TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Friday, September 4, 2009

Hủy diệt rừng cấm

KTNT - Tiếng cưa máy ngày đêm vang lên trong các khu rừng thuộc dãy Hoàng Liên Sơn trên địa bàn các xã Long Khánh, Lương Sơn (Bảo Yên - Lào Cai). Những cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị đốn ngã. Mỗi ngày trôi qua, nhiều khu rừng phòng hộ đầu nguồn bị tàn phá, biến thành khu đất trống, đồi trọc. Rừng đang kêu cứu trong khi chính nạn khai thác gỗ trái phép khiến không ít người dân phải trả giá rất đắt, đôi khi bằng cả tính mạng. Còn lực lượng chức năng dường như vẫn chưa có động thái tích cực để ngăn chặn tình trạng này.

Những con đường trải... gỗ

Từ trung tâm thị trấn Phố Ràng ngược Quốc lộ 70 khoảng 25km về tới bản Vuộc (xã Lương Sơn), chúng tôi không khỏi giật mình bởi tiếng cưa máy từ trong các khu rừng vọng ra. Hai bên đường, hàng trăm khúc gỗ đủ loại xếp ngổn ngang, chủ yếu là gỗ được khai thác trong rừng phòng hộ đầu nguồn. Ông Hoàng Văn Trọng, người dân địa phương cho biết: “Mấy hôm nay trời mưa nên xe chở gỗ không lên được. Mọi ngày cứ tầm chiều tối là có xe đến bốc gỗ, bao nhiêu cũng đưa đi hết”.

Ông Hoàng Văn Viễn, người được giao bảo vệ khu rừng giáp ranh giữa hai xã Lương Sơn và Long Khánh tâm sự: “Có lần phát hiện lâm tặc phá rừng, tôi liền báo lên cấp trên. Sáng hôm sau, một nửa đồi mỡ 3 năm tuổi của tôi bị bọn chúng phát sạch, chúng còn dọa đốt cả nhà”.

Cách bản Vuộc 5km là địa bàn xã Long Khánh. Dọc con đường ven các khu rừng đâu đâu cũng thấy gỗ, những khúc gỗ được xẻ vuông vắn lao từ đỉnh đồi xuống, toàn là những loại gỗ quý như: sến, táu, dổi, sồi, re...

Đang đi trên con đường quanh đồi bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng nói: “Có ai ở dưới không, tránh nhờ lao gỗ”, chúng tôi tò mò đứng lại, tiếng gọi đó khiến một số người đang rửa chân tay ở bờ suối nhanh chân tránh, từ trên đỉnh đồi, một khúc gỗ ầm ầm lao xuống.

Chảy máu rừng nguyên sinh

Anh Nguyễn Văn Sứ, cán bộ xã Long Khánh cho biết: “Hiện nay, tất cả các khu rừng thuộc địa phận xã tôi đã bị lâm tặc khai thác hết, bây giờ để có gỗ lớn phải sang địa phận các xã Xuân Giang và Lâm Giang thuộc huyện Văn Yên (Yên Bái) mới có”.

Anh Sứ dẫn chúng tôi vào rừng, dọc con đường mòn thỉnh thoảng lại gặp những cái lán khai thác gỗ được dựng tạm bợ bên đường, bên cạnh lán là xác những cây gỗ đang mục nát theo thời gian. Khu rừng này vốn là rừng nguyên sinh nhưng giờ đây chỉ còn những cây tạp như vầu, nứa, chuối rừng... Chúng tôi hỏi: “Sao họ khai thác nhiều thế mà kiểm lâm không bắt?”, anh Sứ cho biết: “Bắt sao được, khi chỉ thấy bóng dáng người lạ xuất hiện trên địa bàn là người nhà gọi điện cho những người đang xẻ gỗ trong rừng dừng lại ngay. Vả lại họ toàn xẻ vào đêm khuya, kiểm lâm nào bắt lúc đó”.

Những thủ đoạn tinh vi của bọn lâm tặc khiến chính quyền địa phương phải “bó tay”. Chúng tôi quay về thôn Lủ 2, xã Long Khánh. Gần như gia đình nào ở đây cũng cất giấu gỗ. Gỗ được cưa xẻ thành hộp lớn, hộp nhỏ chất dưới gầm sàn, ở hiên nhà, có nhà còn ngâm đầy ao. Rất nhiều người than thở vì cuộc sống nghèo khó nên tranh thủ lên rừng xẻ gỗ làm nhà. Nhưng, cũng không ít người cho biết, gỗ đấy là hàng hoá, nếu được giá sẵn sàng bán ngay. Bán hết lại lên rừng xẻ tiếp.

Xưởng chế biến gỗ của ông Hoàng Văn Thảo.


Tại xã Long Khánh, gỗ mang lại nguồn thu không nhỏ, biết điều ấy nên không ít người dân lập xưởng dưới vỏ bọc chế biến gỗ sản xuất để dễ bề thu gom gỗ của lâm tặc mang đi tiêu thụ. Điển hình là hộ ông Hoàng Văn Thảo, xưởng nhà ông là nơi tập kết gỗ lậu lớn nhất xã Long Khánh. Người dân địa phương cho biết, cứ 1-2 ngày lại có xe đến vận chuyển gỗ.

“Đồi này trước đây là khu rừng rậm rạp, nhiều gỗ to, giờ muốn tìm thấy những cây gỗ như thế phải đi hết nửa ngày đường”, cụ Lương Văn Tính chỉ tay về phía quả đồi trọc ngậm ngùi nói.

Khai thác hết những cánh rừng nguyên sinh, lâm tặc còn ngang nhiên tàn sát không thương tiếc rừng phòng hộ đầu nguồn, điều đáng nói là chính quyền dường như không hay biết, thậm chí, phát hiện nhưng không hề xử lý. Trong suốt thời gian có mặt tại đây, chúng tôi không thấy bóng dáng của bất cứ kiểm lâm viên nào xuống cơ sở để sâu sát tình hình. Vậy nên, máu rừng vẫn rưng rưng chảy.

Cái giá phải trả

Dãy Hoàng Liên Sơn được biết đến là vùng núi non hùng vĩ với những cánh rừng già bát ngát, nguồn tài nguyên phong phú, rừng Hoàng Liên Sơn được ví như “lá phổi” của vùng Tây Bắc nhưng giờ đây nguồn tài nguyên quý giá này đang bị con người khai thác triệt để, cánh rừng xưa giờ đã biến thành bạt ngàn nương rẫy hay những khu đất trống mênh mông.

Hành vi phá rừng không thương tiếc của con người đã khiến họ phải trả giá bằng cơn lũ chưa từng có trong lịch sử 40 năm qua vào đầu tháng 8/2008 ở các tỉnh Tây Bắc. Lào Cai là nơi bị thiệt hại nặng nhất, trong đó xã Long Khánh có 9 người chết, hàng chục người bị thương, rất nhiều căn nhà và hàng trăm hécta hoa màu bị lũ cuốn trôi.

Từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn xã đã có 2 người chết do bị gỗ đè, 5 người bị cưa máy cắt vào chân. Anh Ma Văn Quân, người xã Long Phúc, do nhà nghèo nên phải bỏ học về đây làm thuê, một lần do bất cẩn, chiếc cưa máy vô tình cắt ngang đùi khiến anh không còn đi lại dễ dàng như trước, trở thành gánh nặng cho gia đình.

Nhờ rừng mà mấy năm gần đây, người dân Long Khánh trở nên giàu có nhưng những tệ nạn xã hội như nghiện, chích hút ma túy, mại dâm cũng xuất hiện. Chỉ riêng năm 2008, xã có 3 người chết do chích ma túy, phần lớn tuổi đời còn rất trẻ.

Rời Long Khánh, tiếng cưa máy vẫn phảng phất bên tai như tiếng kêu cứu của những cây gỗ, con thú trong rừng, gieo vào lòng tôi nỗi lo không biết nạn khai thác rừng trái phép khi nào mới chấm dứt, cuộc sống người dân mới bình yên trở lại.

Hoàng Chiên - Nguyễn Doanh

1 comment:

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty