Sau 17h00 ngày 22.8, nhiều người dân đi qua "con đường đau khổ" Nguyễn Hữu Cảnh ngạc nhiên khi thấy mặt đường tràn ngập nước màu bùn dù mưa rào đã dứt từ trước đó hơn hai giờ đồng hồ. Quan sát kỹ mới thấy dòng nước đục ngầu đó đang ào ào tràn lên từ những miệng hố ga hai bên đường. Chỉ sau khoảng nửa giờ đồng hồ, những đoạn trũng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đã bị ngập khoảng 0,3m, chỗ sâu lên đến 0,5m.
Nước cũng tràn vào các khu dân cư ven sông Sài Gòn và các con kênh lân cận. Bên bán đảo Thanh Đa, dãy nhà tạm chòi ra mặt sông ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao cũng bị nước "liếm" qua sàn. Một số tuyến đường ở quận 6 như Nguyễn Văn Luông, Phạm Văn Chí dù đã được lắp van ngăn triều nhưng nước vẫn dâng ngập.
Thông tin từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước cho biết: Những van ngăn triều chưa phát huy hiệu quả vì triều dâng cao bất ngờ nên chưa kịp đậy lại nắp van được mở lên trong những trận mưa lớn vừa qua.
Theo thông báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều trong đợt này đến vào chiều tối ngày 23.8 với mức 1,36m tại trạm Phú An và 1,35m tại trạm Nhà Bè. Đỉnh triều này tương đối cao và gây ngập nhiều tuyến đường thấp của thành phố, nhưng vẫn còn kém hơn 0,2m so với đỉnh triều lịch sử đầu năm 2009.
Tuy nhiên, đây là thời điểm khá "nhạy cảm" vì khu vực Nam bộ vẫn đang trong mùa mưa. Khả năng mưa lớn kết hợp với triều cường gây ngập trên diện rộng với thời gian kéo dài hoàn toàn có thể xảy ra.
|
Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập trong nước đục ngầu. |
Trước tình hình triều cường dâng cao bất thường, ngày 22.8, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố đã có công văn khẩn gửi các địa phương thực hiện nghiêm túc phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường. Nhất là ở những khu vực đặc biệt như phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc (quận 12); phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức); phường 28 (quận Bình Thạnh)... có nhiều tuyến bờ bao xung yếu, thường xảy ra tình trạng sạt lở, vỡ bờ bao trong các đợt triều cường lớn trước đây.
Đồng thời, các UBND quận, huyện cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình bờ bao phòng chống triều cường đã được UBND thành phố chấp thuận đầu tư trong năm 2008 và 2009.
Được biết, năm 2009, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư 128 công trình phòng, chống sạt lở bờ bao, tiêu thoát nước với tổng số vốn hơn 282 tỉ đồng.
No comments:
Post a Comment