Trước đề xuất của Chính phủ về việc phải thông qua Luật Thủ đô ngay tháng 5 sắp tới để "kịp" tiến độ mừng Hà Nội nghìn năm tuổi, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước nói, để đảm bảo chất lượng luật thì phải làm đúng quy trình là phải xem xét tại hai kỳ họp. "Không nên chạy đua vì một nghìn năm", ông K’sor Phước nói.
Không nên gấp vì 1.000 năm
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (9/2), Chính phủ đã xin bổ sung đưa dự án Luật Thủ đô vào chương trình nghị sự của Quốc hội năm 2010.
Không những vậy, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường còn đề xuất thông qua dự án Luật này ngay lần đầu tiên trình ra Quốc hội (tháng 5/2010).
Việc gấp gáp thông qua dự án luật này, không theo cách làm thông lệ là vì "Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đang đến rất gần. Đây không chỉ là sự kiện trọng đại của Hà Nội mà còn là của nhân dân cả nước. Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật Thủ đô trong thời gian chuẩn bị đại lễ 1.000 năm có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị và tinh thần, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại", ông Cường giải thích.
Mặt khác, việc hợp nhất địa giới hành chính vừa qua tạo ra thách thức lớn "cần một cơ chế chính sách đủ mạnh để giải quyết".
Mô tả ảnh.
Hà Nội muốn có cơ chế đặc thù để giải quyết các vấn đề sau khi mở rộng địa giới hành chính. Ảnh: VNN
Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật này, ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm UB Pháp luật cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa phù hợp với Hiến pháp và một số luật hiện hành.
Về ngân sách, ngoài tỷ lệ thưởng chung đối với các khoản tăng thu so với dự toán Trung ương giao, Hà Nội sẽ được sử dụng 100% số tăng thu còn lại, kể cả thu từ xuất nhập khẩu để đầu tư cho phát triển. Theo Luật ngân sách nhà nước thì Chính phủ quyết định trích thưởng với tỷ lệ không quá 30% cho ngân sách địa phương.
Thủ đô cũng đề xuất một số cơ chế đặc thù như có cảnh sát đô thị, kiến trúc sư trưởng, có đãi ngộ về tuyển dụng, sử dụng phụ cấp, mức thưởng, thù lao đặc thù...
Ngoài những vướng mắc về nội dung, thì tiến độ chuẩn bị dự án luật cũng được cho là còn "cập rập". Ban soạn thảo Luật Thủ đô mới được thành lập tháng 7/2009. Hiện dự thảo luật lần thứ tư vẫn còn đang chỉnh sửa, chưa được Chính phủ cho ý kiến.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phân tích thêm: "Hiến pháp không quy định là phải có đặc thù riêng cho Thủ đô. Bộ máy hành chính cả nước như nhau. Nếu bây giờ làm cái gì khác đi là không phù hợp".
Ông Vượng khẳng định, ngay Pháp lệnh Thủ đô được thông qua từ năm 2000 nhưng cũng không thể đi vào thực tế vì các quy định cũng đều bị "trói" bởi pháp luật hiện hành.
Ông K’sor Phước cho rằng: "Không thể áp đặt với một dự án luật mà phải tuân thủ quy trình. Thủ đô còn nhiều dịp kỷ niệm các ngày lễ... Phải rút kinh nghiệm quá trình mở rộng địa giới hành chính vừa qua".
Hầu hết thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều "bác" đề xuất phải thông qua sớm.
Nghe xong tất cả những ý kiến trên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói thêm, so với dự kiến ban đầu, dự thảo luật đã rút từ 56 điều xuống còn 33 điều.
Trước khi nghỉ Tết, ban soạn thảo sẽ gửi dự thảo luật lấy ý kiến các bộ, ngành. "Khoảng rằm tháng Giêng chúng tôi sẽ thu thập được các ý kiến đóng góp và sẽ hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động để tháng 3 kịp trình lên Thường vụ", ông Cường nói.
"Chốt" lại các tranh luận trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định: "Đây là dự án luật quan trọng nằm trong thời điểm quan trọng lịch sử là kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, đồng thời cũng là giải quyết cơ chế chính sách cho phát triển Thủ đô sau khi hợp nhất địa giới".
Vì vậy, ban soạn thảo phải gấp rút hoàn thiện để có thể thông qua ngay tại kỳ họp QH tháng 5. Trong trường hợp dự thảo luật đưa ra QH mà đại biểu có ý kiến chưa thống nhất thì lúc đó sẽ xem xét để lùi lại sang tháng 10.
Về việc một số quy định không phù hợp pháp luật hiện hành, ông Lưu nói, "Luật Thủ đô không được trái Hiến pháp, nhưng với các luật khác tuy chưa phù hợp pháp luật hiện hành nếu vì cần thiết thì vẫn có thể chấp nhận được".
Luật Biển vẫn "né" các đảo
Một trong những dự án luật khác cũng gây tranh cãi về thời điểm thông qua là Luật Biển Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, dự án này đã từng được trình ra tại QH khóa XI nên lần này có thể xem xét thông qua ngay kỳ họp thứ 7.
Mặt khác, do tính chất nhạy cảm liên quan đến đối ngoại nên theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình, không nên kéo dài thời gian xem xét dự án luật này.
Một số ý kiến cũng cho rằng, nội dung dự án luật lần này không khác nhiều so với dự thảo luật đã thảo luận tại QH khóa XI. Ông Lê Quang Bình nói thêm: "Các tuyên bố rõ ràng về đường cơ sở và các đảo thì vẫn né tránh".
Bộ Ngoại giao hiện vẫn đang hoàn chỉnh dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên lưu ý, ngoài việc Ủy ban Quốc phòng - An ninh thảo luận riêng dự án này thì Quốc hội cũng sẽ tổ chức kỳ họp đại biểu chuyên trách để thảo luận kỹ.
Như vậy, sau nhiều lần rút, dự án Luật Biển Việt Nam và Luật Tiếp cận thông tin sẽ được xem xét thông qua năm 2010.
Về các dự án luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, luật tổ chức QH, Ủy ban Pháp luật đề nghị sắp tới có thể tách UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, nhi đồng và UB các vấn đề xã hội.
Về Luật hoạt động giám sát, nên xem xét thông qua việc thành lập Ủy ban lâm thời. Với các ủy ban, coi điều trần là hình thức giám sát trọng tâm.
*
Lê Nhung (Theo VNN ngày 9/2/2010)
No comments:
Post a Comment