Một chuyên gia tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc nhà nước và các giáo hội cần ngồi xuống cùng nhau để giải quyết gốc rễ các vấn đề về quan hệ nhà nước và tôn giáo do lịch sử để lại và bàn thảo về tương lai.
Ông Trương Hải Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, nói với BBC Việt ngữ hôm 06/8/2009 rằng có ít nhất hai hệ luỵ chính từ lịch sử phải giải quyết thấu đáo:
"Thứ nhất, đó là vấn đề đất đai, cơ sở vật chất của các giáo hội từ trong quá khứ để lại và thứ hai là hệ lụy tâm lý ‘mặc cảm’ trong quan hệ nhà nước với một số tôn giáo và giữa các cộng đồng tôn giáo ở Việt Nam."
Các vụ việc diễn ra liên tục thời gian qua giữa khối Công giáo La Mã và cả một số hệ phái của Phật giáo với chính quyền tại các địa phương từ Bắc chí Nam đặt ra câu hỏi có điều gì không ổn trong quan hệ chính quyền và các giáo hội.
Về hệ lụy thứ nhất, liên quan các diễn biến Giáo hội Công giáo đòi đất qua trong ba vụ điển hình là Nhà Chung, Thái Hà và mới nhất là Tam Toà, ông Cường cho biết:
"Trước hết đây là cả một vấn đề thuộc về lịch sử, nhất là quan hệ tôn giáo với nhà nước mà lẽ ra chính quyền phải gỡ sớm hơn từ trước."
"Từ xưa vốn dĩ đã có các vấn đề này rồi, nhưng trong bối cảnh chính sách đất đai phức tạp hiện nay, những vấn đề bức xúc kéo theo, đã nảy sinh các vụ xung đột này và kể cả ở một số nơi khác."
‘Mặc cảm với Công giáo’
Về vấn đề thứ hai được coi có tính phức tạp kéo dài, vẫn chuyên gia Trương Hải Cường, người tham gia hội đồng tư vấn về các vấn đề tôn giáo ở nhiều cấp, cho hay:
"Nơi này, nơi kia, người ta vẫn có tâm lý ‘mặc cảm’ với Công giáo, mặc dù pháp luật quy định Nhà nước đảm bảo quyền tự do, đối xử bình đẳng với mọi tôn giáo, tín ngưỡng."
Trước dấu hiệu cho thấy quan chức lãnh đạo địa phương phản ứng mạnh và nhanh chóng, điều lực lượng an ninh vào cuộc mỗi khi thấy có cầu nguyện đông người của tín đồ Công giáo, chuyên gia Trương Hải Cường nói thêm:
"Mặc cảm ở đây là một số cán bộ, nhất là ở cấp địa phương còn chưa thông hiểu đầy đủ về Công giáo, nên chưa mạnh dạn thực hiện theo pháp luật, hoặc thực hiện thiếu nhất quán."
"(Điều này) dẫn tới việc người dân một số nơi đặt ra câu hỏi, ví dụ, tại sao xin đất xây chùa ở một số nơi lại dễ hơn, thuận lợi hơn xin đất xây nhà thờ bên Công giáo."
Ông Cường cũng cảnh báo về hệ quả và xu hướng các các diễn biến các vụ tranh chấp liên quan tới tôn giáo trong nước hiện nay:
Giáo hội và nhà nước, cả hai bên, cần phải nghiêm túc ngồi lại với nhau để bàn về các vấn đề hiện tại, quá khứ, kể cả hướng tới tương lai để có sự thông hiểu và đồng thuận
"Hiện có một số quan ngại rằng cách giải quyết vấn đề hiện nay ở một số nơi, đương nhiên được thực hiện theo pháp luật của Nhà nước, vẫn có thể phần nào dẫn tới việc gây mất đoàn kết lương - giáo."
Ông đưa ra ví dụ cụ thể như "chúng tôi theo dõi được là việc một số giáo dân trong vụ Tam Toà đi hiệp thông đã bị người dân bên lương, bán hàng quán ở dọc đường đi, tại một số địa điểm, từ chối bán hàng cho."
Bàn về giải pháp cho các vấn đề, ông Trương Hải Cường nói:
"Cho nên tôi nghĩ, giáo hội và nhà nước, cả hai bên, cần phải nghiêm túc ngồi lại với nhau để bàn về các vấn đề hiện tại, các vấn đề quá khứ để lại và kể cả hướng tới tương lai để có sự thông hiểu và đồng thuận."
"Hiện có hơn 6 triệu đồng bào tôn giáo. Các tôn giáo khác người ta nhìn vào đó, người ta cũng có thể sẽ so bì và đặt ra các câu hỏi."
Ông thừa nhận việc nhiều địa phương chưa làm tốt việc "kiên trì tuyên truyền, vận động trước, rồi mới đưa luật pháp ra sau".
Đảng cũng phải thay đổi
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại cũng đề cập tới viễn cảnh về xã hội dân sự ở Việt Nam và quan hệ tay ba với tôn giáo và Nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo.
"Hiện nay, vẫn chưa có quan điểm thống nhất xã hội dân sự là gì. Một số người xếp tôn giáo vào xã hội dân sự."
"Tôi thấy chưa hẳn hợp lý vì xếp tôn giáo nói chung vào xã hội dân sự thì phải xét tới tư cách về một số quyền và nghĩa vụ của xã hội dân sự của tôn giáo theo hướng đó. Nên xếp vào đâu cũng rất khó."
Đặc biệt, ông Cường cho rằng trong tương lai có thể cần xem xét lại nhận thức về vị trí của các giáo hội và đặt họ ngang với chính quyền vốn nắm quyền lực nhà nước.
Nhiều định nghĩa trên quốc tế thừa nhận giáo hội có quyền lực tinh thần.
Vẫn ông Cường, người từng có nhiều năm nghiên cứu về các lý thuyết Marxist về tôn giáo và chủ nghĩa vô thần khoa học, nói:
Xu hướng vai trò xã hội dân sự chắc chắn sẽ nhiều lên. Đảng cộng sản có ngại hay không còn phụ thuộc vào chính đảng Cộng sản, nghĩa là đảng cũng phải đổi mới.
"Theo tôi, các tổ chức xã hội của tôn giáo, như các hội đoàn, các dòng tu tham gia hoạt động xã hội của tôn giáo có thể xếp vào xã hội dân sự. Còn tổ chức tôn giáo với tư cách là giáo hội không thuộc về xã hội dân sự."
"Vì giáo hội là tiểu hệ thống thuộc thượng tầng kiến trúc và xét ở khía cạnh đó nó cũng như nhà nước, tức là vị trí ngang bằng."
Trước câu hỏi liệu Đảng Cộng sản có ngại vai trò và xu hướng của xã hội dân sự, cùng vị trí của tôn giáo và các nhóm lợi ích, đảng phái chính trị có nguồn gốc tôn giáo hoặc có sự hậu thuẫn của các giáo hội trong tương lai hay không, ông Trương Hải Cường nhận định:
"Xu hướng vai trò xã hội dân sự chắc chắn sẽ nhiều lên. Đảng cộng sản có ngại hay không còn phụ thuộc vào chính đảng Cộng sản, nghĩa là đảng cũng phải đổi mới."
"Đổi mới về tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo và đồng thời nhà nước cũng phải có một hệ thống luật pháp, để các tổ chức, thể chế hoạt động theo đúng hiến pháp và pháp luật."
Trong khi đang có những lo ngại về tranh chấp không gian công, một hình thức của việc giành quyền kiểm soát và tác động đến các khối dân chúng đông đảo giữa một số giáo hội và nhà nước do đảng Cộng sản nắm tại Việt Nam, ông Cường cho rằng không có gì phải lo ngại:
"Tranh chấp về quyền lực, theo tôi, không phải là cái ngại lắm. Mà cái chính lúc đó là liệu có quản được nữa hay không, mà quản tức là đảm bảo được cái quyền tự do theo đúng luật pháp của các chủ thể đó. Ở điểm này, hiện nay tôi thấy chưa có đủ bối cảnh và yếu tố pháp lý," - ông Cường nói với BBC.
Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Đương đại thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên nghiên cứu các vấn đề về tôn giáo theo hướng cơ bản, ứng dụng và dự báo; đặc biệt khảo sát tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, qua đó hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu chính sách về tôn giáo học.
No comments:
Post a Comment