- Bỏ ra 3.000 USD sang Nga làm việc qua Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài (Tổng Công ty Thép Việt Nam), song 36 lao động đều tay trắng về nước, không nhận được đồng lương nào sau 5 tháng làm việc mệt nhọc. Hơn hai tháng gõ cửa công ty đòi thanh lý hợp đồng bất thành, NLĐ đành phải “ăn dầm, ở dề” tại công ty đến khi nào giải quyết mới thôi.
“Công ty phải giải quyết cho chúng tôi”
Khoảng 60 người, gồm 36 lao động về trước hạn từ Nga cùng người nhà bắt đầu tụ tập tại công ty từ sáng 24/8. Đêm 24/8, các lao động này cùng hơn 20 người nhà đi cùng đã chịu cảnh màn trời, chiếu đất ngay ngoài sân của trung tâm. Đến gần sáng hôm sau, khi cơ quan công an đến tìm hiểu vụ việc, trung tâm mới đồng ý để NLĐ vào trung tâm để trú tạm, tránh gây mất trật tự công cộng.
Về nước sau hai tháng, nhưng 36 lao động Nga vẫn chưa được Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài đưa ra phương án bồi thường. |
Trưa 25/8, tại trụ sở công ty, hàng chục người lao động kẻ đứng, người ngồi khiến cảnh tượng trở nên nhốn nháo. Tất cả đã chuẩn bị sẵn tâm lý “đấu tranh” lâu dài nên ai cũng mang đồ đạc đầy đủ gồm quần áo, vật dụng cá nhân lỉnh kỉnh trong các ba lô, túi xách. Sáng, trưa, chiều, tối, người lao động lại chia nhau đi ăn và “phục” lãnh đạo công ty đến để hô hào đòi quyền lợi.
Nguyễn Hùng Vĩ, đại diện 36 lao động cho biết, cả nhóm về nước từ 19/6 và đã nhiều lần đề nghị công ty giải quyết dứt điểm hợp đồng. Song năm lần, bảy lượt, yêu cầu của người lao động đều rơi vào im lặng.
“Không còn cách nào khác, chúng tôi phải dùng tới biện pháp này! Chúng tôi sẽ tập trung tại công ty cho đến khi nào công ty chịu giải quyết mới giải tán!”, anh Vĩ khẳng định.
Để được sang Nga làm việc, số lao động trên phải chi số tiền là 3.000 USD. Trong đó, có tới 34 lao động là người Bắc Ninh, còn 2 lao động trú tại Hà Nội. Các lao động cho biết, để đi được họ đã phải vay lãi ngân hàng. Nay tay trắng về nước nên họ cũng chưa biết làm gì để lấy tiền trả nợ.
Các lao động yêu cầu trung tâm phải trả tiền lương 5 tháng làm việc là gần 2.000 USD/người và các chi phí khác khoảng 1.000 USD/người.
Làm “sếp” không được trả lương
Hợp đồng người lao động ký với trung tâm sang Nga làm việc cho chủ sử dụng lao động là Công ty APC từ tháng 9/2008. Song khi sang Nga, người lao động lại không làm việc cho Công ty APC như hợp đồng mà được “chuyền tay” qua hết công ty này sang công ty khác như: Kamaz, Akvaxintez, Kaleri, Prophmarket… Mặt khác, thông tin trên thẻ lao động lại chỉ có vị trí “hoành tráng” như giám đốc, trưởng phòng, tư vấn kinh doanh, nhân viên kinh doanh… chứ không phải thợ xây như hợp đồng lao động.
“Cũng chính vì điều này mà người lao động đã bị cơ quan chức năng Nga truy đuổi 3- 4 lần vì làm việc không đúng chức năng và không đúng địa điểm như thẻ lao động cấp!”, anh Vĩ bức xúc.
Cũng theo hợp đồng, người lao động được nhận lương từ 450- 550 USD. Song trong thực tế, ngoài 300 USD được ứng thì tất cả đều không nhận được một đồng lương nào. Theo anh Vĩ, công ty tìm mọi cách bắt lỗi người lao động và trừ lương nên tiền công hơn 5 tháng làm việc tại Nga của anh chỉ còn 67 USD/tháng, dù anh là tổ trưởng tổ xây dựng.
Từ 19/6, tất cả 36 lao động đã về nước trước hạn. Khi PV có mặt thì công ty cũng không có ai đại diện, chỉ còn một số nhân viên hành chính làm việc. người lao động cũng cho biết đã có đơn kiến nghị lên Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) song cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời cũng như một hướng giải quyết cụ thể nào.
- Gia Văn
No comments:
Post a Comment