Những số liệu được công bố cho biết trong 3 năm từ 2005 đến 2007 tăng
trưởng GDP của Việt Nam là 27% (tạo ra thêm khoảng 434 ngàn tỷ đồng giá
trị sản phẩm quốc nội) nhưng lượng cung tiền lại tăng tới 135%. Điều
này có nghĩa rằng nhà nước đã phát hành thêm một lượng tiền lớn hơn gấp
nhiều lần trị giá của cải mà xã hội làm ra được trong 3 năm trên. Nếu
lượng tiền đó được lưu thông hết vào thị trường thì sẽ tạo ra khả năng
lạm phát lên đến 80% trong quãng thời gian này.
Thế nhưng con số lạm phát danh nghĩa từ 2005 đến 2007 đã được công bố
là 27,6% (2005: 8,4%, 2006: 6,6%, 2007: 12,6%), như vậy ...
mức độ lạm phát
thêm 52,4% nữa sẽ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào từ đầu năm 2008 trở đi.
Nếu loại trừ các yếu tố lạm phát không do tiền tệ (giá đầu vào tăng, kỳ
vọng của người dân, v.v...) trong con số 27,6% nêu trên thì mức độ lạm
phát tiềm tàng còn cao hơn 52,4% nhiều. Con số này chưa xảy ra vào cuối
năm 2007 nghĩa là có trên 600 ngàn tỷ đồng (tương đương 52,4% GDP của
năm 2007) đã được phát hành nhưng đang bị ghim giữ bởi một số cá nhân
và tổ chức nào đó chưa đẩy vào lưu thông trong thị trường.
Tiền đồng đang ở đâu?
Người dân Việt Nam không có thói quen giữ tiền đồng làm dự trữ an toàn,
trong tình hình lạm phát tăng nhanh thì biện pháp này lại càng không
được lựa chọ̣n. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì luôn trong
tình trạng cần vốn, phải đi vay. Các ngân hàng thương mại không có lý
do gì cầm giữ một lượng tiền đồng lớn mà không cho vay ra để phải gánh
chịu lãi suất huy động trừ các khoản dự trữ bắt buộc. Khả năng duy nhất
là một lượng lớn tiền đồng đang bị ghim giữ bởi các quỹ đầu cơ (hedge
fund) buôn chứng khoán tại Việt Nam.
Cuối năm 2006 đến cuối năm 2007, đô-la Mỹ bị mất giá mạnh trên thị
trường thế giới, lãi suất của nó liên tục giảm; trong thời gian đó Việt
Nam vẫn theo đuổi chính sách duy trì tỷ giá tiền đồng thấp; đầu năm
2007 nước ta chính thức gia nhập WTO. Vậy là đã hội đủ các yếu tố cần
để tạo thời cơ tuyệt vời cho bầy thú điện tử sừng mềm – cách gọi của
Thomas Friedman dành cho các quỹ đầu cơ tài chính trong thời đại toàn
cầu hóa – tấn công trục lợi nhanh tại Việt Nam. Các hedge fund mau
chóng được thành lập và huy động vốn bằng đô-la Mỹ với lãi suất thấp để
đầu cơ vào Việt Nam.
Những tháng cuối 2006 đến 2007 các quỹ này đã rót khoảng 160 ngàn tỷ
đồng (tương đương với 10 tỷ đô-la Mỹ) vào thị trường chứng khoán, bơm
giá cổ phiếu tăng đến chóng mặt, tạo ra một ma lực cuốn hút người dân
đổ tiền vào cổ phiếu. Ước tính đã có hơn 350 ngàn tỷ đồng bị hút vào
chứng khoán từ nguồn tự có, vay mượn và thế chấp của người dân. Giá cổ
phiếu ít thì tăng vài ba lần, nhiều thì đến vài chục lần, vượt xa hoàn
toàn khả năng tạo ra giá trị thực tế của nó.
Khi mọi người đã đạt đến cơn say ghim giữ cổ phiếu bởi giấc mộng làm
giàu nhanh thì tai họa ập xuống. Nhưng tai họa không chỉ đến một lần.
Mỗi khi các cổ phiếu được đầu cơ bị bán ra ồ ạt để thu lợi, chỉ số
chứng khoán sụt giảm thì ngay sau đó sẽ xuất hiện những thông tin hỗ
trợ từ chính phủ, từ nước ngoài và được tuyên truyền quá nhiệt tình bởi
các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống. Người dân lại được
hâm nóng bằng những hy vọng mới, bầy thú tiếp tục nhồi tiền làm mồi
nhử, cổ phiếu lại lên giá, dân lại hồ hởi mua vào. Cái vòng xoáy hút –
nhồi ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt năm ngoái đến nay.
Tiền trong dân tuôn ra ngày càng nhiều, guồng máy hút – nhồi này lại
càng tăng công suất, các ngân hàng trong nước càng nhiều nguy cơ.
Kết quả cuối cùng như thế nào thì giờ đây ai cũng thấy, nhưng thật đáng
tiếc là chính phủ vẫn không chịu nhìn thấy, vẫn tiếp tục bị thao túng
bởi những kẻ cơ hội để ra những quyết sách tiếp tay cho bầy thú điện
tử. Tổng công ty SCIC dễ dàng tuôn ra 5 ngàn tỷ đồng để gọi là “cứu”
chứng khoán nhưng thực tế là giúp cho những con thú điện tử bán ra
những cổ phiếu sắp chết để mua vào những cổ phiếu có tiềm năng thực với
giá rẻ mạt, chuẩn bị cho một sự thâu tóm.
Còn nhớ vào đầu năm 2007, khi mà chứng khoán đang trong giai đoạn bị
làm giá bởi bầy thú để đầu cơ trục lợi, đã có ý kiến đề nghị SCIC nhanh
chóng bán ra số lượng cổ phần của các công ty niêm yết mà tổng công ty
này đang nắm giữ để giảm sốt cho thị trường, tăng lượng tiền dự trữ của
chính phủ để dự phòng cho người dân đang bị cơn say ma lực. Là một cổ
đông lớn nhất trên thị trường, nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của rất
nhiều các công ty niêm yết có trị giá vốn hóa đến gần 50 ngàn tỷ đồng
vào lúc cao điểm, SCIC hoàn toàn đủ sức làm đối trọng để chống những
hành vi lũng đoạn thị trường, làm cho nó phát triển lành mạnh. Nhưng họ
đã hoàn toàn bất động, trái hẳn với sự năng động xông vào “cứu” chứng
khoán vừa rồi.
Giờ đây, khi mà hàng triệu người đã trở về với “cái máng lợn” thì những
con thú điện tử sừng ngắn đã tích lũy được những khoản lời kếch xù, ít
thì cũng bằng số vốn bỏ vào, nhiều phải đến một vốn bốn lời. Ngược
lại, giá trị tài sản của SCIC đã bốc hơi đến vài chục ngàn tỷ đồng, thế
nhưng họ vẫn đang tiếp tục “ôm” vào những cổ phiếu sắp chết. Hiện nay
các chỉ số chứng khoán đã lùi về thấp hơn mức trước khi bầy thú tham
gia vào thị trường, điều này đồng nghĩa với mấy trăm ngàn tỷ đồng không
tự mất đi mà chỉ được dịch chuyển từ túi người dân và túi nhà nước vào
túi bầy thú.
Các quỹ đầu cơ này đang kiểm soát một lượng tiền đồng khoảng 500 ngàn
tỷ và được giữ tại các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam trong khi mức dự
trữ trong dân đang dần cạn kiệt. Và đây chỉ mới là khúc dạo đầu của một
kế hoạch. Sau giai đoạn chứng khoán bị làm giá rồi rơi tự do, sẽ đến
giai đoạn tiền đồng bị làm giá. Đồng tiền quốc gia của 86 triệu dân đã
bắt đầu bị lũng đoạn.
Tiền Đồng VNĐ đi về đâu?
Để hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài tăng vọt trong năm 2007, ngân hàng Nhà
nước đã được lệnh phát hành thêm tiền đồng vượt mức an toàn để mua
đô-la Mỹ. Lý thuyết này sẽ khả thi nếu như nền kinh tế trong nước hấp
thụ được lượng vốn ngoại đưa vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh
làm ra thêm của cải cho xã hội, dòng vốn được lưu thông thì ngân hàng
Nhà nước dễ dàng hút tiền đồng về nhanh chóng để tránh lạm phát. Nhưng
sẽ thật là mạo hiểm và vô trách nhiệm khi những nhà quản lý vĩ mô không
nhìn ra và tiên liệu những tình huống ngược lại như thực tế đã diễn ra.
Áp dụng cách thức này trong lúc các điều kiện cần để tạo ra thời cơ
tuyệt vời cho bầy thú điện tử đầu cơ đã hội tụ, chính là đưa đến điều
kiện đủ cho một cuộc tấn công lũng đoạn có thể bắt đầu. Có nhiều chỉ
trích rằng ngân hàng Nhà nước đã không tích cực hút tiền về nên làm lạm
phát mạnh, nhưng cần hiểu là không thể thực hiện được điều đó khi mà
chính ngân hàng Nhà nước đã tự đặt mình vào bẫy, để quyền điều tiết
tiền đồng cho bầy thú kiểm soát.
Luồng vốn đầu tư gián tiếp tập kích ồ ạt vào chứng khoán nhưng hầu như
chẳng được đưa vào đầu tư thực sự, nó chạy lòng vòng từ người này qua
người khác theo cái vòng xoáy hút – nhồi để cuối cùng quay trở lại túi
của bầy thú với trị giá được nhân lên nhiều lần. Các doanh nghiệp niêm
yết huy động vốn xong lại tiếp tục đổ vào chứng khoán, chẳng có bao
nhiêu tiền từ nguồn này được đưa vào đầu tư mở rộng kinh doanh tạo thêm
sản phẩm cho xã hội.
Rất nhiều các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết vô trách nhiệm còn tiếp
tay cho bầy thú điện tử lừa cổ đông để cùng hưởng lợi. Một tỷ lệ nhỏ
tiền văng khỏi vòng xoáy của bầy thú, vào túi những kẻ tiếp tay. Số vốn
này cuối cùng được đầu cơ vào bất động sản hoặc được cất giữ an toàn
tại ngân hàng nước ngoài. Còn luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
trong năm 2007 chỉ thực hiện được một phần tư so với đăng ký do những
rào cản hành chính, yếu kém hạ tầng và thiếu thốn nguồn nhân lực được
đào tạo. Triển khai đầu tư chậm, dòng vốn lưu thông ì ạch thì tiền đâu
mà ngân hàng Nhà nước hút vào.
An sinh của gần 86 triệu dân hiện nay đang phụ thuộc hoàn toàn vào sự
rộng lượng của “những con sói”. Nếu vài trăm ngàn tỷ đồng đang bị ghim
giữ được tung ra đổi thành đô-la Mỹ thì lạm phát sẽ đẩy người dân đến
thảm họa. Lượng đô-la này nếu bị đảo chiều – chuyển ra khỏi Việt Nam –
thì toàn bộ dự trữ ngoại hối của quốc gia sẽ bốc hơi trong tích tắc
nhưng cũng chỉ là muối bỏ bể trước sự thâm hụt cán cân thanh toán và
thương mại quốc tế trầm trọng. Một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất không
thua gì vụ giá–lương–tiền hồi giữa thập niên 80 của thế kỷ trước sẽ nổ
ra ngay sau đó. Tiền đồng – VND sẽ mất giá và rơi tự do.
Ngay đầu năm 2008, rất nhiều các chuyên gia và tổ chức nước ngoài đệ
trình lên chính phủ các giải pháp nâng giá tiền đồng so với đô-la Mỹ,
thắt chặt tiền tệ, gia tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các giải
pháp này lẽ ra đã phải được khuyến nghị để thực hiện từ giữa 2006 nhằm
chống nguy cơ tấn công của bầy thú điện tử trước khi gia nhập WTO, giảm
tăng trưởng ảo của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát để kéo dần lãi suất
ngân hàng xuống nhằm thúc đẩy đầu tư cho sản xuất kinh doanh thực thụ,
nhờ đó nền kinh tế sẽ được tăng trưởng dần theo hướng có chất lượng bền
vững.
Thật tiếc rằng các giải pháp vĩ mô trong 2006 – 2007 đi theo hướng hoàn
toàn ngược lại, các nguy cơ không những không được tháo gỡ mà còn bị
làm cho trầm trọng hơn. Chiến lược tăng trưởng nhờ thu hút đầu tư nước
ngoài để gia tăng xuất khẩu đã ngăn cản việc nâng giá tiền đồng hợp lý
nhằm gia tăng sức mua và nhu cầu nội địa – tức là gia tăng mức sống của
người dân, một yếu tố quan trọng để tăng trưởng bền vững.
Việc duy trì tiền đồng yếu trong lúc đô-la Mỹ mất giá trung bình khoảng
20% so với các ngoại tệ khác trên thế giới chỉ tạo ra những sức hút
ngắn hạn cho các nhà đầu tư nước ngoài khai thác lợi thế giá rẻ nhờ bảo
hộ tỷ giá của nhà nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh nhưng đa
số là nhập khẩu nhanh những công nghệ lạc hậu vào Việt Nam rồi khai
thác nhân công giá rẻ, nguyên liệu rẻ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi lớn, lợi kép nhờ tỷ giá. Những
khoản lợi nhuận này được để bên ngoài Việt Nam bằng cách khai tăng giá
nhập thiết bị và vật tư phục vụ xuất khẩu (thuế suất nhập khẩu bằng 0
hoặc rất thấp). Giá trị còn lại trong nước chỉ là tiền công và nguyên
liệu rẻ mạt, đi kèm với môi trường bị hủy hoại do công nghệ lạc hậu, và
sự suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Đã có những cảnh báo về các nguy cơ rối loạn kinh tế lẫn xã hội nếu
luồng vốn ngoại không cân đối làm suy yếu nội lực trong nước. Nhưng sự
tuyên truyền ầm vang không mệt mỏi của các phương tiện thông tin đại
chúng ca ngợi sự tăng trưởng ngoạn mục của đầu tư nước ngoài, tô hồng
viễn cảnh sáng sủa của nền kinh tế đã át hẳn những tiếng nói co´ trách
nhiệm. Dân chúng tránh sao được sự ảo tưởng và rơi vào vòng xoáy ma
lực. Nhiều đề xuất, khuyến nghị chính phủ cần xem xét lại chính sách
thúc đẩy xuất khẩu kiểu này nhưng kết luận cuối cùng là càng phải tăng
mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu.
Nhưng sự thật trớ trêu là càng xuất khẩu kiểu đó thì nhập siêu càng
lớn. Lý do là sức mua của toàn dân sụt giảm nghiêm trọng do tỷ giá tiền
đồng thấp hơn thực tế, mà nhu cầu thì ngày càng tăng lên. Trong khi đó
lại hoàn toàn thiếu vắng các chính sách hỗ trợ cho việc đáp ứng các nhu
cầu nội địa, biểu thuế suất nhập khẩu hàng ngàn mặt hàng (đặc biệt là
nông sản) giảm xuống do gia nhập WTO. Lượng nhập khẩu tăng lên là đương
nhiên để đáp ứng các nhu cầu trong nước. Giá nhập khẩu cũng phải tăng
mạnh do 2 tác động kép của tỷ giá tiền đồng thấp và giá cả thế giới
tăng.
Nhập siêu 2007 phi mã đến 12,5 tỷ đô-la Mỹ (hơn 2,5 lần mức 2006) là
vẫn còn may mắn. Nếu dầu thô thế giới không tăng giá để mang thêm về
cho Việt Nam gần 2,5 tỷ đô-la Mỹ (40 ngàn tỷ đồng) từ xuất khẩu trong
2007 thì tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Thế nhưng người dân đã
không được hưởng gì từ khoản thặng dư của tài nguyên quốc gia này sau
khi chính phủ quyết định cắt bỏ 10 ngàn tỷ đồng bù giá xăng dầu trong
nước. Sức mua của người dân bị ép giảm sút nặng nề để tăng lợi thế cho
đầu tư nước ngoài và xuất khẩu mà ở đó chỉ một nhóm nhỏ các nhà xuất
khẩu, chủ yếu từ nước ngoài hưởng lợi.
Giờ đây khi mà tiền đồng đã mất giá thực sự do lạm phát tiền và nội lực
trong nước suy kiệt thì các giải pháp nâng giá tiền đồng lại được thực
hiện. Lại một cái bẫy. Quyền lợi lại thuộc về nước ngoài. Đầu tháng
3/2008 ngân hàng Nhà nước mới yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc lên thêm 1%
(tương đương khoảng 10 ngàn tỷ đồng) và phát hành tín phiếu bắt buộc
trị giá 20,3 ngàn tỷ đồng; chỉ hút hơn 30 ngàn tỷ đồng mà đã làm cả hệ
thống tài chính ngân hàng điêu đứng, náo loạn đua nâng lãi suất để động
viên người dân chuyển đổi ngoại tệ thành tiền đồng gửi vào ngân hàng.
Tiền đồng trở nên khan hiếm, đô-la Mỹ bị mất giá.
Người dân lại bị cuốn hút vào một cuộc chơi mới của bầy thú điện tử.
Các quỹ đầu cơ này đang cần đổi tiền đồng sang đô-la Mỹ, một tỷ giá
đô-la Mỹ thấp sẽ rất có lợi cho họ. Tiền đồng bị siết chặt, biên độ tỷ
giá đô-la Mỹ được nới lỏng. Đô-la Mỹ rơi xuống gần 15,5 ngàn đồng/USD
nhưng bán cũng không ai mua. Trong tuần thứ ba của tháng 3/2008 này bầy
thú điện tử đã tung hơn 30 ngàn tỷ đồng để mua vào khoảng 2 tỷ đô-la
Mỹ. Ngay lập tức lạm phát gia tăng thêm 3%, đạt mức kỷ lục 9.2% trong
chưa đầy 3 tháng đầu năm 2008. Cùng lúc, các ngân hàng chuẩn bị giảm
lãi suất huy động.
Cái vòng xoáy hút – nhồi, tăng lên – giảm xuống sẽ được lặp lại nhiều
lần như chứng khoán, đến khi mà bầy thú đã nắm trong tay một lượng lớn
đô-la Mỹ thì sức mua của tiền đồng sẽ rơi tự do không phanh. Chỉ số giá
tiêu dùng CPI sẽ tăng thêm cỡ 50% nữa, con số này chưa bao gồm những
tác động của việc tăng giá đầu vào và sự mất niềm tin của dân chúng.
Yếu tố niềm tin này có thể dẫn đến sự sụp đổ không ai có thể lường hết
được, nó sẽ vượt quá nhiều lần mọi tính toán kỹ thuật nếu như người dân
nhận ra mình đã bị lừa.
Thâu tóm và thôn tính
Nhưng mục tiêu của bầy thú không chỉ đơn giản như vậy. Bây giờ có lẽ
chính phủ đã nhận ra được những nguy cơ của lạm phát sẽ tác động khủng
khiếp thế nào đến sự bất ổn xã hội. Nếu không muốn cuộc khủng hoảng này
bùng nổ ngay trong năm 2008, chính phủ phải thương lượng mua lại khoản
tiền đồng khổng lồ của bầy thú. Quá trình thâu tóm đang bắt đầu.
Nhưng tiền đâu để mua khi mà dự trữ ngoại hối của quốc gia quá yếu ớt.
Ngay cả có huy động được mọi nguồn lực để có đủ số tiền này thì bầy thú
sẽ nói họ không cần đô-la Mỹ vì họ có thể mua nó dễ dàng từ thị trường.
Họ muốn quyền kiểm soát các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những tập
đoàn được hưởng đặc quyền và đầy lợi thế của nhà nước. Các doanh nghiệp
này đã được bảo hộ chặt chẽ trong các điều khoản gia nhập WTO để không
chịu sức ép cạnh tranh lớn khi hội nhập. Nhưng giờ đây chúng sẽ được
trao quyền kiểm soát chi phối bằng sở hữu đa số thông qua các hiệp định
song phương đang được đàm phán vội vã.
Dân chúng đừng vội mừng vì hy vọng vào sự tốt lên của các doanh nghiệp
này sau khi có bàn tay của nước ngoài. Kinh nghiệm trên thế giới cho
thấy trong một đất nước mà thiếu vắng các chiến lược để tạo ra lợi thế
quốc gia trong một hệ thống toàn cầu hóa, và nguồn nhân lực thì thiếu
kỹ năng được đào tạo đúng mức, cộng với tham nhũng chi phối các chính
sách nhà nước thì bầy thú điện tử sẽ chỉ dùng các doanh nghiệp khổng lồ
trong nước được bảo hộ để khai thác thị trường nội địa, buộc người dân
phải trả giá cao để có siêu lợi nhuận. Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô
(VAMA) vừa vận động nâng thuế nhập khẩu xe hơi để “chống nhập siêu” là
một minh chứng cụ thể cho việc đó.
Áp lực đang được gia tăng lên rất mạnh để các điều khoản đảm bảo cho
việc thâu tóm dễ dàng đạt được. Bầy thú đang nhả tiếp tiền đồng ra đổi
lấy đô-la Mỹ khiến nó lên giá, lạm phát tiếp tục tăng vọt. Trong tình
hình này có lẽ những điều kiện cần để thâu tóm sẽ phải hoàn tất trong
vòng trên dưới 2 tháng nữa. Từ nay đến đó chứng khoán sẽ tiếp tục hoành
hành để gây rối và gia tăng áp lực đàm phán. Đến khi mọi việc được ký
kết thì tới lượt bất động sản sẽ được thổi bùng lên, giá trị thật giá
trị ảo sẽ lại điên loạn lên một lần nữa – một cuộc chơi mới theo bài
cũ. Nó sẽ tạo ra bất ổn đến cuối năm, không chỉ để trục lợi mà còn nhằm
lũng đoạn dễ dàng các chính sách vĩ mô để phục vụ cho những kế hoạch
tiếp theo.
Nhà nước nếu không cẩn thận thì sẽ bị những kẻ cơ hội tiếp tục thao
túng để bơm ra lượng tiền đồng khổng lồ đã thu hồi về nhờ bán rẻ tài
sản toàn dân. Trong lúc rối ren, thật giả lẫn lộn thì không khó gì để
viện ra những lý do nghe xuôi tai để làm được việc ấy. Lúc đó sẽ không
còn gì có thể cứu vãn được nữa. Đó chính là sự kết thúc.
Nhưng đấy cũng là khởi đầu của sự thôn tính.
Trần Đông Chấn
Tài liệu tham khảo: (giaodiemonline)
Minh tuệ. Khâm phục. Tri ân.
ReplyDeleteTinh hoa của dân tộc ngồi trong lao. Rác rưởi của dân tộc ngồi ngoài lao và ngồi trên cao.