Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-03-01
Ngân Hàng Phát Triển Châu Á vừa đưa ra thông báo tỏ ý lo ngại cho việc lạm phát tiếp theo sau suy thoái kinh tế của nhiều nước khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong các nước được đánh giá là sẽ có tình trạng lạm phát có thể lên tới hai con số trong năm nay.
GSTS Vũ Văn Hóa, Trưởng Khoa Kinh Tế Tài Chánh - Đại Học Quản Lý Kinh Doanh chia sẻ them về vấn đề này.
Dự trữ ngoại tệ
Mặc Lâm: Thưa, trước tiên xin cảm ơn Giáo Sư đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Thưa ông, việc Ngân Hàng Nhà Nước quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng USD và tiền đồng VN tăng thêm 603 đồng tương đương với 3,3% thì Giáo Sư có cho rằng động thái này sẽ làm cho hàng nhập khẩu đội lên và kéo theo lạm phát trong năm nay hay không?
GS Vũ Văn Hóa: Tôi cho rằng việc này cũng coi như một sự phá giá của đồng VN, tức là cái tình trạng nhập siêu của Việt Nam ngày nay lại càng gia tăng. Mà hiện nay, nếu theo tỷ giá này thì nó càng gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu, điều đó là điều hiển nhiên rồi.
Tôi cho rằng điều này cũng không thể nào khác được bởi vì trong tình trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tất cả các mặt hàng nhập ngoại đều khan hiếm cả, quỹ ngoại tệ trong nước thì cũng không có nhiều, thế thì bây giờ đành phải theo chiều hướng như đã biết.
Chính phủ chỉ có thể là tăng tỷ giá lên nhằm mục đích là hạn chế tình trạng nhập khẩu, thì việc chi tiêu ngoại tệ cũng giảm bớt, cái đó cũng khả dĩ là bớt nhu cầu chi tiêu.
GS Vũ Văn Hóa
Mặc Lâm: Trước đây nhà nước đã tỏ ra khá lo ngại trong việc tăng tỷ giá sẽ kéo theo khó khăn cho việc chi trả nợ nước ngoài. Giữa hai phải chọn một, theo Giáo Sư thì nhà nước nên quyết định thế nào, thưa ông?
GS Vũ Văn Hóa: Theo tôi thì con đường mà hiện nay Việt Nam có thể làm được là vẫn tăng tỷ giá lên để có thể găm được một ít ngoại tệ ở trong nước, và có thể có một điều kiện là làm thế nào đó cho tình trạng ngoại tệ bớt đi ra nước ngoài hơn để tăng ngoại tệ.
Chứ bây giờ mà trả nợ cho nước ngoài thì như anh biết đấy, tức là cái thực lực về tiền tệ của dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện nay cũng không phải là nhiều mà còn dùng cho nhiều mục tiêu, do đó mà việc tăng vốn ngoại tệ trong nước để mà trả nợ nước ngoài thì rất hạn chế. Cho nên trong tầm tay thì chính phủ chỉ có thể là tăng tỷ giá lên nhằm mục đích là hạn chế tình trạng nhập khẩu, thì việc chi tiêu ngoại tệ cũng giảm bớt, cái đó cũng khả dĩ là bớt nhu cầu chi tiêu anh ạ.
Xem xét lại các khoản chi
Mặc Lâm: Theo các chuyên gia kinh tế nhận định thì rất nhiều công trình có đầu tư lớn của nhà nước đang còn dở dang và những công trình này không thể ngừng lại được. Để giải quyết chúng nhà nước phải chấp nhận bỏ thêm một số tiền rất lớn trong ngân sách. Liệu việc này ảnh hưởng ra sao đối với lạm phát?
GS Vũ Văn Hóa: Vâng, tôi nghĩ là bây giờ tình trạng lạm phát thì ai cũng đã nhìn thấy rõ mà cái này thì các nhà khoa học và kinh tế cũng đã cảnh báo cho chính phủ, không phải là từ bây giờ mà từ năm ngoái rồi. Đương nhiên là về tình trạng của nền kinh tế thì những khoản chi bất đắc dĩ thì nhà nước vẫn phải chi thôi.
Bây giờ không thể kềm chế được cho nên biện pháp quan trọng nhất hiện nay là phải xem xét lại, tức là cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên của chính phủ. Cái thứ hai nữa là có thể trong thời gian tới nhà nước cũng có thể phải phát hành thêm trái phiếu, có thể là công trái trong đợt tới để giảm bớt số tiền trong lưu thông. Tôi nghĩ là hai nguồn đó ở trong nước thì trong tầm tay, thế còn bây giờ như anh biết đấy, tức là các nguồn ODA hoặc FDI vào thì nhiều khi nó được sử dụng không hiệu quả lắm, mà chủ yếu là dành cho các khoản chi công nghiệp chế biến.
Còn các công nghiệp khác ở trong nước thì ODA và FDI rất là ít cho nên chúng tôi cũng chưa biết là chính phủ sẽ làm như thế nào, nhưng mà chúng tôi cũng có khuyến cáo là chính phủ nên xem xét lại, tức là cơ cấu lại các khoản chi của chính phủ, không dàn trải, phải nâng cao hiệu quả. Đồng thời phải suy nghĩ đến việc phát hành công trái phiếu trong đợt tới.
Bây giờ không thể kềm chế được cho nên biện pháp quan trọng nhất hiện nay là phải xem xét lại, tức là cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên của chính phủ.
GS Vũ Văn Hóa
Mặc Lâm: Mới đây Ngân Hàng Phát Triển Châu Á vừa đưa ra nhận định là trong năm nay Việt Nam sẽ phải đối phó với lạm phát lên đến hai con số. Giáo Sư có chia sẻ gì về những đánh giá này, thưa ông?
GS Vũ Văn Hóa: Tôi nghĩ là lạm phát hiện nay nó đúng trong thực tại mà chưa thống kê hết thôi, chứ còn nếu thống kê hết thì nó có thể đến 2 con số trong hiện nay rồi, bởi vì bắt đầu từ đầu tháng 3 giá điện tăng. Trước đó thì chúng ta thấy giá dầu tăng liên tục, từ đầu năm tới giờ mới được 2 tháng mà tăng 2 lần, trong khi một số nước lân cận như Singapore hoặc Philippinnes thì nó tăng thấp hơn. Thế thì tình trạng lạm phát lên đến 2 con số thì tôi cho là hiện thực và nó cũng đúng tầm, đúng với điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo Sư.
GS Vũ Văn Hóa: Vâng. Xin chào anh.
No comments:
Post a Comment