- Người dân xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) gọi cầu Bến Đá là “cầu chờ” vì qua ba đời chủ tịch xã chỉ mới xây được hai trụ cầu.
Suốt 6 năm vẫn trong tình trạng chờ
Cầu Bến Đá nằm trên trục đường giao thông nông thôn nối liền hai huyện Hóc Môn và Q.2. Theo hồ sơ thiết kế, cầu dài 33,8m rộng 10,5m; tải trọng 30 tấn thuộc dạng bê tông vĩnh cửu. Cầu được khởi công xây dựng từ năm 2003 nhưng đến nay đã 6 năm trôi qua, cây cầu vẫn còn là niềm mong đợi của người dân...
Cầu Bến Đá cũ hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Lê Du An |
Men theo con đường đất đỏ từ phường Thạnh Xuân (Q.12) băng ngang khu dân cư là đến cầu Bến Đá. Từ xa, hai trụ cầu sừng sững đang phơi mưa nắng đập vào mắt. Từ cầu Bến Đá cũ nhỏ hẹp và yếu ớt phóng tầm mắt sang cầu mới, hai trụ cầu đã phủ lớp rêu phong. Những cây sắt đang trong giai đoạn hoen gỉ.
Một người dân ở đây cho biết việc xây dựng cầu mới xuất phát từ yêu cầu thực tế của người dân. Cầu cũ có từ hàng chục năm qua vừa nhỏ vừa yếu và đang trong tình trạng xuống cấp. Việc đi lại của người dân từ xã Đông Thạnh (không cần băng qua xã Nhị Bình vẫn ra đường Hà Huy Giáp) để về quận Gò Vấp trở nên rất cần thiết bởi chiều dài con đường rút ngắn được khá nhiều.
Sắt đã hoen gỉ. Ảnh: Lê Du An |
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thạnh cho biết sự hiện diện của cầu Bến Đá mới sẽ kéo theo con đường được nâng cấp mở rộng đồng nghĩa với sự phát triển của cả khu vực cánh đồng Bưng ấp 4 với diện tích gần 400ha vốn đã “ngủ quên” từ lâu.
Dự án cầu và đường này nếu hoàn thành sẽ đưa du khách đến thăm khu di tích lịch sử Vườn Cau Đỏ - nơi từng là căn cứ của huyện ủy Hóc Môn - Gò Vấp sát nách Sài Gòn trong những năm chiến tranh ác liệt.
Ông Hùng cho biết thêm dự án này sẽ góp phần cải thiện không nhỏ trong việc nâng cao đời sống khu vực dân cư thuần nông, sẽ thay đổi diện mạo nông thôn. Vậy mà, khởi công từ năm 2003, cầu Bến Đá đến nay vẫn còn trong tình trạng chờ… xây.
Ba đời chủ tịch xã, không vận động được dân
Dự án cầu Bến Đá được áp dụng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, nghĩa là Nhà nước đầu tư toàn bộ và người dân hiến đất không phải bồi thường. Thế nhưng, sau khi khởi công xây dựng thực hiện được hai trụ cầu thì người dân đổi ý không hiến đất mà yêu cầu nếu thu hồi đất phải được đền bù. Do không có mặt bằng để xây dựng đường dẫn lên cầu, việc lao dầm cho cây cầu phải dừng lại chờ Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn giải quyết.
Cầu Bến Đá mới xây dựng dở dang. Ảnh: Lê Du An |
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Hóc Môn, đơn vị chủ đầu tư cầu Bến Đá thừa nhận tiến độ cầu chậm trễ. “Theo dự tính ban đầu thì xã Đông Thạnh có trách nhiệm vận động người dân tham gia hiến đất xây dựng cầu. Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ là ông Trần Văn Tè đã cam kết sẽ làm tốt công tác này. Thế mà đã 6 năm nay, qua 3 đời chủ tịch xã, việc vận động người dân đã không thành” - ông Hùng nói.
Được biết, đường dẫn lên cầu Bến Cát dài 301m đi ngang nhiều thửa ruộng của 6 hộ dân. Thế nhưng đến nay, có 4 hộ đồng ý áp giá 300.000 đ/m2; hai hộ còn lại đề nghị 1.000.000 đ/m2. Thế là việc xây cầu chựng lại.
Ông Hùng cho biết đã báo cáo sự việc về UBND huyện. UBND huyện đã giao cho lãnh đạo mới của xã Đông Thạnh vận động 2 hộ dân còn lại chấp nhận đơn giá 300.000 đ/m2 để có thể tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng tiếp tục thi công. Ông Hùng nói không thể xác định được thời điểm thi công lại vì tất cả đều trông chờ vào sự vận động của UBND xã Đông Thạnh.
- Lê Du An
No comments:
Post a Comment