Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Tuyên Hóa - đang chỉ vị trí 2 tiểu khu vùng lõi của rừng phòng hộ đầu nguồn Tuyên Hóa bị rút ra để khai thác vàng - Ảnh: T.Q.Nam |
Quá khó hiểu
Để tiến hành dự án Khai thác vàng Khe Nang (xã Kim Hóa, H.Tuyên Hóa), Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Quảng Bình và Tổng công ty phát triển kinh tế Đại Thông (Quảng Tây, Trung Quốc) cùng hợp tác thành lập Công ty TNHH khoáng sản Quảng Thông và được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận đầu tư khai thác, chế biến vàng trong thời gian đến năm 2027. Ngày 23.7.2008, UBND tỉnh Quảng Bình xác nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Theo đó, dự án có tổng diện tích 100 ha, trong đó diện tích khai thác hơn 575.000m2 chia làm 3 khu. Cách khai thác là bóc lớp đất đá che phủ để khai thác quặng, chuyên chở quặng đến nơi tập kết, sau đó nghiền, tuyển vàng bằng hóa chất cyanua.
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác vàng, ở phần vị trí dự án có ghi: "Dự án có tổng diện tích là 100 ha thuộc rừng phòng hộ nay đã chuyển sang rừng sản xuất". Thế nhưng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa Nguyễn Hoài Nam khẳng định: "Chưa hề có một quyết định nào chuyển đổi 2 tiểu khu 26 và 30 từ rừng phòng hộ đầu nguồn sang rừng sản xuất". Đây là một sự bất thường cần được làm rõ. |
Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này, có thể thấy các biện pháp giảm tác động xấu, phòng ngừa sự cố môi trường được trình bày khá sơ sài. Đây là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất. Ngoài các tác động đến môi trường do bụi, khí thải, tiếng ồn, nước thải xây dựng, nước thải sinh hoạt... thì điều nguy hại nhất đó là chất cyanua natri dùng để tuyển vàng. Đây là hợp chất cực độc, trong khi vị trí mỏ vàng chính là đầu nguồn của sông Gianh - nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho hàng trăm ngàn người thuộc địa bàn hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch. Phó chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết: "Tháng 11.2009, khi Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Bình tổ chức họp lấy ý kiến đánh giá về tác động môi trường, tôi đã nêu sự lo ngại về nhiều vấn đề như nước sinh hoạt và môi trường bị ảnh hưởng trên sông Gianh. Đặc điểm đất rừng Tuyên Hóa là mềm xốp, lại nằm trong vùng thường xuyên xảy ra bão lũ, vậy nếu lũ quét toàn bộ công trình xử lý chất thải của mỏ vàng thì dĩ nhiên một lượng chất độc cực lớn tràn ra môi trường. Chủ đầu tư chưa có giải pháp nào cho tình huống này. Làm đường cũng hủy hoại môi trường, nguồn thu cho ngân sách sẽ không lớn so với tác hại môi trường".
Trước đây, khi đường xuyên Á được mở ngang qua địa bàn huyện Tuyên Hóa, một diện tích lớn rừng phòng hộ ở đó bị chặt trụi do lâm tặc thừa cơ tràn vào đốn hạ. Tình hình phá rừng phức tạp diễn ra trong một thời gian dài. Giờ đây, khi mở đường vào trung tâm rừng phòng hộ, khả năng tình trạng này tái diễn là rất lớn. "Công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều, lượng gỗ còn lại sẽ bị lợi dụng chặt phá", Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa Nguyễn Hoài Nam lo lắng.
Tiền hậu bất nhất
Điều khó hiểu nhất là sự bất nhất, chồng chéo nhau của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình trong việc phê duyệt dự án này.
Cụ thể, ngày 31.12.2008, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài (giờ là Chủ tịch UBND tỉnh) ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư rừng phòng hộ Tuyên Hóa (theo chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng đến năm 2010). Mục tiêu dự án là quản lý bảo vệ rừng, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tài nguyên rừng trên địa bàn bằng các hoạt động: trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng nhằm điều hòa khí hậu...
Phạm vi ranh giới của dự án bao gồm toàn bộ diện tích rừng và đất rừng Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tuyên Hóa với tổng diện tích đất lâm nghiệp là 29.656 ha. Ngày 9.12.2009, cũng ông Nguyễn Hữu Hoài lại ký Quyết định số 3540/QĐ-UBND về việc giao đất rừng phòng hộ cho BQL rừng phòng hộ Tuyên Hóa để sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trong quyết định này, diện tích đất rừng phòng hộ được giao tụt xuống chỉ còn 26.703 ha. Lạ lùng hơn, trong danh sách các tiểu khu tại xã Kim Hóa lại không có 2 tiểu khu 26 và 30. BQL rừng phòng hộ Tuyên Hóa giải thích: "Đây là 2 tiểu khu vùng lõi của rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh, việc diện tích đất rừng phòng hộ bị giảm là do đã rút 2 tiểu khu này". Rõ ràng 2 tiểu khu vùng lõi của rừng phòng hộ đã được tỉnh rút ra để tổ chức khai thác vàng ở đây.
Trước đó mấy ngày, ông Nguyễn Hữu Hoài đã ký Quyết định số 3314/QĐ-UBND ngày 18.11.2009 phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập dự án đầu tư Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Nét với gần 250 triệu đồng.
Ông Nguyễn Viết Nhung - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh - cho biết: "Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Nét gần như bao trọn rừng phòng hộ Tuyên Hóa, với đặc điểm rừng thường xanh núi thấp, tính đa dạng sinh học cao cần ưu tiên, có nhiều loại động vật quý hiếm cần được bảo vệ như voọc Hà Tĩnh, voọc chà vá chân nâu, vượn má hung, gà lôi, trĩ sao.
Khi được giao quyết định thực hiện, chúng tôi đã thuê Trung tâm Tài nguyên môi trường (Viện Điều tra quy hoạch) tiến hành khảo sát, lập quy hoạch cần thiết. Và dự tính quý 2 năm nay sẽ lập báo cáo dự án đầu tư, luận chứng khoa học để thành lập khu bảo tồn. Từ năm 2003, Khe Nét cũng nằm trong danh sách các khu bảo tồn thiên nhiên VN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên VN đến năm 2010.
Không nên khai thác vàng vì tác động lớn đến hệ động thực vật, ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt của dân, vùng này có nhiều mưa dễ gây xói lở. Vị trí khai thác nằm cách đường xuyên Á rất xa, khi mở đường vào sẽ gây mất rừng, xói lở, cạn kiệt tài nguyên".
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa và các ban ngành liên quan đều cho rằng hoặc chỉ có thể khai thác vàng hoặc chỉ xây dựng khu bảo tồn, không thể làm 2 cái cùng lúc và cùng một địa bàn. Và ai cũng chọn hướng làm khu bảo tồn. Nếu dự án khai thác vàng tiếp tục được triển khai thì công sức và tiền của khảo sát làm khu bảo tồn coi như đổ biển, và nó còn đi ngược lại phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên VN của Thủ tướng Chính phủ.
Trương Quang Nam
No comments:
Post a Comment