Saturday, 27 February 20100 y kien
Ban đầu trục trặc chủ yếu do van, đến nay nhà máy lọc dầu Dung Quất có hơn 100 lỗi kỹ thuật chưa xử lý, theo tin của mạng chinhphu.vn.
Bản tin không nói rõ các lỗi kỹ thuật này là loại gì.
"Nhà máy lọc dầu Dung Quất chưa thể bàn giao vào ngày 25/2/2010 như kế hoạch ban đầu vì hiện tại vẫn còn 100 điểm tồn tại kỹ thuật vẫn chưa được xử lý triệt để," một quan chức nhà máy cho mạng tin chính phủ hay.
Đầu tháng Giêng năm nay, một phó thủ tướng Việt Nam yêu cầu nghiệm thu và bàn giao nhà máy, chậm nhất là 25/2.
Từ khi cho chạy thử hồi tháng Hai năm 2009, nhà máy lọc dầu Dung Quất, chi phí xây dựng khoảng 3 tỷ đô la, do Petro Vietnam làm chủ đầu tư, đã gặp một số sự cố.
Những sự cố này tuy không nhiều nhưng "mang tính chất phức tạp," báo Việt Nam cho hay.
Các tin đưa ban đầu về sự cố chủ yếu nói đến hỏng van.
Đợt nhà máy ngưng vận hành, từ 16/8 đến 1/10 năm 2009, là do van PV-1501 bị hỏng.
Từ ngày 22/12/09 đến ngày 13/1/10 nhà máy lại tạm ngừng chạy thử để "tiến hành khắc phục các vấn đề kỹ thuật còn tồn đọng, đặc biệt là để lắp đặt van PV-1501 mới, trước khi bàn giao sơ bộ," báo trong nước đưa tin.
Có thể van PV-1501 chỉ là một phần của sự cố. Mạng chinhphu.vn khi đưa tin về cuộc họp của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải với Nhà thầu và Ban Quản lý dự án đầu năm nhắc đến khả năng xử lý kỹ thuật của nhà thầu.
"Trước khi thay mới van bít PV-1501, cần rà soát kỹ thiết kế, quy trình vận hành, xác định nguyên nhân thực sự gây ra sự cố kỹ thuật tại van này, phân xưởng cracking xúc tác, từ đó có biện pháp khắc phục triệt để…"
Từ đó phía Việt Nam cho rằng Dung Quất chậm được bàn giao là do "tổng thầu Technip còn chậm trễ trong việc xử lý và khắc phục các sự cố."
Trước các sự cố này, báo Việt Nam đặt câu hỏi về chất lượng thiết bị và năng lực nhà thầu trong dự án công nghiệp thuộc loại kỹ thuật cao tại Dung Quất.
Hệ thống cấp điện
Trong khi đó lãnh đạo Petro Vietnam coi hệ thống cấp điện "manh mún và cũ kỹ" là một trong các nguyên nhân gây sự cố tại Dung Quất.
"Việc hỏng là do phẩm chất hệ thống cung cấp khí, điện không ổn định, dẫn đến nhà máy bị tạm ngừng nhiều lần, từ đó gây ra hỏng van," ông Đinh La Thăng chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) nói trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Kinh tế Việt Nam ngày 6/1/2010.
"Hệ thống điện hiện nay đã được đầu tư từ lâu, manh mún nên phẩm chất không được đảm bảo," ông Thăng nói.
"Còn hệ thống điện cho nhà máy lúc đầu được thiết kế sẽ hòa lưới điện quốc gia. Nhưng sau đó do ổn áp của hệ thống thấp, giao động mạnh nên không thể kết nối."
Dù được coi là dự án công nghiệp hàng đầu của Việt Nam nhưng Dung Quất bị vướng vào nhiều thủ tục, từ hành chính, kỹ thuật cho đến gọi thầu, và dự án tiến hành rất chậm.
Từ lúc ra quyết định xây (1996), đến lúc nhà máy đi vào chạy thử (2009), mất tới 13 năm.
Ban đầu Việt Nam thành lập liên doanh với công ty dầu khí của Nga, Zarubezhneft, để góp vốn xây nhà máy. Tổ hợp Technip được hai phía chọn làm một trong các nhà thầu chính.
Về sau phía Nga rút khỏi liên doanh Vietross do khác biệt quan điểm trong điều hành và chọn lựa kỹ thuật. Dung Quất trở thành dự án 100% vốn của Việt Nam.
Tin nói rằng quá trình đàm phán hợp đồng với nhà thầu Technip kéo dài nhiều năm do cách làm việc sợ trách nhiệm của phía Việt Nam./.
No comments:
Post a Comment