– Nhận định không có “rút ruột công trình”, công tác thiết kế ổn nên phát ngôn viên của UBND TP Đà Nẵng cho rằng bờ kè đường ven biển Nguyễn Tất Thành gãy đổ trong cơn bão số 9 là do... biến đổi khí hậu/
Bờ kè chỉ đủ khả năng chịu đựng gió bão cấp 9
Chiều 7/10, Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên của UBND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Cán đã chủ trì cuộc họp giữa các cơ quan hữu quan của TP với đại diện một số cơ quan báo chí trên địa bàn để giải trình về những vấn đề liên quan đến tuyến bờ kè đường du lịch ven biển “5 sao” Nguyễn Tất Thành, sau khi VietNamNet đăng bài “Bão đánh “vỡ” ra nhiều chuyện làm ăn gian dối”.
Bờ kè tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành gãy đổ trong bão số 9 là do... biến đổi khí hậu? Ảnh: HC
Theo ông Nguyễn Văn Cán, có nhiều yếu tố liên quan đến “chất lượng xây dựng công trình”, trong đó hai yếu tố căn bản nhất thiết kế và thi công. Qua kiểm tra thì việc thi công đảm bảo đúng thiết kế, không có chuyện “rút ruột công trình”. Vấn đề còn lại là khâu thiết kế có đủ sức chịu đựng gió bão, đáp ứng yêu cầu của một công trình vĩnh cửu hay không?
Ông Nguyễn Kim Tiến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông công chính Đà Nẵng (đơn vị tư vấn thiết kế) cho hay, tuyến kè này dài gần 6km thực hiện trong hai năm 2002 – 2003 nhằm bảo vệ bờ biển, đường Nguyễn Tất Thành và các khu dân cư bên trong. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4, tương ứng sức chịu đựng gió bão cấp 9. Trong đó, phần kè móng cọc, tường bê tông cốt thép có tổng chiều dài 1,2km; 4,7km còn lại được thiết kế kè trọng lực bê tông không có cốt thép.
Lập tức các nhà báo đặt vấn đề: Tại sao không thiết kế tuyến kè quan trọng này với cấp cao hơn, thậm chí cao nhất, trong khi chỉ 5 năm qua, ở đây đã liên tục chịu đựng 2 cơn bão lớn là Xangsane (năm 2006) và Ketsana (bão số 9/2009) gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng. Với mức độ bão ngày càng khắc nghiệt, diễn biến ngày càng khó lường như hiện nay thì liệu chỉ với khả năng chịu đựng gió bão cấp 9 của bờ kè, tương lai tuyến đường Nguyễn Tất Thành sẽ ra sao?
Các nhà báo cũng phát hiện, việc bố trí các đoạn bờ kè có cốt thép và không có cốt thép chưa thật phù hợp thực tế. Có những đoạn bờ kè bê tông cốt thép được bố trí ở các vị trí không mấy chịu sức tác động của sóng biển, chẳng hạn ở khu vực bãi biển Thanh Bình. Ngược lại, có nơi được xem là “họng gió”, qua hai cơn bão lớn đều chịu thiệt hại rất nặng nề như đoạn qua phường Hoà Minh lại chỉ bố trí bờ kè không bê tông cốt thép.
Thực tế qua báo cáo của ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó BQL dự án QL1A & Liên Chiểu - Thuận Phước (đơn vị điều hành dự án) cho thấy, trong cơn bão số 9 vừa qua, sóng vỗ kết hợp triều cường đã đánh gãy một số đoạn kè từ cầu Phú Lộc (km 5+670) đến km 7+608). Đặc biệt, những vị trí kè bị hư hại đều là kè trọng lực bê tông mác 150 không có cốt thép!
Vì sao bờ kè gãy đổ? Đơn vị thiết kế không giải thích được!
Phó Giám đốc Sở GT-VT Đà Nẵng Lê Chưa cho rằng, vào thời điểm xây dựng đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng chưa đủ khả năng kinh phí xây toàn bộ tuyến bờ kè bằng bê tông cốt thép nên phải chọn giải pháp đan xen giữa bờ kè bê tông cốt thép và bê tông không cốt thép. Các đoạn bờ kè bê tông cốt thép chỉ được bố trí ở những điểm xung yếu chịu tác động trực tiếp của sóng biển hay bị xâm thực như chân cầu Phú Lộc, bãi biển Thanh Bình. “Nhưng rẻ hơn mà phù hợp thì mới tốt, còn rẻ hơn mà hư nhanh hơn thì không được!” – ông Lê Chưa nói.
Ông Nguyễn Kim Tiến, PGĐ Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông công chính Đà Nẵng (đơn vị thiết kế dự án) không giải thích được vì sao bờ kè đường ven biển Nguyễn Tất Thành lại gãy đổ! Ảnh: HC
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Đặng Việt Dũng bổ sung, việc thiết kế bờ kè đường Nguyễn Tất Thành căn cứ theo hiện trạng lúc đó để lựa chọn quy mô, có tính bổ sung yếu tố vượt tải. Tuy nhiên, điều không ngờ là biến đổi khí hậu diễn ra quá nhanh chóng.Tần suất thiết kế công trình là 5% nhưng chỉ 3 năm qua đã xảy ra bão lớn dồn dập, tần suất rất cao và ngắn nên dẫn tới công trình không chịu đựng nổi.
