TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Friday, September 4, 2009

Nước mắt tỷ phú giữa đại ngàn


Đại ngàn vùng tây Quảng Nam, vùng đất của cây sâm, cây quế vốn một thời nổi tiếng với những tỷ phú nông dân. Nhưng giờ đây, họ đang méo mặt vì hàng triệu cây quế phải chặt bỏ làm củi…

Vang bóng một thời

Nói đến miền rừng Quảng Nam, người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất của vàng, cùng những sản vật nổi tiếng của cây quế, cây tiêu và cây sâm Ngọc Linh… Những sản vật của vùng đất “chưa mưa đã thấm” ấy một thời đã giúp hàng trăm nghìn hộ nông dân giữa rừng thẳm đổi đời vươn lên thành triệu phú.


Nhiều vườn quế hàng chục năm tuổi bán không ai mua

Rất nhiều nông dân giữa đại ngàn Trường Sơn nhờ cây quế mà giàu lên từ những năm 90 của thế kỷ trước đã từng khẳng định rằng, chỉ vài chục năm tới sẽ không còn cảnh đói ăn.

Thế mà nay, hàng trăm triệu cây quế đến tuổi khai thác chẳng ai thèm mua. Cuộc đổi đời trông chờ vào cây quế đã không thành hiện thực như mơ ước.

Thời cây quế là cây "vua" trong những năm 90 của thế kỷ trước, các cấp chính quyền địa phương đã vận động nhân dân vào cuộc quyết liệt. Riêng chuyện cây quế đã có hẳn một Nghị quyết và một ban chỉ đạo trồng quế từ tỉnh đến thôn, tổ.

Ngày đó, nhà nhà trồng quế, người người trồng quế. Khắp núi rừng Quảng Nam đi đâu cũng gặp quế, từ vườn nhà đến vườn rừng. Bên chái bếp, cạnh chum nước, bất kỳ nơi đâu cũng thấy cây quế hiện diện.

Nhờ vậy, cây quế được hồi sinh sau bao dâu bể của sự săn lùng ráo riết để xuất khẩu. Khi ấy, cây quế đang trên bờ của sự tuyệt chủng, bởi giá mỗi cây quế từ 10 đến 20 năm tuổi có giá từ 2-3 cây vàng, và được thương lái săn lùng ráo riết ngày đêm.

Trong giới tỷ phú nơi miệt rừng vùng Tây này, một cái tên được nhắc đến đó là Chiến “đại ca”, nguyên là Phó Giám đốc nông trường chè Quyết Thắng. Chiến từng một mình lái máy cày ngang dọc để đi xem rừng quế ngút ngàn của mình nơi vùng đất xã Ba, xã Tư huyện Đông Giang.

Những rừng quế ngút ngàn ở huyện miền núi cao Nam Trà My hàng chục năm tuổi đang chờ thương lái đến mua


Hồi đó Chiến “đại ca” đã từng tuyên bố hùng hồn rằng, 10 năm sau sẽ không còn cảnh lái máy cày đi thăm vườn quế của mình nữa mà thuê hẳn một đội thanh niên khoẻ mạnh để khiêng (cáng) ông đi thăm vườn quế theo kiểu điền chủ ngày xưa.

Mỗi chuyến thăm như vậy, chỉ cần bán mấy cây quế là đủ để trả tiền công cho đám thanh niên cáng mình vào rừng thăm quế.

Thậm chí, trong khát vọng của mình sau 15 năm khi bán quế, ông sẽ mua hẳn một chiếc máy bay trực thăng để đi thăm vườn quế của mình.

Nhưng bây giờ đã gần 20 năm trôi qua, tôi gặp lại ông trong một quán nhậu ở TP. Tam Kỳ. Hỏi chuyện cây quế và lời tuyên bố năm nào, Chiến “đại ca” bảo: "Bây giờ mà nhắc lại lời tuyên bố đó, coi chừng đám thanh niên lại kéo đến cáng mình vào rừng đánh cho nhừ xương. Bởi lấy tiền đâu mà trả, có bán cả rừng quế cũng không đủ tiền thuê người chặt chứ nói chi đến chuyện ăn chơi…".

Không riêng gì Chiến “đại ca”, mà trong giới “điền chủ” quế ở vùng cao Bắc, Nam Trà My, Tiên Phước, Đông Giang, Phước Sơn…đều méo mặt vì cây quế.

Thời... củi quế

Ông Hồ Xuân Lợi là một trong hàng nghìn “tỷ phú” đại diện cho những “điền chủ” quế ở xã Trà Mai, huyện Vùng cao Nam Trà My từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Quế bán không ai mua. Nhưng vẫn phải ươm quế con để trồng

Ông cũng như hàng chục nghìn hộ nông dân miền núi cao này đã dốc bao công sức, mồ hôi cùng bạc tiền để trồng quế với khát vọng 10-15 năm sau sẽ đổi đời.

Chỉ tính riêng trong vườn nhà ông Lợi đã có trên 2.000 cây quế hơn 15 tuổi. Nếu ở cái thời vàng son của cây quế cách đây hơn 10 năm, có lẽ bây giờ ông Lợi đã là tỷ phú.

Còn bây giờ, ông Lợi ngồi đó với bao nỗi lo toan, khi những cây quế già tuổi vỏ dày đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bắt đầu chết đứng chẳng một thương lái nào hỏi mua. Họa hoằn lắm, có vài thương lái đến hỏi giá rồi... một đi không trở lại.

Trong ngôi nhà gỗ xập xệ, ông Lợi đưa cặp mắt buồn nhìn vườn quế bên nhà, gạt vội nước mắt rồi ngâm nga câu thơ “Tiếc thay cây quế giữa rừng /Đắng cay ai biết, ngát lừng ai hay…”, mà ông bảo là chỉ đọc để an ủi nỗi lòng những người trồng quế như ông ở miền đất này.

Ông Lợi kể rằng, những năm gần đây không hiểu sao giá quế tụt dần, hiện chỉ còn khoảng 50% so với giá các năm. Nhưng cũng chẳng có người hỏi mua.

“Đã mấy năm ni nhà tui không trồng quế nữa mà chuyển sang trồng sắn để có cái ăn. Cả vườn quế mấy chục nghìn cây chờ đợi mấy chục năm ni bây giờ bán chẳng ai mua, khổ lắm, đói là cái chắc…” - ông Lợi tâm sự.

Không riêng gì gia đình ông Lợi mà hiện ở Nam Trà My hầu như gia đình nào cũng có quế chết khô do quá già.

Chỉ tính riêng tại huyện Nam Trà My có khoảng 2 triệu cây quế với diện tích gần 800 ha. Nhiều gia đình ở địa phương này đều tập trung trồng quế và bây giờ đang rơi vào cảnh đứng ngồi không yên.

Nhiều nông dân đành chặt quế để làm củi đốt

Nhiều hộ dân đã quyết định chặt bỏ cây quế để lấy đất trồng cây khác. Thậm chí, chặt quế để lấy đất trồng sắn. Bởi cây sắn giúp họ không bị đói trong những tháng ngày chờ đợi.


Tại thời điểm này, giá 1 kg quế kẹp khô loại 1 chỉ bán được khoảng 50 nghìn đồng, giảm hơn 250 nghìn so với trước đây. Còn quế thảo chỉ khoảng 15 nghìn/kg và quế cành thì khoảng 10 ngàn. Do giá quế quá thấp, công vận chuyển tốn kém nhiều nên các hộ thu mua cũng không còn mặn mà với quế.

Ông Nguyễn Ánh, chủ một đại lý thu mua quế xuất khẩu cho biết, mùa quế năm 2008 ông bị lỗ te tua vì quế không xuất được. Còn mùa quế năm nay, giá quá hạ nên ông đành phải đóng cửa, nghề quế kẹp nổi tiếng mấy đời ông đeo đuổi đành xóa sổ.

Theo tính toán, mỗi cây quế trồng sau 10 năm khai thác được 15 kg vỏ tươi, tương đương 3 kg vỏ khô. Với giá thu mua như hiện nay mỗi cây quế trồng sau 10 năm chỉ bán được khoảng 50 đến 60 nghìn đồng. Thấp hơn các loại cây trồng khác nhiều lần nên số phận của cây quế đang bị người nông dân chặt bỏ để làm củi đốt là điều khó tránh khỏi.

Điều đặc biệt là, mặc cho người nông dân điêu đứng với cây quế, nhưng nghị quyết HĐND các huyện miền núi Nam, Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn… vừa mới thông qua vẫn ưu tiên cho cây quế.

Các huyện này quyết định dành kinh phí từ ngân sách hàng năm để hỗ trợ nhân dân gieo ươm và trồng mới từ 50 đến 70 nghìn cây con và vận động các gia đình tự gieo ươm vài trăm ngàn cây để phát triển cây quế như một cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo.

Nghị quyết của chính quyền là vậy, nhưng hiện thời người nông dân đang chặt bỏ cây quế để làm củi. Nhiều chủ vườn đang khóc vì quế, khóc vì tiền của hàng chục năm trời đổ dồn vào cây quế đến bây giờ trắng tay…

Hoàng Anh-VNN

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty