Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010-05-28
Với tựa đề "Chuyện thấm nước dần lớn" tờ Lao Động cho hay, qua hai đợt kiểm tra các vết thấm ở đốt hầm Thủ Thiêm, cách nhau 12 ngày, số điểm bị thấm nước từ vài chỗ đã lên 130 vị trí.
Điều đó gây nhiều quan ngại cho các chuyên gia và giới chức quan tâm đến dự án này. Việc các đốt hầm Thủ Thiêm bị thấm nước đã được phát hiện và cảnh báo từ mấy năm trước, nhưng vẫn kéo dài mãi đến nay. Mời quý vị theo dõi Đỗ Hiếu tóm lược chi tiết cùng với lời nhận xét của các chuyên gia ngành xây dựng trong và ngoài nước.
Kiểm tra sơ sài
Qua thông báo của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước và báo cáo của công ty tư vấn Phương Đông thì tổng cộng số vị trí bị thấm nước tại hai đốt hầm Thủ Thiêm hiện đã tăng lên 130 vị trí.
Khi đốt hầm được đút rồi, người ta mới tạo áp lực lên sức chịu của đốt hầm, do phẩm chất kém của bê tông, nên vết nứt xuất hiện và không thể nào làm kín lại được.
KS Nguyễn Minh Quang
Về lý do khiến số vị trí bị thấm nước tăng vọt đáng ngại, theo giải thích của giới chuyên môn thì có thể là do Hội đồng Nghiệm thu nhà nước kiểm tra sơ sài, nên chỉ phát hiện vài điểm có vết nứt và bị ướt, điều đó thuộc về trách nhiệm của các viên chức thuộc phần hành nghiệm thu.
Nếu tốc độ bị thấm và ẩm quá nhanh của hai đốt hầm Thủ Thiêm nằm dưới lòng sông Sài Gòn thì yếu tố đó thuộc về vấn đề kỹ thuật, chất lượng thi công của nhà thầu, đang tiến hành công trình này. Ngay khi đút các đốt hầm, đã xảy ra nhiều vết nứt được báo chí phơi bày và dư luận bàn tán. Vịêc khắc phục khuyết điểm đó từ phía nhà thầu được các chuyên gia cho là không ổn , nay với số vị trí bị thấm nước lên tới 130 điểm thì những người có trách nhiệm phải đặc biệt quan tâm và lo ngại.
Qua câu chuyện với Ban Việt Ngữ, kỹ sư Nguyễn Minh Quang, xuất thân từ Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ tại Sài Gòn vào đầu thập niên 70, nay là kỹ sư công chánh bang California, Hoa Kỳ phân tích về nguyên do khiến các đốt hầm bị thấm nước:
" Hai năm trước, chuyện hầm nứt đã xảy ra và được báo chí nói tới rồi, theo tôi thì nó có hai lý do, một là liên quan tới phẩm chất của bê tông, loại xi măng được dùng không đủ tiêu chuẩn, thứ hai là khi đổ bê tông , đốt hầm cao tới 9 mét, khuôn rất hẹp mặc dù bề dầy là một mét, khi đổ từ trên cao như vậy, bê tông bị vữa ra, nước ra nước, xi măng ra xi măng, cát sạn ra cát sạn, vật liệu không kết cấu một cách hài hoà, nên mới tạo ra những vết nứt đó. Khi đốt hầm được đút rồi, người ta mới tạo áp lực lên sức chịu của đốt hầm, do phẩm chất kém của bê tông, nên vết nứt xuất hiện và không thể nào làm kín lại được."
Trả lời câu hỏi, liệu có cách nào khắc phục những vết nứt khiến các đốt hầm bị thấm ướt, kỹ sư Nguyễn Minh Quang giải thích:
"Chắc có lẽ không có cách nào giải quyết được chuyện này, một cách tương đối hoàn hảo. Bê tông có phẩm chất xấu nên dễ gây ra thấm nước, và khi nước đã thấm vào rồi thì lúc đi vào sử dụng, xe cộ chạy trong hầm, lượng xe cộ nhiều làm cho hầm rúng động, nước thấm vô càng nhiều, theo tôi thì không có cách nào giải quyết trừ trường hợp không sử dụng hầm này. Khi nước thấm vào, mặt đường luôn trơn trợt, gây rất nhiều nguy hiểm cho xe qua lại."
Nguy hại lâu dài?
Thạc sĩ Hồ Long Phi, chuyên gia về nước, phó Trưởng Ban Điều Phối chống ngập úng, thành phố Hồ Chí Minh cũng trình bày những suy nghĩ của ông về chuyện hầm Thủ Thiêm bị thấm nước:
"Khi ban đầu xây dựng công trình mà có những dấu hiệu như vậy thì đó là dấu hiệu đáng quan tâm, nhưng với khả năng kỹ thuật và biểu hiện tôi ghi nhận được, thì tôi cho đây không phải là chuyện quá lớn, vượt quá tầm giải quyết, có điều là cần có sự bền vững và tin cậy, vì đó là công trình nằm sâu dưới nước và chịu áp lực, với điều kiện hoạt động tương đối khắc nghiệt."
Về cách thức giải quyết tình trạng thấm nước từ các đốt hầm Thủ Thiêm, thạc sĩ Hồ Long Phi góp ý:
"Vấn đề kỹ thuật này không liên quan đến kết cấu của công trình, mà liên quan đến vấn đề mỹ quan, vận hành, trước khi đi vào hoạt động thì nhà thầu phải giải quyết triệt để, với sự đồng ý của ban quản lý dự án, thì mới có thể nghiệm thu được một công trình như vậy.
Tôi cho rằng vấn đề khi đưa vào sử dụng, thì không được phép để những sơ sót đó tồn tại, trở thành nguy hại về lâu dài. Đây là trách nhiệm của ban quản lý dự án, là phải làm việc với nhà thầu, bắt họ phải khắc phục những khuyết điểm đó, bằng những công nghệ thích hợp nhất, bảo đảm tính chất bền vững, trước khi cho phép nghiệm thu công trình này."
Fact box | |
|
Mặt khác, trong báo cáo do một nhóm chuyên gia đúc kết năm rồi thì chất lượng bê tông xây nắp hầm không đạt yêu cầu ngay thời điểm hiện nay, nên không thể đáp ứng với độ bền và tuổi thọ yêu cầu với thời gian 100 năm, theo hợp đồng xây dựng.
Các chuyên gia cũng dự tính là trong một thời gian ngắn tình trạng thấm nước nơi hai đốt hầm Thủ Thiêm nằm dưới lòng sông sẽ chuyển sang tình trạng dột, sau khi công trình này được chuyển giao cho nhà nước Việt Nam để đưa vào sử dụng thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.
Theo giải thích từ các cơ quan chức năng thì trách nhiệm chống thấm nước qua các đốt hầm Thủ Thiêm là thuộc về nhà thầu, vì thế chủ đầu tư cần phải có biện pháp chế tài buộc nhà thầu tôn trọng cam kết về chất lượng, không để phí phạm ngân sách quốc gia và thâm lạm tiền đóng thuế của người dân đổ dồn vào công trình quy mô này.
No comments:
Post a Comment