Tuy nhiên ông Nguyễn Kim Tiến lý giải, việc lựa chọn cấp tiêu chuẩn thiết kế căn cứ vào chức năng hạng mục công trình và phạm vi khu dân cư được bảo vệ. Đơn vị thiết kế có thể sử dụng bê tông cốt thép hay không có cốt thép, vấn đề là có phù hợp hay không? Trong trường hợp của tuyến kè đường Nguyễn Tất Thành, ông khẳng định qua hai cơn bão lớn cho thấy kết cấu vẫn đảm bảo khả năng chịu lực, móng và tường ổn định, không bị lật, trượt, lún, nghiêng do tác động của bên ngoài.
“Khâu thiết kế ổn, không có gì sai cả. Phần chân vững, trọng lực vững, chỉ gãy đổ ở phần trên của bờ kè và xảy ra cục bộ ở một số đoạn chứ không phải trên toàn tuyến. Nếu kết cấu có vấn đề thì đã đứt gãy hết!” – ông Nguyễn Kim Tiến nói. Nhưng khi được hỏi, tại sao tất cả đều “ổn” mà lại xảy ra gãy đổ những đoạn bờ kè vốn không phải là nơi chịu lực lớn nhất, thì ông trả lời: “Tôi cũng không giải thích được, vì lúc sóng đánh vào bờ kè tôi không có mặt ở đó!”.
“Tóm lại” vấn đề, ông Nguyễn Văn Cán chuyển "trách nhiệm" cho... biến đổi khí hậu. Ông nói: Nguyên nhân dẫn tới việc hư hỏng một số đoạn bờ kè đường Nguyễn Tất Thành là do đơn vị thiết kế chưa lường hết tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Khi có thực tiễn rồi mới rút ra được bài học, nên cần có sự thông cảm!".
Liệu có tác động của khu đô thị lấn biển Đa Phước?
Trao đổi với VietNamNet khi biết những thông tin này, kiến trúc sư Huỳnh Toà (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn QNĐN) nhận định: “Bờ kè có thể không thiết kế cốt thép, tuỳ chỗ thôi. Nhưng với tuyến kè ven biển Nguyễn Tất Thành thì có thể nói thiết kế như vậy là không cho phép. Cái đó thấy rất rõ qua cơn bão vừa rồi, bờ kè không chịu đựng được sóng biển, gió bão, triều cường… Việc thiết kế phải có tầm nhìn, phải dự lường các khả năng xảy ra chứ không thể cứ thiết kế ra rồi đến bây giờ mới xem xét có phù hợp thực tế hay không!”.
Liệu việc đổ đất lấn biển xây dựng khu đô thị Đa Phước có gây ảnh hưởng đến sự bền vững của tuyến đường Nguyễn Tất Thành? Ảnh: HC
Tuy nhiên, điều mà một kiến trúc sư lão làng như ông âu lo, suy nghĩ không chỉ là chuyện bờ kè mà còn là việc “sóng đánh vào đường ven biển Nguyễn Tất Thành năm nay có thay đổi về cách thức, cường độ”; là chuyện “rõ ràng năm nay nó phá hoại nhiều hơn, ở nhiều điểm”. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến những thực trạng đáng quan ngại đó?
Ông ưu tư: “Việc đường Nguyễn Tất Thành ngày càng chịu ảnh hưởng của khí hậu có nhiều chuyện lắm. Trong đó có việc bồi đắp khu đô thị Đa Phước. Đây là chuyện rất lớn vì nằm ngay trên dòng chảy ở cửa sông Hàn ra biển. Có ai tính toán đến sự thay đổi của nước, của thuỷ triều, hải văn hay không? Cần phải thẩm định về môi trường và phải được xem xét chuyên ngành chứ không thể nói chung chung đâu!”.
Ngay tại cuộc họp, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Cán cũng thốt lên rằng có những hiện tượng rất lạ. Bão số 9 chỉ tương đương, thậm chí không mạnh bằng bão Xangsane, nhưng mức độ tàn phá đối với tuyến đường Nguyễn Tất Thành lại lớn hơn hẳn. Tàu thuỷ tải trọng hàng ngàn tấn mà vẫn bị sóng biển đánh dạt lên bờ, áp sát vào tuyến đường…
Phó Giám đốc Sở GT-VT Đà Nẵng Lê Chưa phát biểu: “Việc tuyến đường Nguyễn Tất Thành bị tàn phá nặng hơn cơn bão trước có phải do sự xuất hiện của khu đô thị Đa Phước hay không thì tôi không có chuyên môn để khẳng định, nhưng rõ ràng là thấy có những biến đổi khác thường. Trước đây biển xâm thực vào khu vực Thanh Bình, nay chuyển lên hướng Hoà Hiệp. Ai chịu trách nhiệm đánh giá về những tác động môi trường này? Tôi cho đó không phải là chuyện nhỏ mà cần có thêm nhiều ý kiến tham gia”.
Tại cuộc họp, PV VietNamNet nhiều lần đề nghị cho biết dự án khu đô thị Đa Phước đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường hay chưa và cấp thẩm quyền nào phê duyệt. Sau nhiều lần gọi điện hỏi, ông Nguyễn Văn Cán cho biết, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khu đô thị lấn biển này đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt năm 2008.
Tuy nhiên, điều nhiều người muốn biết là sự phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng dựa trên kết quả thẩm định của cơ quan chuyên ngành có uy tín nào thì ông Nguyễn Văn Cán hẹn sẽ cung cấp sau. Rốt lại, sau cuộc họp chiều 7/10, câu hỏi về tương lai của tuyến đường du lịch ven biển “5 sao” Nguyễn Tất Thành sẽ ra sao vẫn chưa có lời giải đáp!
No comments:
Post a Comment