TT - Đó là thứ “bí mật Polichinelle” (tên một diễn
viên hài kịch Ý luôn đeo mặt nạ khi diễn) mà GS Nguyễn Ngọc Trân đã có
dịp nêu ra khi đặt câu hỏi vì sao các trường đại học lại có thể ra đời
dễ dàng như nấm sau mưa.
Và hôm qua, cái “bí mật Polichinelle trong ngành hải
quan” lại được mổ xẻ trong hơn 400 email của bạn đọc giội về tòa soạn,
sau khi Tuổi Trẻ đăng bài “Trả giá chung chi”.
Đó là một thứ “bí mật dưới gầm bàn” mà không nói ra
thì ai cũng biết. Ai cũng biết nhưng nó vẫn diễn ra, ngày này qua tháng
khác, như một chuyện bình thường nơi công sở.
Một bạn đọc viết: “Chuyện chung chi cho cán bộ hải
quan thật ra không mới, cũng không có gì lạ. Điều quan trọng là hình
như tất cả chúng ta đang làm ngơ hoặc không dám nói ra. Ngày mới ra
trường tôi hăng hái đi làm việc và lý tưởng lắm. Thế nhưng mọi thứ
dường như đảo lộn khi tôi đi làm thủ tục xuất nhập khẩu cho một công ty
thương mại. Tại các chi cục hải quan có vô số câu khẩu hiệu thật cao
quý và thật sự tôn vinh cán bộ ngành hải quan. Nhưng khi tiếp xúc với
cán bộ hải quan mới thấy rằng thực tế trái ngược hoàn toàn: “Mày đưa
anh mày nhiêu đó để cả nhà anh mày ăn rau muống à?”. Phải chung chi.
Không chung chi thì có mà đợi dài cổ...”.
Chắc chúng ta đã từng nghe, từng đọc những câu chuyện
như thế cách đây hàng chục năm, năm năm, một năm. Nhưng mọi chuyện vẫn
vậy, cho dù các ông Bộ Tài chính và lãnh đạo hải quan các cấp hứa hẹn,
tuyên bố đủ kiểu. Đây nè: cách đây năm tháng, báo Tiền Phong đã tung ra
loạt bài “Cán bộ hải quan “móc túi” doanh nghiệp” với chứng cứ rõ ràng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải
quan kiểm tra và xử lý cán bộ sai phạm. Rất lẹ, chỉ bốn ngày sau Cục
Hải quan TP.HCM đã thông báo quyết định kỷ luật năm cán bộ.
Rồi bây giờ, qua bài báo trên Tuổi Trẻ năm tháng sau,
sự việc ấy vẫn cứ diễn ra, cũng ở Cát Lái, cũng thuộc Cục Hải quan
TP.HCM. Chẳng lẽ Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục ra công văn truyền
đạt ý kiến của Thủ tướng? Và chẳng lẽ chúng ta sẽ phải chứng kiến
chuyện tệ hại này mãi sao?
Nhắc đến Cát Lái (Q.2, TP.HCM), chúng tôi nhớ đến
những người bạn đang đóng quân ở đó. Họ là những người lính hải quân
thuộc lữ đoàn 125. Đàn anh của họ chính là những chiến binh dũng cảm
của “Đoàn tàu không số”. Còn họ bây giờ đang thay phiên nhau ra khơi,
ngày đêm canh giữ Trường Sa và DK1 với lời thề son sắt với biển: sẵn
sàng hi sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Bạn sẽ thấy lòng mình trong sáng hơn, tử tế hơn khi
đến cảng Cát Lái trò chuyện với những chiến binh Trường Sa vốn bao năm
chịu đựng gian khổ và thiệt thòi. Nhưng cũng ở Cát Lái, bạn sẽ cảm thấy
xấu hổ và phẫn nộ vô cùng khi nghe về những “bí mật Ponichinelle trong
ngành hải quan”.
BÙI THANH
No comments:
Post a Comment