- Cả nước hiện có 320 giảng viên ĐH chức danh giáo sư (GS), chiếm 0,52% trong gần 62.000 giảng viên cơ hữu ở 376 đại học, học viện, trường ĐH, CĐ. So với năm học trước, số GS đã tăng 6 người, trong khi lượng sinh viên tăng gần 120.000 em.
Thống kê này được tính đến ngày 10/8 và Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra trước hội nghị tổng kết năm học 2008 - 2009 khối ĐH, CĐ tổ chức tại Hà Nội vào ngày mai (25/8).
Tìm cách gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo tiến sĩ tạo hội thảo tổ chức ở ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Đức Phường (vnu.edu.vn) |
Theo thống kê, số giảng viên có chức danh PGS là 1.966, đạt tỷ lệ 3,21%, tăng 121 người so với năm học 2007 - 2008.
Qua một năm học, số giảng viên cả nước đã tăng hơn 9% với 5.070 người. Trong số đó, tăng nhiều nhất là lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ.
Cụ thể, số giảng viên có trình độ tiến sĩ là 6.217, đạt tỷ lệ 10,16% (tăng 335). Số giảng viên có trình độ thạc sĩ là 22.831, đạt tỷ lệ 37,31% ( tăng 2.556).
Lượng giảng viên này đảm nhiệm công tác giảng dạy cho hơn 1,7 triệu sinh viên.
Từ năm 2000 - 2007, Việt Nam đã công nhận 3.252 GS và PGS, trong đó có 450 GS và 2.802 PGS.
Năm 2008 việc công nhận bị gián đoạn. Dự kiến công việc này sẽ tiếp tục vào tháng 11/2009.
Theo số liệu mới nhất của Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN), hàng năm, Việt Nam công nhận 41 GS và 255 PGS.
Con số này ít hơn số nghỉ hưu - trung bình mỗi năm là 866 người (gồm 50 GS, 716 PGS).
Trong số cán bộ khoa học đang làm việc ở các trường ĐH, CĐ, có tới 75% đã quá tuổi 50.
‘Điều này đáng báo động về thực trạng thiếu cán bộ khoa học kế cận”, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường (Bộ GD-ĐT) Tạ Đức Thịnh nhìn nhận.
“Còn khiêm tốn”, Giám đốc ĐH Đà Nẵng Bùi Văn Ga cho biết về đội ngũ cán bộ đầu ngành có kinh nghiệm ở đại học này, dù ĐH đã "nỗ lực xây dưng đội ngũ trong gần 35 năm qua".
Việc thiếu cán bộ đầu đàn, không đủ cán bộ có kinh nghiệm giảng dạy và có trình độ cao ở từng lĩnh vực chuyên môn chính dẫn tới hậu quả không đủ người có năng lực biên soạn giáo trình.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực đầu đàn cũng góp phần khiến nhiều chương trình ở các trường không được xây dựng theo cấu trúc và các khối kiến thức quy định; để lẫn lộn các học phần giữa các khối kiến thức; khối lượng kiến thức không đủ yêu cầu tối thiểu đối với trình độ đào tạo hoặc kiến thức cốt lõi tối thiểu của ngành đào tạo; có tên ngành đào tạo không phù hợp với nội dung chương trình. Nhiều học phần có tên gọi quá cũ thể hiện nội dung cũ, không được cập nhật.
Một "hậu quả" khác là sự thiếu hụt đội ngũ giảng viên đào tạo trình độ tiến sĩ và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Thậm chí, có những chuyên ngành chỉ có một hoặc hai người có đủ trình độ tham gia giảng dạy và tham gia hội đồng chấm luận án.
"Trẻ hóa đội ngũ"
Ngày 17/7/2009, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) đã ban hành qui định và tiêu chuẩn mới cho chức danh GS, PGS.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia), quy định mới có phần hợp lí hơn so với các quy định trước, nhưng vẫn còn rất khác và phức tạp hơn so với các chuẩn mực ở nước ngoài.
Tại phiên họp thứ nhất của HĐCDGSNN khóa 2009 - 2014, nhiều ý kiến cho rằng với các mức ’chấm điểm" tỷ mỉ dành cho ứng viên GS, PGS sẽ hạn chế các trường hợp ứng viên trẻ; đặc biệt là những người có năng lực khoa học tốt đã được thể hiện qua các bài báo đăng ở tạp chí uy tín nước ngoài nhưng chưa đủ thời gian để hướng dẫn NCS, nhất là "đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ" hoặc tiêu chuẩn "chủ nhiệm đề tài", "chủ trì đề tài"...
GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, thay đổi theo hướng chính xác, đơn giản hoá sẽ giúp cho việc "trẻ hóa" đội ngũ PGS, GS ít gặp trở ngại.
-
Hạ Anh
No comments:
Post a Comment