Quân Đội CSVN Được Mở Tập Đoàn Kinh Tế; Kinh Doanh Thu Lợi Để Quân Đội Trung Thành Với Đảng; Kinh Tế Hợp Tác Xã Cũng Hồi Sinh
HANOI (VB) -- Trong khi hầu hết các nươc đang tăng tốc cho nền kinh tế tư doanh, ngoài nhà nước, thì chính phủ Hà Nội đi hướng ngược lại: vai trò đầu tàu trao cho các tập đoàn kinh tế Nhà nước, và đặc biệt thiết lập tập đoàn kinh tế từ các công ty hiện do quân đội CSVN kinh doanh, lý do là để tìm sự trung thành tuyệt đối từ các sĩ quan Bộ Quốc Phòng, khi biến các sĩ quan thành các giám đốc công ty....
Một điển hình: Thiếu tướng CSVN Hoàng Anh Xuân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel - giải thích với báo Lao Động ngày 12-1-2010 là: “vừa phục vụ đời sống xã hội, phát triển kinh tế, đồng thời cũng là mạng lưới thông tin quân sự, cần phải đảm bảo tính chủ động, bí mật và an ninh quốc gia.”
Điều này sẽ gây quan ngạị từ các nhà quan sát về tình hình chống tham nhũng: làm sao các sĩ quan cấp úy, tá ở cấp dưới có thể dám tố cáo ông Tướng Tư Lệnh Tập Đoàn Kinh Tế tham nhũng?
Báo Công An Nhân Dân trên số ngày 17-1-2010 trong bản tin nhan đề “Phát huy vai trò đầu tàu tập đoàn kinh tế Nhà nước” đã cho biết về hướng quốc doanh chủ đạo:
“Ngày 16/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tổng kết công tác năm 2009 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ công tác năm 2010. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã biểu dương và hoan nghênh những thành tích mà PVN đã đạt được trong năm 2009… Phó Thủ tướng nêu rõ: Năm 2010 là năm bản lề của kế hoạch 2006-2010 và là năm tạo tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm tiếp theo, với vai trò là tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tàu đóng góp khoảng 18% GDP và 25% ngân sách quốc gia, PVN cần phải rà soát, bổ sung chiến lược phát triển (bao gồm quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển) của toàn tập đoàn theo hướng thích nghi với giai đoạn mới kể cả trong trung hạn và dài hạn...”
Như thế, kinh tế tư doanh sẽ bị sức ép lớn, kể cả ở dài hạn.
Trước đó, bản tin báo Lao Động ngày 12-1-2010, nhan đề “Viettel "thử nghiệm" mô hình tập đoàn kinh tế mới” đã cho biết hướng đi quân sự hóa và tập trung vai trò kinh tế nhà nước, trích:
“Hôm nay 12.1, Tập đoàn kinh tế Viettel ra mắt thành lập theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình tập đoàn kinh tế đặc biệt với nhiều đặc thù và những "thử nghiệm" mới.
Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết:
- Đầu năm 2009, Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Viettel và VNPT báo cáo tình hình hoạt động, quy mô DN và định hướng chiến lược phát triển. Thủ tướng Chính phủ cho rằng Viettel đã thực sự lớn mạnh, có những nét vượt trội và khác biệt. Trên cơ sở này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng đề án trình Chính phủ về việc thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội...
...Là tập đoàn kinh tế đầu tiên của quân đội, Viettel thực hiện song song hai nhiệm vụ là sản xuất kinh doanh gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó trong quân đội, Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện. Chính vì vậy, Tập đoàn Viễn thông Quân đội sẽ không có hội đồng quản trị mà hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ và sự điều hành của tổng giám đốc.
...Tập đoàn Viettel sẽ không có hội đồng quản trị mà Đảng ủy tập đoàn sẽ thực hiện vai trò và chức năng giống như HĐQT ở các tập đoàn hiện có. Hội đồng quản trị là đại diện cho các chủ sở hữu. Nhưng DN nhà nước thì chỉ có một chủ sở hữu là nhà nước...
...Tập đoàn Viettel là một đơn vị quân đội. Mạng viễn thông của Viettel vừa phục vụ đời sống xã hội, phát triển kinh tế, đồng thời cũng là mạng lưới thông tin quân sự, cần phải đảm bảo tính chủ động, bí mật và an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Viettel không cổ phần hoá Cty mẹ mà chỉ cổ phần hoá một số Cty con.
Chiến lược hoạt động của Viettel là đến năm 2015 là trở thành 1 trong 20 DN viễn thông lớn nhất thế giới, là một trong 10 DN đầu tư ra quốc tế lớn nhất. Trên cơ sở này, Viettel phấn đấu đến 2015 sẽ đạt doanh thu 15 tỉ USD và 30 tỉ USD vào năm 2020 cả trong và ngoài nước.
Một mục tiêu quan trọng khác là Viettel sẽ không chỉ còn là DN viễn thông đơn thuần mà sẽ mở rộng ra nghiên cứu phát triển, thiết kế, sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông... với sản phẩm mang thương hiệu Viettel...”
Điều bi hài của kinh tế Việt Nam là, hiện nay kinh tế tư doanh đang phát triển khá hơn, tạo nhiều việc làm hơn, và giúp đời sống dân chúng đỡ hơn.
Bản tin báo Lao Động nhan đề “Kinh tế ngoài nhà nước phát triển khá” đăng ngày 16-1-2010 cho biết như thế, khi ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tới thăm các cơ sở kinh doanh tỉnh Quảng Trị hôm 14 và 15-1-2010.
Chưa hết kinh hoàng: mô hình kinh tế hợp tác xã đang tái sinh trở lại.
Báo Nhân Dân số ngày 18-1-2010 trong bản tin nhan đề “Quảng Nam phát triển kinh tế tập thể” đã viết ngay ở đoạn văn đầu bản tin:
“Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp nhằm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể. Qua chuyển đổi, nhiều hợp tác xã (HTX) đã củng cố lại bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh; từng bước vượt qua khó khăn, làm ăn có hiệu quả và đã trở thành "bà đỡ" cho kinh tế hộ. Tuy nhiên, để thành phần kinh tế này phát huy hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn...”
Khuynh hướng này cho thấy thành phần bảo thủ đang nắm thế mạnh trong Đảng CSVN, và đang tăng quyền cho quân đội bằng cách giao nhiều quyền lợi kinh tế hơn, trong lúc các địa phương cho hỗ trợ việc thiết lập kinh tế hợp tác xã...
No comments:
Post a Comment