- Nguyên nhân dẫn tới hư hỏng một số đoạn bờ kè đường Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) được đổ tại đơn vị thiết kế chưa lường hết tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Sự thật ra sao?
Như VietNamNet đã phản ảnh, tại cuộc họp báo chiều 7/10, ông Nguyễn Văn Cán, Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên của UBND TP Đà Nẵng kết luận: Nguyên nhân dẫn tới hư hỏng một số đoạn bờ kè đường Nguyễn Tất Thành là do đơn vị thiết kế (Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Giao thông Công chính Đà Nẵng) chưa lường hết tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Ở những đoạn gãy đổ, bờ kè ven biển đường Nguyễn Tất Thành bị sóng biển xói đứt chân móng kè, móc cát ra ngoài tạo thành những "hàm ếch". Ảnh: HC
Để đi đến kết luận này, đại diện lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đồng ý với ý kiến của đơn vị thiết kế rằng, từ giai đoạn tiến hành thiết kế (năm 2002- 2003) trở về trước, ở Đà Nẵng chưa từng xảy ra bão cấp 9, do vậy công trình kè ven biển đường Nguyễn Tất Thành chỉ được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4 (cấp thấp nhất trong phân cấp đê, kè) với sức chịu đựng gió bão cấp 9, mà không dự lường được những cơn bão lớn liên tiếp xảy ra sau đó. Chuyện tàu thủy bị đánh dạt lên bãi biển đường Nguyễn Tất Thành như 3 con tàu Thái Sơn 02, Thành An 27 và Lusk-VN 09 trong bão số 9 vừa qua không phải là chuyện chưa từng xảy ra. Ngư dân phường Thanh Khê Đông trên tuyến đường này cho hay, trước khi có con đường cũng đã có một “tòa lâu đài” lớn gấp rưỡi Thái Sơn 2 bị gió bão đánh dạt vào bờ. Lúc đó, người ta đã hút cát thành lạch nước rất sâu và rộng, rồi tàu trục vớt kéo tàu bị mắc cạn ra biển, tốn hết… 100 cây vàng.
Thực tế có đúng như vậy hay không? VietNamNet đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thái Lân, Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ). Ông Lân cho biết, tính chung khu vực miền Trung, trung bình mỗi năm có 2 cơn bão cấp 9. Đà Nẵng tuy ít hơn nhưng từ năm 2003 trở về trước cũng đã từng xảy ra, chẳng hạn vào năm 2000 có bão cấp 9- 10. Ở vùng lân cận sát với Đà Nẵng (chẳng hạn Hội An, chỉ cách 30km) vào năm 1997 đã xảy ra bão cấp 9, giật cấp 10- 11. Ở Huế (cách 100km), năm 1985 đã xảy ra bão số 8 với sức mạnh gần như bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng năm 2006. Lúc đó, bão đi sát Đà Nẵng và TP cũng phải chịu gió bão cấp 10, giật cấp 11- 12.
Riêng số lượng bão đi ngang qua Đà Nẵng (cách 50- 70km), không đổ bộ mà hướng ra Huế hoặc vào Quảng Ngãi nhưng cũng tạo ra sức gió cấp 10, giật cấp 11- 12 tác động vào địa bàn TP thì khoảng 3- 4 năm có một cơn (chẳng hạn bão số 9 vừa rồi).
"Năm 2005, ở gần Đà Nẵng cũng có bão cấp 11- 12. Bình quân bão từ cấp 9 trở lên kể cả đổ bộ lẫn ảnh hưởng trực tiếp tới Đà Nẵng khoảng 4 năm/cơn. Đây là số liệu được chúng tôi tổng hợp trong vòng 20 năm trở lại đây"- ông Lân nói.
"Đơn vị thiết kế tuyến kè ven biển đường Nguyễn Tất Thành lại cho rằng khi họ tiến hành thiết kế công trình này, ở Đà Nẵng chưa từng xảy ra bão cấp 9?". Ông Nguyễn Thái Lân: "Chắc chắn họ không lấy số liệu ở chỗ chúng tôi, chắc vì sợ tốn tiền. Từ năm 2003 trở về trước có biết bao nhiêu cơn bão cấp 9 trở lên xảy ra ở khu vực miền Trung và Đà Nẵng. Có khi trong giai đoạn tiến hành thiết kế, thấy không có bão lớn đổ bộ vô Đà Nẵng nên họ nói đại. Đến bây giờ mọi chuyện vỡ lở ra thì nói bừa là không được đâu".
Trách nhiệm của đơn vị thiết kế trong sự việc nêu trên rõ ràng cần phải được làm rõ. Tuy nhiên, dư luận còn đặt vấn đề trách nhiệm đối với những người thuộc cấp có thẩm quyền cao hơn.
Những tài liệu, hồ sơ mà VietNamNet có được cho thấy, thiết kế công trình kè chắn sóng toàn tuyến đường Nguyễn Tất Thành đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tại các Quyết định số 3384/QĐ-UB (ngày 15/5/2002), 6162/QĐ-UB (ngày 9/8/2002) và 6788/QĐ-UB (ngày 3/9/2002).
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án QL1A và Liên Chiểu- Thuận Phước (đơn vị điều hành dự án), nơi được UBND TP Đà Nẵng giao trách nhiệm thẩm định thiết kế, dự toán công trình này là Chi cục Quản lý nước và Phòng chống lụt bão Đà Nẵng. Đây được đánh giá là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, rất “am hiểu” tình hình bão lụt và có thể dễ dàng tiếp cận các số liệu khí tượng thuỷ văn trên địa bàn để “gác cửa” cho UBND TP Đà Nẵng trước khi đi đến quyết định phê duyệt thiết kế.
Thế nhưng chính Chi cục Quản lý nước và Phòng chống lụt bão (PCLB) Đà Nẵng cũng đồng tình với đơn vị thiết kế trong nhận định “từ năm 2003 trở về trước, ở Đà Nẵng chưa từng xảy ra bão cấp 9”, nên đã trình kết quả thẩm định cho UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Cả tuyến kè ven biển đường Nguyễn Tất Thành lẫn con đường liên tục bị hư hại nghiêm trọng do không chịu đựng nổi gió bão, triều cường trong cơn bão vừa qua khiến dư luận đặt câu hỏi: Trách nhiệm phải chăng chỉ thuộc về đơn vị thiết kế và nguyên nhân "biến đổi khí hậu"?. Trách nhiệm của Chi cục Quản lý nước và PCLB Đà Nẵng lẫn UBND TP Đà Nẵng trong việc thẩm định và phê duyệt thiết kế tuyến kè đến đâu?.
Hải Châu
No comments:
Post a Comment