SGTT - Thu nhập công nhân bao gồm tiền lương cơ bản và các khoản phụ cấp. Lương cơ bản chỉ cao hơn lương tối thiểu không đáng kể, còn các khoản phụ cấp thì chỉ cần vi phạm lỗi nhỏ là bị trừ. Chủ sử dụng có rất nhiều cách để bớt xén thu nhập của công nhân. Nhiều cuộc đình công xảy ra do nguyên nhân này.
Nhiều doanh nghiệp đẻ các khoản phụ cấp nhưng người lao động khó hưởng được vì quy định khắt khe. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Phan Quang |
Nguyễn Thị Thắm là công nhân tổ ASSY của công ty Katolec 100% vốn Nhật Bản chuyên sản xuất vi mạch điện tử tại khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội được hai năm. Thắm cho biết, tới nay thu nhập của mình chỉ cao hơn công nhân mới vào làm việc 50.000 đồng/tháng. Tổng thu nhập của Thắm hiện là 1,5 triệu đồng/tháng bao gồm tiền lương, tiền phụ cấp tăng ca, tiền trợ cấp đi lại và tiền chuyên cần nếu không vi phạm bất kỳ lỗi nào.
Phải "chịu đấm ăn xôi"
Nguyễn Thị Mai cũng làm việc cho công ty Katolec được ba năm nhưng thu nhập không cao hơn bao nhiêu so với Thắm. Mai kể, có rất nhiều khoản phụ cấp được công ty đưa ra nhưng thực tế rất khó được hưởng. Ví dụ khoản tiền chuyên cần 150.000 đồng/tháng người lao động chỉ được nhận khi không nghỉ bất cứ ngày nào trong tháng và chấp nhận tăng ca không điều kiện. Kể cả khi bị bệnh hoặc nghỉ phép đúng theo luật Lao động thì họ cũng bị trừ phắt khoản tiền này.
Những lao động như Mai, Thắm đã tham gia vào cuộc đình công hôm 6.5 vừa qua với yêu cầu không được trừ tiền chuyên cần khi họ bị bệnh hoặc nghỉ phép. Đây là cách bất đắc dĩ người lao động phản ứng lại chủ sử dụng.
Mới đây nhất tại TP.HCM hôm 21.5, gần 1.000 công nhân của công ty TNHH quốc tế Smart Elegant 100% vốn Hong Kong tại quận 12 đã đình công với lý do công ty trừ lương tháng 4 của công nhân để mua máy mới, công nhân làm vượt chỉ tiêu thì công ty hạ đơn giá sản phẩm, công nhân bị bệnh phải nghỉ thì hạ bậc lương… Hay trước đó, 1.000 công nhân của công ty TNHH Carimax tại huyện Củ Chi đã đình công yêu cầu chủ đưa các khoản phụ cấp vào lương cơ bản. Bởi những lao động này quá hiểu, nếu là phụ cấp thì họ rất khó được hưởng và chủ sử dụng sẵn sàng trừ vì bất cứ lý do gì.
Nhiều doanh nghiệp hiện đang khó tuyển dụng lao động đang trưng ra các bảng tuyển dụng kiểu "kèm khuyến mãi" như các loại phụ cấp: xăng xe, chuyên cần… nhưng công nhân cũng không thực sự mặn mà.
Thủ thuật thang lương
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách xây dựng hệ thống thang, bảng lương nhiều bậc, mỗi bậc chỉ cách nhau vài chục ngàn đồng, nếu người lao động được tăng bậc thì thu nhập cũng tăng không đáng kể. "Tôi biết mỗi lần chính phủ tăng lương tối thiểu, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách hạ bậc lương hoặc hệ số lương của người lao động xuống", ông Nguyễn Tấn Định, phó trưởng ban Quản lý các khu chế xuất khu công nghiệp TP.HCM cho biết.
Ông Lê Xuân Thành, phó vụ trưởng vụ Lao động – tiền lương thuộc bộ Lao động – thương binh và xã hội cũng thừa nhận, chủ sử dụng đang tìm nhiều cách để trừ thu nhập của công nhân mà cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp. "Nhiều doanh nghiệp đã "đẩy" một phần thu nhập ra thành phụ cấp mà vẫn không sai luật. Thực tế giải quyết nhiều cuộc đình công tôi cũng thấy doanh nghiệp trừ thu nhập của công nhân rất tuỳ tiện", ông Thành nói.
Theo ông Thành, đây là hệ quả của chính sách tiền lương "thả lỏng" quá nhanh. Hiện tại, nhà nước vẫn quy định hệ thống thang bảng lương với các doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó việc này đã hoàn toàn buông với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. "Chúng ta áp dụng theo các quy định quốc tế quá vội vã khi chưa xây dựng được cơ chế đối thoại ba bên tốt để người lao động có thể thương lượng và tự bảo vệ mình", ông Thành chia sẻ.
Tây Giang
No comments:
Post a Comment