TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Thursday, February 4, 2010

Thủy điện “giết” sông Mekong

Thứ Năm, 04/02/2010, 08:09 (GMT+7)

TT - Ngày 3-2, UBND TP Cần Thơ và các tổ chức phi chính phủ trong, ngoài nước đã tổ chức diễn đàn “Môi trường và nguồn sống trên sông Mekong” nhằm tìm giải pháp cứu sông này trước tình trạng xây dựng ồ ạt đập thủy điện ở thượng nguồn.
Do thay đổi dòng chảy, dọc bờ sông Tiền (khu vực Hồng Ngự, Đồng Tháp) ngày càng gia tăng sạt lở - Ảnh: Đức Vịnh
Theo ông Đào Trọng Tứ - nguyên phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong VN, hiện Trung Quốc đang xây 3/16 đập thủy điện, Lào và Campuchia cũng đang nghiên cứu triển khai thêm 11 đập trên sông Mekong.
Không thể “ăn” điện
“Chúng tôi muốn ăn cá, chúng tôi không thể ăn điện để sống” -
ông La Chhuon, một thành viên thuộc tổ chức phi chính phủ Oxfam Australia tại Campuchia, đã dẫn lời người dân đánh cá tại các khu vực sắp xây đập ở quốc gia này để bày tỏ thái độ với chủ trương của chính phủ (Campuchia đang khảo sát xây hai đập thủy điện trên sông Mekong). Ông còn thông tin tất cả người dân được phỏng vấn đều không vui vẻ gì với dự án đập, họ không quan tâm đến việc đền bù tiền bạc. “Nếu người dân sống và mưu sinh trên dòng sông này bị di dời lên núi thì thử hỏi họ kiếm gì để ăn, làm gì để sống?” - ông La Chhuon thắc mắc.
ĐBSCL bị “tác động kép”
Theo các chuyên gia, thời gian qua ĐBSCL vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nay việc xây dựng đập thủy điện ở các quốc gia lân cận thì khu vực này sẽ bị “tác động kép”.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN-MT Cần Thơ) - cho biết kết quả khảo sát trong năm 2009 cho thấy xâm nhập mặn đã “tấn công” tới huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), các khu vực thuộc thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) và tỉnh An Giang khiến người dân ở đây không thể dùng nước để trồng trọt.
Còn tại Tân Châu (An Giang) và Cần Thơ, diễn biến trong mười năm qua cho thấy mực nước cao nhất tại các cửa sông tiếp tục giảm, có nơi giảm gần 1m. Theo ông Vinh, đây là hiện tượng bất thường.
Theo ông Đào Trọng Tứ, việc xây đập sẽ làm thay đổi dòng chảy, chặn đường đi của cá và thủy sinh, giảm lượng phù sa, gây tổn thương nghiêm trọng đến vùng hạ lưu sông Mekong.
Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Carl Middleton (Tổ chức Sông ngòi quốc tế Hoa Kỳ) cho rằng việc xây đập không chỉ ảnh hưởng đến đường đi của thủy sản mà còn đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực trong khu vực.
Ông ước tính các nước lưu vực sông Mekong sẽ mất 700.000-1,6 triệu tấn thủy sản/năm do ảnh hưởng của việc xây đập, trong khi người dân không thể ăn gia súc, gia cầm để thay thế lượng đạm từ cá, thủy sản vốn là nguồn thức ăn chính của người dân ở đây.
Trong khi đó, ông Mak Sithirith - giám đốc Liên minh hoạt động nghề cá Campuchia - lo lắng việc xây đập sẽ làm giảm vùng sinh sản và nơi sống của thủy sản, giảm vùng đánh bắt thủy sản. Vì vậy người dân sẽ tăng cường đánh bắt dẫn đến khai thác quá mức gây cạn kiệt nguồn tài nguyên này và ô nhiễm môi trường.
Có cần xây đập?
Bà Chuenchom (Thái Lan) nêu thực tế việc dự báo khả năng tiêu thụ điện tại Thái Lan luôn cao hơn so với thực tế. Lý do là để các công ty tư nhân, bán tư nhân và công ty nhà nước được đầu tư nhiều dự án thủy điện để kiếm lợi nhuận. Bà Chuenchom nói ở một số công ty có những “chân rết” là quan chức về hưu, thậm chí là quan chức cấp bộ “đứng đằng sau”.
Bà cho rằng muốn cải cách tình trạng xây đập hiện tại “thì phải thay đổi gốc rễ của vấn đề”. Muốn vậy phải triệt tiêu động cơ lợi nhuận cùng với việc dự báo phải đúng đắn hơn. “Nguồn tài nguyên thiên nhiên đáp ứng đủ cho nhu cầu nhưng không thể đáp ứng đủ cho lòng tham của con người” - bà Chuenchom nói.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia về đất và ngập nước - cảnh báo nếu 11 đập thủy điện ở Lào và Campuchia được xây dựng, việc điều phối dòng chảy, thủy văn của dòng sông này sẽ phụ thuộc vào 11 “ông chủ” thủy điện. Ông phân tích việc chặn dòng chảy sẽ làm giảm lượng phù sa nên người dân ở ĐBSCL của VN phải tăng chi phí cho phân bón và nhiều ngành công nghiệp “ăn theo” nông nghiệp như: chế biến thủy sản, nông sản cũng bị “vạ lây”. Ông Thiện tính toán tổng thiệt hại về thủy sản, nông sản có thể lớn hơn tổng lợi nhuận mà các nước thu được do việc xây đập thủy điện!
Về việc xây đập thủy điện ở thượng lưu sông Mekong của Trung Quốc, tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường đại học Cần Thơ) nêu thực tế qua chuyến khảo sát khu vực miền Bắc Campuchia với đại diện các nước khu vực sông Mekong khác, chính chuyên gia Trung Quốc cũng nhận ra rằng 50% vật dụng tiêu xài trong gia đình nông dân ở đây có xuất xứ từ Trung Quốc. “Trung Quốc xây đập để phát triển công nghiệp, nhưng sản xuất xong sản phẩm mà dân nghèo không tiêu thụ thì liệu họ có bán được không?” - TS Ni nói.
Vào mùa khô, nhánh sông Hậu qua địa bàn xã Đa Phước và thị trấn An Phú, huyện An Phú (An Giang) thường xuyên bị khô cạn. Việc đi lại, vận chuyển bằng đường thủy hết sức khó khăn - Ảnh: Đức Vịnh
Chứng minh và thuyết phục
Theo ông Nguyễn Hiếu Trung - trưởng khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên Trường đại học Cần Thơ, các tổ chức, các nhà khoa học phải nghiên cứu và đưa ra con số tuyệt đối nhằm chứng minh việc xây đập sẽ tạo bất ổn cho người dân về kinh tế - xã hội, môi trường sống để chính phủ các nước phải xem lại.
Còn theo ông Đào Trọng Tứ, sông Mekong thuộc địa phận quốc gia nào thì việc xây đập thủy điện là quyền lợi của họ nên cần phải tận dụng các cơ chế song phương, đa phương để tác động có hiệu quả. Ông Trần Văn Tư (Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN TP Cần Thơ) khẳng định việc hủy hoại sự sống của sông Mekong là do con người tạo ra nên phải tìm giải pháp từ con người. Ông cho rằng không thể đối đầu với chính quyền các nước mà phải tranh thủ, thuyết phục để họ có quyết định thống nhất với chúng ta.
Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng bảo vệ môi trường và nguồn sống trên sông Mekong là đòi hỏi sống còn của cộng đồng dân cư các quốc gia trong khu vực. “Nếu một quốc gia tìm cách lấy nước thỏa mãn cho nhu cầu của đất nước mình thì sẽ ảnh hưởng đến quốc gia khác. Chính vì vậy, về lâu dài sự phát triển của khu vực sẽ bị trì trệ” - ông Sơn cảnh báo.
CHÍ QUỐC

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty