TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Friday, December 25, 2009

Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước: Lỗ triền miên, sao không cho phá sản!?

  10/11/2009 1:47 
Chuyện thua lỗ ở Vinashin đang được dư luận quan tâm - Ảnh: D.Đ.M
Báo cáo kết quả giám sát tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước được thảo luận tại Quốc hội (QH) hôm qua 9.11 chỉ mới cho thấy phần nổi của tảng băng trong bức tranh toàn cảnh về hiệu quả hoạt động của các DN này.
Phó trưởng đoàn đại biểu (ĐB) QH TP.HCM Trần Du Lịch ví von: qua báo cáo người ta đã thấy được cả "rừng" và cả những "cành cây". Và vì thấy rõ nét như vậy nên các ĐBQH cảm thấy lo lắng về hiệu quả sử dụng đồng vốn của các TĐ, TCT.
ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, chiếm tới 60% tổng lượng cho vay của các ngân hàng thương mại, kinh doanh trong những lĩnh vực độc quyền, trong đó có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản nhưng các TĐ, TCT chỉ đóng góp 40% GDP là chưa tương xứng. Theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, chỉ có 35/91 TĐ, TCT có tỷ suất lợi nhuận trên 15%, nhưng ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng ngay cả với mức lãi này cũng không thể gọi là cao được, so với những lợi thế vô cùng lớn mà Nhà nước ưu ái. Bỏ qua các lợi thế về tài nguyên, đất đai, chỉ riêng chuyện đi vay vốn thôi thì “không có đơn vị nào đi vay tiền dễ bằng các TĐ, TCT” - ông Xuân nói. 


 Các TĐ, TCT có 4 lợi thế rất quan trọng: lợi thế về vốn, về đất đai, yếu tố cạnh tranh, và lợi thế là niềm tin xã hội. Nếu lãng phí về đất đai, về vốn đã là không tốt, nhưng mà lãng phí niềm tin xã hội, tôi cho phải hết sức nghiêm túc vì tôi nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng. 

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên)
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH Mai Xuân Hùng (Hậu Giang) cho rằng, báo cáo giám sát đã vẽ lên được bức tranh toàn cảnh nhưng chỉ mới là phần nổi của tảng băng, bởi vì chưa tính toán được tổng tài sản của các TĐ, TCT nên chưa thể biết được hiệu quả của việc sử dụng vốn. Báo cáo giám sát ước tính tổng tài sản của các TĐ, TCT tương đương 1 triệu 241 nghìn tỉ đồng, nhưng theo ĐB Hùng nếu thông qua thị trường chứng khoán thì tổng tài sản này lên tới trên 4 triệu 200 nghìn tỉ đồng. “Như vậy, hiệu quả sử dụng vốn không phải là 12% mà chỉ còn 0,2%”, ĐB Hùng nói.
Nghịch lý
Báo cáo giám sát của UBTVQH chỉ ra rằng, có những TCT càng kinh doanh càng lỗ, số lỗ năm sau cao hơn năm trước. TCT Dâu tằm tơ lỗ lũy kế đến 31.12.2007 là 59,78 tỉ đồng (phát sinh lỗ 301 triệu đồng), lỗ lũy kế đến 31.12.2008 là 61,28 tỉ đồng (lỗ phát sinh 1,75 tỉ đồng). TCT Cà phê lỗ lũy kế đến 31.12.2006 là 589,68 tỉ đồng (phát sinh lỗ 16,14 tỉ đồng), lỗ lũy kế đến 31.12.2008 là 482,53 tỉ đồng (lỗ phát sinh 19,04 tỉ đồng)...


 Riêng TĐ Vinashin đã có số nợ quá hạn là 3.812 tỉ đồng, chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn mà 7 tập đoàn Nhà nước hiện nay đang nợ. Chưa thấy bức tranh sáng sủa nào là họ sẽ lấy tiền đâu ra để trả số nợ khổng lồ như vậy, chưa kể những nợ dây dưa với các đối tác trong nước.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh)
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) dẫn báo cáo giám sát đã liệt kê 16 DN lỗ trường kỳ, theo luật thì phải cho phá sản và đặt câu hỏi: “Cho đến nay đã có DN nào được phá sản chưa?”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của QH Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) đề nghị: “Chúng ta phải có một thái độ đối với những trường hợp này”. ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) hưởng ứng: “Phải giải quyết dứt điểm các đơn vị thua lỗ triền miên kể cả về tổ chức, kể cả về các cá nhân”. ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) tiếp: “Để càng lâu thì tài sản Nhà nước càng thất thoát, thua lỗ càng nhiều thêm, quyền lợi của người lao động, của các công ty đối tác... bị ảnh hưởng, trong khi đó trách nhiệm của những người làm ra thua lỗ này ngày một mờ nhạt đi và nhiều người đã hạ cánh an toàn”.
Cần có một mô hình phù hợp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh được chủ tọa điều khiển phiên họp chỉ định đăng đàn trả lời một số ý kiến của ĐB. Theo giải thích của Bộ trưởng, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các TĐ, TCT còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng đồng vốn. Ông Ninh lấy ví dụ như Tập đoàn Điện lực (EVN) thì phải đầu tư kéo điện về cho những vùng sâu, vùng xa; để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả trong nước, Tập đoàn Than và Khoáng sản phải bán than cho 4 hộ tiêu thụ lớn với mức giá chỉ bằng 56% so với giá bán xuất khẩu ra nước ngoài... “Nếu chúng ta tách được ra giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ chính trị - xã hội thì đánh giá dễ hơn, nhưng việc tách này là rất khó”, Bộ trưởng Ninh nói.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) chia sẻ những khó khăn của các TĐ, TCT khi cho rằng chỉ trong vòng 10 năm qua các doanh nghiệp này đã phải nhiều lần chuyển đổi mô hình quản lý, mỗi lần chuyển đổi mô hình sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng đồng vốn. Thế nhưng, ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) lại cho rằng việc thí điểm tổ chức một số TCT thành các TĐ chỉ là hình thức, về bản chất thì chưa có gì thay đổi, phương thức điều hành quản trị chưa có gì thay đổi so với trước. Ngay cả mô hình hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng còn những bất cập, cần phải có sự thay đổi. Sự thay đổi đó, theo ĐB Đặng Như Lợi là chuyển từ một tổ chức quản lý sang tổ chức hoạt động. ĐB Mã Điền Cư hiến kế: “Xem xét nên thành lập một cơ quan ngang cấp Bộ chuyên trách quản lý quyền sở hữu nhà nước ở khu vực kinh tế này, đủ năng lực, đủ thẩm quyền và vị thế chính trị, nhưng không liên quan đến việc quản lý nhà nước”.
Nhiều ý kiến tán đồng với đề nghị của UBTVQH là nên ban hành một luật về quản lý và kiểm soát vốn nhà nước cho các thành phần kinh tế nhà nước. ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) góp ý: “Phải rà soát lại tất cả, từng con người một, anh không thể đóng vai vừa là chính trị vừa là kinh doanh. Vai trò của người đứng đầu TĐ là kinh doanh”.

Theo báo cáo giám sát của UBTVQH, kết quả kinh doanh tính theo tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các TĐ, TCT năm 2008: 35/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trên 15%; 15/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận từ 10-15%; 20/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận từ 5-10%; 18/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận dưới 5% và 3/91 đơn vị thua lỗ.

Tính đến cuối năm 2008, 34 TĐ, TCT đã đầu tư 14.263 tỉ đồng vào vào tổ chức tín dụng; có 18 TĐ, TCT đầu tư 3.098 tỉ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm; có 34 TĐ, TCT đầu tư 2.039 tỉ đồng vào chứng khoán... Hiệu suất đầu tư (lợi nhuận trên vốn đầu tư) tính gộp chung của 47 TĐ, TCT vào lĩnh vực tài chính năm 2007 là 9,24%, năm 2008 là 4,78%, nhìn chung là thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này.
Xuân Toàn

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty