– “Nhờ” bão, người dân Đà Nẵng phát hiện bờ kè ven biển, trụ điện... còn dễ ngã đổ hơn cả hàng rào bằng tôn!
>> Bão số 9 oanh tạc miền Trung
Từ bờ kè không lõi sắt
Như đã phản ánh, cơn bão số 9 gây thiệt hại hết sức nặng nề cho tuyến đường du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành của Đà Nẵng. Đặc biệt, nửa phần đường tiếp giáp với bờ biển, đoạn từ cầu Phú Lộc đến Nam Ô, gần như không còn chỗ nào nguyên vẹn.
Các đoạn bờ kè bị sạt lở trên đường Nguyễn Tất Thành cho thấy hoàn toàn không có lõi sắt bên trong Ảnh: HC
Theo khảo sát sơ bộ của Sở GT-VT Đà Nẵng, khoảng 70% vỉa hè dọc theo phía biển đã bị sụt lún, tạo thành những “giao thông hào” sâu hoắm. Hàng chục ngàn viên gạch lát vỉa hè bị sóng biển tràn qua, lột phăng ném ra giữa đường. Hàng loạt lan can, bậc lên xuống biển dành cho du khách và người dân bị đánh vỡ hoặc cong queo, méo mó đến thảm hại…
Đặc biệt, sóng biển đã đánh sập hoàn toàn phần trên của 14 đoạn bờ kè, mỗi đoạn từ 20 – 25m và đây chính là những “cửa ngõ” để sóng biển tiếp tục tràn vào tàn phá con đường. Nền đường sụt lún tới mức gần như nghiêng hẳn về phía biển.
Nghiêm trọng nhất là mố cầu phía đông cầu Phú Lộc bị sạt hoàn toàn. Sóng lớn đánh sập nền và xé toạc đoạn mặt đường rộng hơn 5m ngay sát chân cầu, tạo thành hố sâu hết sức nguy hiểm…
Trước đó, trong cơn bão Xangsane năm 2006, tuyến đường Nguyễn Tất Thành cũng từng bị tàn phá nặng nề. Do vậy, vào tháng 7/2008, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết định đầu tư 3,3 tỷ đồng để khắc phục những chỗ hư hỏng, sụt lún vỉa hè, hệ thống thoát nước và cảnh quan trên tuyến đường…
Chính hậu quả từ bão Xangsane cho thấy đường Nguyễn Tất Thành do nằm quá sát biển, không có hệ thống cây xanh che chắn nên là cung đường rất dễ bị sóng biển “vùi dập”. Vì vậy, việc sửa chữa, nâng cấp, khắc phục các điểm hư hỏng trên tuyến đường này tất yếu phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu.
Nhưng chỉ sau hơn 1 năm, tuyến đường lại tiếp tục bị phá nát. Và cũng “nhờ” có bão số 9 vừa qua mà người dân phát hiện ở các đoạn bờ kè bị vỡ, tuyệt nhiên không có cây sắt nào làm lõi bên trong. Tất cả chỉ là khối bê tông gồm đá dăm, đá hộc “kết nối” với nhau bằng xi măng như kiểu người ta xây tường. Thế nên khi sóng lớn tràn qua thì từng khối bê tông “được” bóc ra như thể người ta gỡ từng viên gạch ra khỏi bờ tường!
Không chỉ người dân quanh đó thắc mắc mà chính nhiều người đang làm trong ngành xây dựng cũng lắc đầu ngao ngán, không thể hiểu nổi vì sao một tuyến bờ kè quan trọng bảo vệ cho cung đường nằm ôm sát bờ biển, thường xuyên chịu tác động khắc nghiệt của thiên tai nhưng lại có kiểu kết cấu kỳ lạ đến vậy?
Những đoạn bờ kè “không lõi sắt” đó đang là lời “tố cáo” đầy thuyết phục về chất lượng xây dựng công trình ngay từ đầu, cũng như việc nâng cấp, sửa chữa tốn kém hàng tỷ đồng hồi tháng 7/2008?
Chúng tôi đem những câu hỏi này đặt ra với ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở GT-VT Đà Nẵng. Câu trả lời của ông là… chờ xem lại thiết kế, còn bây giờ ông đang bận tiếp khách!
Đến trụ điện không móng
Trong khi đó, người dân ở tổ 27C và 23C khu vực Thọ An, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho hay, khoảng 2 giờ sáng 29/9, gió lớn từ “rìa” cơn bão số 9 đã làm ngã đổ 5 cây trụ điện dài cả chục mét trên đường Phan Bá Phiến. Trụ điện đổ chắn ngang đường, dây điện nhùng nhằng khiến đoạn đường khoảng 500m bị ách tắc.
Trụ điện được chôn mà không hề có móng!
Đã mấy ngày trôi qua, nhiều người dân vẫn còn thở phào vì mấy cây trụ điện này đổ ngã vào ban đêm, chứ nếu vào ban ngày chắc đã có người phải mang hoạ. “May mắn” hơn nữa, cả 5 trụ điện đều ngã đổ về phía đông, nằm vật hết ra giữa đường, chứ nếu ngã theo chiều ngược lại thì hàng loạt nhà dân nằm gần các trụ điện này, nhiều nhà chỉ cách chân trụ điện khoảng 2 – 3m, đã lâm nguy.
Song điều khiến người dân bức xúc là sau khi các cây trụ điện ngã đổ, người ta mới phát hiện ra mấy cây trụ bê tông ly tâm đường kính khoảng 30cm, dài khoảng 10m, nặng hàng trăm kg này chỉ được… chôn rất sơ sài trên mặt đất. Chính xác là chỉ được cắm xuống đất khoảng 70cm – 1m, chứ hoàn toàn không có móng trụ, không có bê tông liên kết.
Người dân cho biết, số trụ điện này mới được dời vào lề đường cách đây vài tháng khi tiến hành chỉnh trang đường Phan Bá Phiến. Mới nhìn bên ngoài tưởng rất vững vàng, tuy nhiên kiểu làm ăn cẩu thả, gian dối đã không thể “múa rìu qua mắt... bão”.
Và không ít người đặt nghi ngờ: Một khi cả 5 trụ điện đều đồng loạt ngã đổ theo cùng một kiểu như thế thì những trụ điện còn lại trên tuyến đường này liệu có an toàn, hay chỉ cần một cơn gió nhẹ là đã ngã vật ra, gây hại cho người dân?
So sánh
Xin nêu ra đây một so sánh nhỏ: Ngay trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Công ty Deawon (Hàn Quốc) dựng tường rào bằng tôn, sườn sắt dài cả cây số bao quanh dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước. Tường rào cao hơn 2m, hướng ra biển và tất nhiên là hứng trọn những đợt gió bão cực mạnh từ biển tốc vào trong cơn bão số 9 vừa qua.
Trong khi bờ kè, trụ điện... ngã đổ thì hàng rào bằng tôn của khu đô thị Đa Phước chẳng hề suy suyển trước gió bão!
Ấy vậy mà, hàng rào này lại chẳng hề bị suy suyển, thậm chí một miếng tôn cũng không bị bong ra. Người dân xung quanh đều thắc mắc, không lẽ cái hàng rào tạm ấy lại vững vàng, đủ sức chống chọi với gió bão hơn cả những bờ kè, trụ điện bê tông… vốn phải đáp ứng yêu cầu về sự lâu bền, không nói vĩnh cửu thì chí ít cũng vài chục năm?
No comments:
Post a Comment