TT - Cán bộ công chức tỉnh Đắc Nông phần lớn nhà ở Đắc
Lắc. Thứ sáu, từ Đắc Nông về Đắc Lắc có thể đi nhờ xe của cán bộ lãnh
đạo, nhưng chủ nhật từ Đắc Lắc về Đắc Nông thì xe buýt nào cũng chật
cứng cán bộ công nhân viên để sáng thứ hai đi làm.
Khi cung không đủ cầu dễ phát sinh tiêu cực và xe buýt cũng không ngoại lệ.
Ngày 10-1-2010, khi xe buýt tuyến Đắc Nông - Đắc Lắc
đến, khách chưa kịp bước xuống xe thì ở phía dưới đã ào lên chen nhau
tìm chỗ ngồi. Tiếng la hét do bị giẫm đạp lên chân, tiếng kêu la bị móc
túi, tiếng trẻ con khóc và tiếng những người phụ nữ mang thai kêu cứu
vì bị chen lấn tạo nên những âm thanh hỗn độn kinh người.
Tôi bế con nhỏ, chưa kịp bước lên xe đã bị một nhóm
người toàn đàn ông, thanh niên lực lưỡng lấn dạt ra ngoài chúi đầu suýt
ngã cả mẹ lẫn con. Con trẻ khóc ré lên, tôi quá hãi, chờ mọi người hết
chen lấn mới dám bước lên xe.
Trên xe không còn một chỗ trống. Đàn ông ngồi trên
ghế, nhiều phụ nữ có thai, có con nhỏ đi tới đi lui thương lượng tìm
chỗ ngồi. Tôi tiến về phía người đàn ông ngồi cuối xe đề nghị: “Anh làm
ơn nhường chỗ cho tôi với em bé được không?” - “5.000 đồng”- “Dạ, là
sao ạ?” - “Cô ở trên trời rơi xuống hả. Cô đưa đây 5.000 đồng tôi
nhường lại chỗ ngồi cho”.
Chị phụ nữ ngồi bên cạnh tôi chen vào: “Thôi đưa 5.000
cho ổng đi, phía đằng trước 10.000 đấy. Chần chừ tí nữa không có chỗ
ngồi đâu”.
Tôi đưa 5.000 đồng, người đàn ông lập tức rời chỗ ngồi
nhảy xuống xe. Tôi nhìn lên phía trên, những gã đàn ông bặm trợn đã
chiếm ghế trên xe đều biến đi đâu mất, thay vào đó toàn những gương mặt
người quen.
Người phụ nữ ngồi cạnh tôi cho biết ngày thường xe
buýt trống trơn, ngồi chỗ nào cũng được. Nhưng chủ nhật và ngày lễ phải
“mua” chỗ ngồi.
Muốn có chỗ ngồi mà không phải chen lấn, không cần
phải đợi, xe gần chạy rồi ra vẫn có chỗ ngồi ngon lành thì lấy số điện
thoại của mấy người chạy xe ôm gần đấy nhờ họ giành chỗ rồi chỉ việc
trả họ 5.000-10.000 đồng là xong. Ngày lễ đông người hơn thì trả
10.000-20.000 đồng/chỗ ngồi.
Tài xế xe buýt biết việc bán chỗ ngồi này nhưng không
dám tỏ thái độ vì sợ bị trả thù. Còn hành khách đi xe thì phần lớn tặc
lưỡi cho qua chuyện: “Nhiều nhặn gì đâu có chục ngàn bạc, coi như trả
công họ mà” hoặc: “5.000 đồng mà không phải mất công tranh giành chen
lấn, mệt người”.
Nhưng ai là người tiếp tay cho cảnh tranh giành chen
lấn ở đây? Câu trả lời lại chính là hành khách. Nếu hành khách không bỏ
tiền ra “mua” chỗ ngồi thì những gã đàn ông thanh niên nói trên cũng
không chen lấn giành chỗ để làm gì.
Và điều đáng nói nữa là nạn mua bán chỗ ngồi trên xe
buýt làm cho dòng chữ “Nhường chỗ cho người tàn tật, phụ nữ có thai,
người già” trên xe buýt trở nên vô nghĩa.
LÊ THỦY (Đắc Nông)
No comments:
Post a Comment