Duy Ái 28/12/2009 |
|
Luật sư Nguyễn Văn Đài (phải) và Lê Thị Công Nhân đã đứng ra từ phía người dân để thành lập ủy ban nhân quyền độc lập thật sự ở Việt Nam nhưng đã bị bắt và đưa vào tù |
Giới hữu trách Hà Nội cho rằng việc thành lập một cơ quan như vậy là không cần thiết vì Việt Nam hiện nay đã có nhiều cơ chế giám sát việc thực hiện các quyền trong từng lãnh vực như: Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Thanh tra về trẻ em, bình đẳng giới, v..v… Bản phụ lục của báo cáo nhân quyền quốc gia Việt Nam có đoạn nói rằng “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức liên minh các dân tộc, tầng lớp nhân dân, cũng có vai trò quan trọng trong việc giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước và đại biểu dân cử, đồng thời tham gia phản biện xã hội đối với các chính sách của Nhà nước trước khi được thông qua.” Văn kiện này nói thêm rằng “sự tham gia trực tiếp của người dân thông qua các cơ chế pháp lý như bầu cử, ứng cử, chất vấn, khiếu nại, tố cáo và qui chế phát huy dân chủ ở cơ sở thực sự là cơ chế giám sát hiệu quả nhất đối với hoạt động của nhà nước.”
Tuy nhiên, tại một cuộc hội thảo mới đây ở Đại học Quốc gia Hà Nội, các học giả, trí thức Việt Nam cho rằng chính phủ cần sớm xem xét về việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia. Tường thuật hôm thứ hai (21-12-2009) của VietNamNet trích lời giáo sư Đào Trí Úc, cựu Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nói rằng “Nhân quyền và cơ quan nhân quyền quốc gia không thể chỉ là đối phó. Nhân quyền phải được xem là nền tảng triết lý phát triển của Việt Nam.” Vị Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng nói rằng Nhà nước Việt Nam đã cam kết các quyền cơ bản của con người, nhất là các quyền chính trị.
Giáo sư Ðào Trí Úc cho rằng “trong khả năng của mình, quốc gia nào cũng phải bảo vệ các quyền đó.” Ông cũng khẳng định rằng “khả năng thực hiện nhân quyền có hạn, nhưng nhân quyền không thể chờ để được trao và bảo vệ.” Một nhà nghiên cứu nhân quyền, bà Nghiêm Kim Hoa, cũng nói rằng “Nếu xem nhân quyền là vấn đề vì hòa bình, đồng thuận và phát triển quốc gia, thì Việt Nam cần xem đó là vấn đề đối nội”, thay vì xem là vấn đề đối ngoại như hiện nay.
Một số các nhà quan sát cho rằng sự mâu thuẫn giữa ý kiến của chính phủ và học giả Việt Nam về vấn đề thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia cho thấy rằng giới trí thức Việt Nam giờ đây đã mạnh dạn hơn trước trong việc bày tỏ những ý kiến bất đồng với nhà cầm quyền. Tuy nhiên, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhân vật kỳ cựu của phong trào tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, nói rằng đây chỉ là một chiến thuật của đảng Cộng Sản Việt Nam để đối phó với áp lực quốc tế, đặc biệt là sau những cuộc đối thoại hồi gần đây về nhân quyền giữa Việt Nam với Hoa kỳ, Liên hiệp Âu châu và Australia; và sau khi các nhà tài trợ mạnh mẽ yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền trong cuộc họp tư vấn hồi đầu tháng 12 vừa qua.
Từ nơi đang bị giam lỏng ở Chợ Lớn, Bác sĩ Quế phát biểu như sau: "Nếu như Hà Nội có thật tâm tôn trọng người dân Việt Nam thì trước khi bàn luận đến việc thành lập những cơ quan nhân quyền quốc gia có tính cách độc lập thật sự thì Nhà nước phải thả ngay những người như luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân. Đây là hai người đã đứng ra từ phía người dân để thành lập ủy ban nhân quyền độc lập thật sự ở Việt Nam nhưng đã bị bắt và đưa vào tù. Và Hà Nội hãy thả những người vừa mới bị xử ở Hà Nội và Hải Phòng hồi tháng 10, như ông Phạm Văn Trội, Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngô Quỳnh, bà Nguyễn Kim Nhàn, v..v…"
Bác sĩ Quế cũng đề cập tới việc chính phủ Việt Nam chuẩn bị đưa ra tòa xét xử về tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” đối với các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Anh Kim, và Lê Thăng Long – những người mà ông cho là đã bị bắt chỉ vì hành sử các quyền cơ bản của người dân. Ông nói rằng điều này cho thấy chính phủ Việt Nam không hề có thiện chí cải thiện tình hình nhân quyền.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu Giám đốc Ban Việt ngữ Đài Á châu Tự do ở Hoa kỳ, cho rằng những ý kiến bày tỏ tại cuộc hội thảo về cơ quan nhân quyền quốc gia ở Đại học Quốc gia Hà Nội có thể có sự chỉ đạo trực tiếp hay gián tiếp của đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng diễn tiến này cũng cho thấy một khuynh hướng đáng mừng trong giới trí thức Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho biết: "Sự lên tiếng của giới trí thức Việt Nam trong những năm sau này, đặc biệt là qua những mạng lưới mà mới đây đã bị tin tặc đánh, tất cả những cái đó chứng tỏ rằng có hẳn một phong trào, một xu hướng của trí thức Việt Nam càng ngày càng mạnh dạn lên tiếng. Nhưng qua sự kiện mà những web site đó bị tin tặc phá chúng ta thấy rằng vẫn còn một sức cưỡng rất mạnh từ phía chính quyền chống lại những suy nghĩ và phát biểu độc lập."
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cũng cho rằng cuộc hội thảo ở Đại học Quốc gia Hà Nội là một tiến bộ đáng hoan nghênh.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích nói: "Cái đáng mừng là cuối cùng thì dưới áp lực của dư luận nội địa cũng như hải ngoại Hà Nội cũng vẫn phải có những điều nghiên cứu. Điển hình là vấn đề Biển Đông. Trước kia thì họ kỵ lắm đối với việc bàn tới vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa. Nhưng mà gần đây thì họ cũng đã có được một hội nghị quốc tế về Biển Đông cũng rất đáng kể. Tôi nghĩ cái sự mà họ có thể đi đến cái chỗ chấp nhận một ủy ban độc lập về vấn đề nhân quyền ở trong nước là một sự tiến bộ rất đáng hoan nghênh."
Ông Nguyễn Ngọc Bích cũng tán đồng nhận định của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế cho rằng có một vấn đề rất quan trọng là cơ quan nhân quyền quốc gia mà Việt Nam có thể sẽ thành lập có mang tính chất độc lập hay không, hay chỉ là một công cụ mà nhà cầm quyền lập ra để phục vụ cho lợi ích của riêng mình. Ông cho rằng mọi người cần phải chờ xem cơ quan đó hoạt động có hiệu quả hay không, vì theo ông, “không riêng gì ở Việt Nam, mà ở tất cả các nước trên thế giới, bao giờ cũng có một khoảng cách khá lớn giữa những gì mà chính quyền nói và những gì mà họ làm”.
No comments:
Post a Comment