TTCT - Cuối tháng 11-2009, sau khi nghe tin anh Lô Văn
Ối ở xã Yên Hòa, huyện Tương Dương (Nghệ An) đào được cục vàng nặng
2,1kg và Vi Văn Đào ở xã Yên Na đào cục vàng 1,1kg, từng đoàn người đào
vàng từ Thái Nguyên, Nam Định kéo vào cùng dân địa phương tạo nên cơn
sốt đào vàng...
Dân gùi quặng thuê cho "vàng tặc" trên núi Na Cáng |
Suối Chà Hạ chảy dài gần 100km bắt nguồn từ vùng rừng
nguyên sinh Pù Hoạt (huyện Quế Phong, giáp biên giới Việt - Lào) qua
vùng “bốn Yên” (xã Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Na, Yên Thắng) huyện Tương
Dương rồi đổ vào sông Cả. Khi dân bản hai xã Yên Hòa, Yên Na đổ xô tìm
vàng phía hạ nguồn thì các đoàn người đào vàng từ mọi nơi đến đây mở
hướng tấn công lên phía thượng nguồn suối Chà Hạ, khiến toàn bộ dòng
suối này bị đào xới tan hoang.
“Đánh” vàng khắp nơi!
Qua trụ sở UBND xã Yên Tĩnh khoảng 10 phút đi xe máy
đã thấy bãi vàng đầu tiên xuất hiện. Tiếng máy nổ loạn xạ một eo rừng.
Mặc dù khai thác kiểu thủ công và mới rộ lên cách đây một tháng nhưng
đoạn suối này xác xơ như một bãi chiến trường.
Nhìn bãi vàng ngổn ngang này, thật khó ai nghĩ nơi đây từng là dòng suối.
Ngược lên bản Huồi Pai, thấy máy xúc bò dọc suối y như
xe tăng lội nước. Đoạn nào suối sâu không bò được thì chúng múc đất bên
bờ suối xuống làm đường đi. Đó là máy xúc của Công ty CP khai thác
khoáng sản Hợp Vinh. Rất dễ dàng nếu muốn tìm thấy một máy xúc của một
nhóm đào vàng nào đó đang nổ máy chuẩn bị đào vàng.
Từ bản Huồi Pai qua bản Chả Lúm vào bản Na Cáng, chúng
tôi lại chứng kiến cảnh dòng suối bị tàn phá trong ầm ào tiếng máy nổ
đinh tai nhức óc khắp vách rừng. Đây là vùng bãi vàng của dân bản.
Dưới chân núi Na Cáng, dân bản Na Cáng đang bê đá ngăn
dòng suối để lấy nước đãi vàng. Chúng tôi theo chân một cô gái trẻ
người dân tộc Thái leo lên núi. Cô gái chỉ vào những đứa trẻ mang những
cái gùi cao, nói: “Cả bản Na Cáng đều dồn lên đây gùi đất về đãi vàng”.
Một chủ hầm vàng đang đánh lò ở đây không giấu giếm:
“Lò nào cũng đánh ba ca 24/24 giờ, mỗi ca 10 người với một mũi khoan,
một máy bơm nước, một máy nghiền và ba xe rùa vận chuyển đất đá. Mỗi lò
sâu khoảng 30m. Hễ gặp đá trắng tới đâu thì khoan đến đó. Không khoan
được thì nổ mìn. Bọn này chỉ chơi thủ công nên chả nhằm nhò gì so với
kiểu “đánh” vàng hiện đại bằng máy xúc dưới suối. Được cái vàng ở đây
tuổi khá hơn các mỏ vàng ở miền Trung”.
Một đoạn suối bị tàn phá sau bảy ngày khai thác - Ảnh: Vũ Toàn |
Xã không biết, Huyện "chưa vào"
Trên đường quay ra trụ sở UBND xã Yên Tĩnh, chúng tôi
bắt gặp một tốp thanh niên đang tập kết máy móc ở bản Chả Lúm để chuẩn
bị đào vàng. Dọc bờ suối vẫn cảnh tượng đào vàng rầm rộ. Mới 15g nhưng
trụ sở UBND xã vắng lặng do chủ tịch xã đang dựng nhà. Phó chủ tịch
UBND xã Lâm Việt Minh nói: “Ở đây chỉ có một vài công ty được tỉnh cấp
phép khai thác vàng chứ làm gì có “vàng tặc” ngoài tỉnh vào”.
Làm việc với chủ tịch UBND huyện Tương Dương Hồ Trọng
Cảnh, tôi nghe ông Cảnh xin lỗi vì “tôi mới làm chủ tịch huyện hơn bốn
tháng nên chưa vào khu đào vàng được”. Ông Cảnh hứa “sẽ kiên quyết đẩy
đuổi hết “vàng tặc” nhưng có cái khó là một số cán bộ cơ sở dính dáng
đến chuyện này”.
Một trong nhiều điểm đào vàng dọc bản Chả Lúm
|
Trẻ em bản Na Cáng bỏ học đi gùi đất đãi vàng |
Máy xúc của Công ty CP khai thác khoáng sản Hợp Vinh cũng tham gia khai thác vàng |
No comments:
Post a Comment