| Đồng tôm sú ở xã Kim Trung đìu hiu, cô quạnh. | KTNt - Có một thực tế đáng buồn đang xảy ra tại một số xã ven biển của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) là số người bỏ quê lên thành phố làm ăn, trốn nợ ngày càng nhiều. Đã hơn 5 năm qua, kể từ khi người dân làm theo chủ trương bỏ lúa nuôi tôm của tỉnh cũng là chừng ấy thời gian họ ngậm đắng, nuốt cay vì thua lỗ và nợ nần chồng chất. "Miền đất trắng" Khoảng 11 giờ trưa, chúng tôi đến xã Kim Trung. Trong cái nắng như thiêu đốt, khung cảnh đìu hiu, vắng vẻ của những ao nuôi tôm càng làm không khí trở nên hiu hắt. Nhiều ao nuôi rộng tới vài hecta nằm im lìm, phẳng lặng. Nép mình ở góc đầm là những căn chòi được làm bằng phên nứa hay rơm rạ tạm bợ, chỉ cần một cơn gió mạnh, tất cả sẽ đổ sập xuống ao. Tất cả những ngôi nhà ấy đều không có bóng dáng người chủ, cánh cửa lúc nào cũng im ỉm khép. Một vài đứa trẻ đang lom khom phơi rau câu trên bờ ao. Loay hoay tìm kiếm, chúng tôi mới gặp được anh Nguyễn Văn Khoa, người nuôi tôm ở xóm 4. Không giấu nổi sự chán ngán, anh cho biết: “Hai ao tôm của tôi mất trắng. Từ đầu năm tới nay, cứ thả đợt giống nào là chết đợt đó. Chúng tôi ở đây ngoài nuôi tôm chẳng còn biết làm gì. Tính ra số nợ ngân hàng của gia đình tôi cũng lên tới gần trăm triệu đồng”. Bên cạnh đầm tôm của anh Khoa là khu đầm hơn 3ha của ông Nguyễn Văn Bảy. ông Bảy là người có thâm niên gần chục năm trong nghề, nhưng tới giờ cũng không tránh khỏi tình trạng mất trắng. Cả khu ao của gia đình ông trông chẳng khác nào khu đầm hoang. “Vợ chồng tôi dành dụm được bao nhiêu vốn liếng đầu tư hết vào mấy ao tôm. Nhưng càng ngóng sau những lần làm lại thì thất bại càng nhiều. Tới giờ chúng tôi tay trắng. Ngay cả sổ đỏ của gia đình cũng đã bị ngân hàng thu giữ”, ông Bảy than thở. Không chỉ xã Kim Trung, mà hàng ngàn hộ nuôi tôm ở Kim Hải, Kim Đông cũng lao đao vì tôm chết. Tình trạng tôm sú chết hàng loạt chỉ sau vài tháng nuôi khiến hàng trăm hộ dân điêu đứng. Ông Cao Liên Hoan, Trưởng ban Địa chính xã Kim Trung cũng mất trắng vốn liếng vì tôm. Nhà có 3 ao nuôi, diện tích khoảng 3ha, gia đình ông đầu tư vài chục triệu đồng, đến giờ, khi tôm mới được bằng đầu ngón tay thì đột nhiên chết mà không rõ nguyên nhân. “Vài hôm nay, ông ấy như người mất hồn, công việc trên xã cũng bê trễ. Mấy chục năm công tác, dành dụm được chút vốn rồi đầu tư vào đầm nuôi tôm, tới giờ tay trắng vẫn hoàn tay trắng, khoản nợ ngân hàng đang treo lơ lửng trên đầu chưa biết tìm cách nào trả được”, vợ ông Hoan tâm sự. Tất cả các hộ nuôi tôm trong vùng đều không xác định được nguyên nhân vì sao tôm chết hàng loạt? Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Đức, chủ Doanh nghiệp thuỷ sản Trung Đức, xóm 4 (Kim Trung), nguyên nhân có thể do hệ thống thủy lợi trong vùng chưa đồng bộ. Ngoài ra, con giống cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thất bại của người nuôi tôm. Bên cạnh đó, việc người dân lấy nước vào ao nuôi trực tiếp từ các kênh mương mà không qua xử lý cũng khiến môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo ông Đức, mặc dù không rõ nguồn gốc xuất xứ của tôm giống, nhưng người nuôi vẫn mua cho kịp thời vụ nên mới có tình trạng tôm bị bệnh chết hàng loạt. Là người có thâm niên trong việc ương và cung cấp tôm giống, nhưng đến giờ ông Đức cũng phải chuyển sang hướng kinh doanh khác. “Nghề nuôi tôm, quan trọng nhất là phải hiểu rõ tình trạng môi trường ao nuôi cũng như nguồn gốc của con giống. Nếu bỏ qua một trong hai điều này thì coi như cầm chắc thất bại”, ông nói. Chạy nợ... Không còn mặn mà với con tôm, anh Nguyễn Văn Bằng ở xóm 4 (Kim Trung) quyết định bỏ xứ đi làm ăn xa. Cả gia đình có 4 khẩu, mấy năm nay chỉ trông vào ao đầm, khi tôm sú chết cũng là lúc gia đình anh xuống dốc. Ngôi nhà anh mới xây cũng treo biển bán. “Cho đến giờ, số nợ ngân hàng lên tới gần 200 triệu đồng, nếu cứ phiêu lưu cùng tôm không biết số nợ sẽ còn tăng lên bao nhiêu”, anh Bằng tâm sự. Không riêng gì anh Bằng, hầu hết người dân trong vùng đều không mặn mà với chuyện nuôi tôm nữa. Đàn ông, thanh niên đến tuổi lao động kéo nhau đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn đàn bà và trẻ con. Gia đình ông Trần Văn Hoàng ở xã Cồn Thoi có 4 người con, vì thất vận do tôm mà hai đứa lớn phải nghỉ học giữa chừng, đi làm thuê tận TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Xóm trưởng xóm 5 (xã Kim Trung) bộc bạch: “Những lao động chính đi làm ăn xa, ở nhà chỉ toàn đàn bà con trẻ, nhiều khi trong xóm có việc gì quan trọng tìm mỏi mắt cũng không ra người gánh vác”. Tôm chết, ao đầm chỉ còn trơ lại mặt nước lặng tăm và những mảng rong biển đua nhau xâm lấn. Đàn ông, người khoẻ mạnh đi làm ăn xa, ở nhà đàn bà và con trẻ mưu sinh bằng việc vớt rau câu. Em Trần Văn Bình, 12 tuổi ở xóm 6 (xã Kim Đông) đang hăm hở vớt rong dưới lòng kênh, thấy chúng tôi lia máy ảnh lên chụp vội cúi người quay đi. Tôi hỏi vì sao? Bình nói: “Vì em sợ lên báo sẽ ngại với các bạn cùng lớp”. Cũng theo ông Tuấn, trong xóm, số hộ bỏ nhà đi làm ăn xa lên tới gần một nửa. Nhiều gia đình có con nhỏ cũng phải gửi lại cho ông bà để lên thành phố làm thuê. Những ngôi nhà lúc nào cũng im ỉm khoá, sân vườn cỏ dại mọc um tùm, tường vôi lở loét, xanh rêu. Thậm chí có ngôi nhà đã vắng chủ vài ba năm nay. Không có người ở, không ai trông nom, những ngôi nhà này xuống cấp nhanh chóng. Hệ lụy sau những lần tôm sú chết đã khiến nhiều người dân các xã ven biển của huyện Kim Sơn lao đao trong vòng nợ nần triền miên. Nhưng điều đau xót hơn nữa đối với các bậc cha mẹ là không biết tương lai của những đứa con sẽ ra sao trong khi hằng ngày họ vẫn phải vật lộn với những lo toan cuộc sống và cả những món nợ khổng lồ do tôm để lại. Rời vùng nuôi tôm Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải, điều khiến chúng tôi day dứt không phải là những đầm, ao hay ngôi nhà bỏ hoang; mà là hình ảnh những đứa trẻ khom lưng vớt rau câu giữa trưa nắng cháy da cháy thịt. Và còn một điều nữa khiến chúng tôi băn khoăn, đó là, khi phát động chủ trương, tỉnh, huyện kêu gọi người dân tham gia, những báo cáo thành tích rất hay, kết quả khả quan nhưng khi gặp sự cố lại chỉ một mình người nông dân gánh chịu? Lã Văn Tài - Diệp An |
No comments:
Post a Comment