TT - Hôm nay 22-12, các bộ trưởng môi trường của Liên
minh châu Âu (EU) nhóm họp và nếu không có gì thay đổi, rất có thể đề
xuất áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của VN kéo dài thêm
15 tháng nữa sẽ được thông qua thành luật.
Gần chín năm làm trong ngành giày, tôi cũng như nhiều công nhân khác hoàn toàn hiểu được hậu quả của việc áp thuế phi lý này.
Công nhân nói riêng và công nhân trong ngành giày da
như tôi nói chung phải làm việc cật lực hằng ngày, ai có sức tăng ca
nhiều thì tổng thu nhập hằng tháng chỉ đến khoảng 2 triệu đồng, đủ sống
là may lắm rồi chứ tính gì đến chuyện dành dụm cho tương lai.
Đó là chưa kể sức khỏe bị ảnh hưởng do hít phải khí
hóa chất từ keo dán, dung dịch xử lý sản phẩm... trong quá trình làm
việc. Hằng tháng sau khi trả tiền phòng trọ, tiền sữa cho con, tiền giữ
trẻ và trừ đi các chi phí sinh hoạt khác thì hai vợ chồng tôi (chồng
tôi làm tài xế cho một công ty) dường như trắng tay.
Những lúc giá cả tăng thì chưa hết tháng đã chạy mượn
tiền nơi này nơi khác để mua sữa cho con và chờ đến ngày lãnh lương
trả, rồi chưa hết tháng sau phải đi mượn lại. Nhiều công nhân độc thân
sống cùng khu trọ với tôi cũng đối diện với tình cảnh này.
Vì vậy, nếu tiếp tục áp thuế chống bán phá giá giày da
của VN tại thị trường EU thì việc bán hàng của công ty tôi chắc chắn
gặp khó khăn, dẫn đến công ăn việc làm của những công nhân như tôi bị
ảnh hưởng. Công nhân chúng tôi thường chỉ biết làm việc ở một công đoạn
nào đó nên khi bị thất nghiệp do cắt giảm lao động thì rất khó tìm kiếm
một công việc khác bên ngoài để mưu sinh.
Lúc có việc làm đã sống chật vật thì tiền đâu mà sống
trong những ngày thất nghiệp chạy nơi này nơi khác xin việc. Khi đó
thật sự không biết phải xoay xở ra sao với tiền phòng trọ mỗi tháng,
tiền nuôi con và cơm nước hằng ngày. Mà khi kiếm được việc làm lại lo
chuyển đến nơi ở mới với nhiều chi phí phát sinh.
Đời sống công nhân vất vả lâu nay ai cũng biết, vậy
nên tôi vừa làm vừa đi học thêm nâng cao kiến thức mong sau này kiếm
được công việc tốt hơn cải thiện đời sống. Thu nhập như vậy nên muốn có
tiền đi học, tôi phải xin vay vốn từ Quỹ hỗ trợ công nhân TP.HCM, vừa
học vừa cố dành dụm từ đồng lương ít ỏi hằng tháng để trả nợ dần. Tôi
lo nếu chẳng may công việc bị ảnh hưởng thì tôi sẽ khó duy trì được
việc học.
Không những tôi mà còn nhiều công nhân khác hiện đang
sống khá chật vật với đồng lương ít ỏi hằng tháng cũng sẽ cơ cực hơn
khi hàng hóa của chúng tôi làm ra gặp khó khăn khi đem bán. Tôi chỉ
biết mình phải luôn cố gắng làm việc chăm chỉ hằng ngày lo cho cuộc
sống khó khăn và mong công việc ổn định để học cho xong, sau này làm ra
tiền còn phụ giúp gia đình.
LỪ THỊ HƯƠNG
(quê Sơn La - công nhân Công ty Huê Phong)
(quê Sơn La - công nhân Công ty Huê Phong)
No comments:
Post a Comment