nghiêm túc tất cả các ngành các cấp, và địa phương chứ không riêng ở ngành khí tượng thuỷ văn.

Tôi cũng không muốn tranh luận nhiều về việc này. Theo tôi, không cần nghe ông bí thư tỉnh uỷ, mà cứ về dân thì sẽ rõ, là chính xác nhất. Người dân vùng tâm bão đi qua họ sẽ nói hết những gì họ đã trải qua...

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi:

“Đài tỉnh chúng tôi dự báo chính xác hơn nhiều”

Ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: “Quảng Ngãi là nơi bão đánh thẳng vào, gây hậu quả nghiêm trọng nhất”. Nếu tỉnh không chủ động chỉ đạo người dân khẩn trương đối phó, chèn chống nhà cửa, di dời từ trước ngày 29/9 thì hậu quả sẽ khốc liệt hơn rất nhiều.

“Trên thực tế chúng tôi theo dõi các bản tin của Đài tỉnh (tức Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Quảng Ngãi – PV) để chỉ đạo người dân. Nói thẳng ra là đài tỉnh chúng tôi dự báo chính xác hơn Đài KTTV Trung ương nhiều” – Ông Nhi khẳng định.

Cũng chiều qua, ông Nguyễn Xuân Huế - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, trong cơn bão số 9 hay nhiều cơn bão khác, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên tham khảo thêm các dự báo của nước ngoài chứ không chỉ tập trung vào dự báo của Đài KTTV Trung ương.

Theo đó, Quảng Ngãi đã chỉ đạo người dân lo di dời, chèn chống nhà cửa từ ngày 26/9, khi cơn bão còn ở tận Philippines, chứ không bị động ngồi chờ thông báo của trên.

“Hậu quả nặng nề, bây giờ chúng tôi lo khắc phục bão lụt nên mọi chuyện tranh cãi ai đúng ai sai tạm gác lại” – Ông Huế nói.

Đến chiều qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa nhận được công văn chính thức nào của Đài KTTV hay Bộ TN&MT nên UBND tỉnh vẫn chưa thể phản hồi.

Được biết, Quảng Ngãi là tỉnh gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản do bão số 9 gây ra. Tính đến ngày 4/10, toàn tỉnh có 34 người chết, 112 người bị thương, 4 người mất tích, 860 nhà bị sập đổ, 23.850 nhà bị tốc mái, 68 tàu thuyền bị chìm... Tổng thiệt hại ước tính hơn 4.500 tỷ đồng.

Trần Tuấn – Nam Cường


(Dân trí) - Đứng giữa khoảng trống mênh mông, “bằng phẳng” một cách ngổn ngang sau bão lũ, hàng trăm người dân không còn biết nhà mình từng ở đâu.

Sáng ngày 2/10, khu vực bị sạt lở và có lũ đi qua tại phường Lê Lợi, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum như một bãi chiến trường. Cơn lũ cuồng nộ đã san phẳng tất cả. Rất nhiều người dân không thể xác định được vị trí mảnh đất nhà mình ở đâu.

Bà Hoàng Thị Kỷ (65 tuổi) cùng cô con gái 19 tuổi đang mang thai, đầu đội nón lá dắt nhau đi xác định lại vị trí căn nhà của mình. Bà Kỷ nói trong nước mắt: “Nhà tôi ở trước mặt bờ kè, sát chân cầu ĐăkBla thuộc tổ 1, phường Quyết Thắng. Nước đã cuốn phăng đi hết rồi, giờ cũng không biết nền nhà tui ở đâu”.

Bà kể, khi lũ lên cao, trong nhà có 3 người. Chồng bà - ông Nguyễn Trọng Khải - đã 75 tuổi, không đủ sức chống chọi với lũ. Con gái bà thì yếu ớt, lại đang mang thai. Mình bà gánh gồng ngăn nước vào nhà. Khi nước ngập, may thay cả gia đình được những người cứu hộ đưa đi tránh lũ kịp thời.

“Cái nền nhà cũng bị mất tích rồi. Biết vị trí nào mà dựng lều ở đây hả chú ?” - dáng bà tiều tụy cứ đi tới đi lui hỏi mọi người.

Hai bên đường Trương Quang Trọng, lúc trước, hàng chục ngôi san sát nhau. Thế nhưng, sau một trận lũ, 41 căn nhà không còn dấu tích. Người dân lúng túng xác định vị trí nhà mình. Những nhà còn nền thì người dân dùng nước xịt bùn, lấy chổi đẩy đất cát đi. “Khi rửa sạch bùn, nhà tôi trước lót gạch men màu xanh nên mới nhận ra đây là nền nhà của mình”, ông Võ Bửu Châu cho biết.

Tại phường Lê Lợi, dọc 2 bên đường Phạm Văn Đồng, do còn có nhiều nhà lầu kiên cố nên người dân bị mất nhà dễ xác định vị trí đất nhà mình hơn. Anh Trần Công Lý buồn rầu: “Căn nhà bị cuốn trôi hết rồi nhưng cái toilet mới xây có kết cấu thép kiên cố nên vẫn còn trụ lại được. Nhờ đó tôi mới biết đất này là nền nhà của tôi”.

Bão lũ đi qua, người dân Kon tum trắng tay và sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Cạnh đó, còn những người trở thành “con nợ” của ngân hàng khi đã vay tiền đầu tư trang thiết bị kinh doanh… Anh Lê Hồng Linh (31 tuổi, ngụ 79 Phạm Văn Đồng) là một minh chứng cụ thể. Bôn ba xuôi ngược cũng không thấy khấm khá gì, anh quyết định đầu tư kinh doanh cửa hàng photocopy, vi tính, in ấn… ngay tại nhà. Để có vốn kinh doanh, anh đã vay của ngân hàng hơn 100 triệu đồng, mới kinh doanh được thời gian ngắn, chưa thu lại được vốn thì cơn bão lũ đã cuốn trôi tất cả. “Giờ mà có tìm được máy photocopy về thì chắc cũng hư hỏng, không sử dụng được. Bão lũ đã biến tôi không những trắng tay mà thành con nợ rồi” - anh Linh thở dài.
Một vài hình ảnh người dân lo tìm... nền nhà sau cơn bão số 9

Bãi trống mênh mông, ngổn ngang như nhau, biết đâu là nền nhà mình?!


Bà Hoàng Thị Kỷ chỉ về phía bờ kè sát chân cầu cho biết nhà bà lúc trước ở chỗ đó, nhưng sau lũ không biết chính xác vị trí ở đâu mà lần.


Xịt nước, quét sạch đất cát để xác định nền nhà.


Xác định được nền nhà nhờ chiếc... toilet

Dựng lều tạm để ở.

Công Quang

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty