Biểu tượng anh hùng cổ xưa nhất của người Việt Nam chắc chắn là hình ảnh Thánh Gióng. Kể từ Phù Đổng Thiên vương nửa huyền thoại, hầu như tất cả các anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam đều phải là những lãnh tụ lập quốc, hoặc là danh tướng chiến thắng ngoại xâm.
Sự thiên lệch rất dễ hiểu. Sinh tồn bên cạnh các triều đại thực dân phong kiến Trung Hoa, ác mộng mất nước đã được hóa giải và động viên bằng hàng chục cái tên lẫy lừng: Lý Bôn, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… Chiến thắng ngoại xâm, cởi bỏ ách nô lệ cho quốc gia cũng là lẽ chính thống đầu tiên của bất cứ ngai vàng nào. Thậm chí thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi gấp đôi như nhà Nguyễn và tổ tiên họ đã làm, chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, để hoàng đế khai quốc Nguyễn Ánh đường hoàng bước vào ngôi đền thiêng cùng với tiền nhân.
Tham khảo nhiều mô hình xã hội có cùng nguồn gốc, gần gũi về lãnh thổ tại Tây Nguyên Việt Nam và Hoa Nam Trung Quốc, chúng tôi thấy tại mảnh đất tiền Việt Nam cũng như vùng Bách Việt, người giàu có nhất, mạnh mẽ nhất trong một làng được suy tôn là quan Lang. Một cách tương đối, đứng đầu trăm làng là Lạc tướng, ngàn làng là Lạc hầu, vạn làng là Lạc vương. Ngoại trừ quan Lang và Lạc tướng có những hệ lụy xa gần về huyết thống, địa lý và thần quyền; các nấc bậc quyền lực còn lại liên kết khá lỏng lẻo. Nó không có những nguyên tắc chế định thông thường của nhà nước phong kiến quân chủ, bởi không hề chia sẻ với nhau một tổ chức xã hội, chính trị hay tôn giáo. Đa thần cũng là lý do phân ly quan trọng, dù họ cùng thờ mặt trời (trong khuôn khổ nguyên sơ nhất). Cái vỏ phong kiến của ngôn ngữ Hán đã đánh lừa người đọc hàng ngàn năm sau, khi tiếp cận với những ghi chép về mảnh đất tiền Việt Nam trong Hán sử.
Điểm sáng đáng để ý nhất của Âu Lạc có lẽ là tinh thần đoàn kết của các Lạc tướng và nhân dân trước họa ngoại xâm. Luôn xuất hiện một thủ lĩnh đứng lên đóng vai trò Lạc vương khi chiến tranh vượt khỏi tính chất cục bộ trong bản thân Âu Lạc. Truyện cổ tích Thánh Gióng chứng tỏ điều đó.
Cụ Hồ đã hoàn toàn làm chủ tư chất lãnh tụ của mình, bằng một câu nói giản dị nhưng có sự liên thông và thấu hiểu cao độ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những lãnh tụ lập quốc thường có đường thông nối ý thức của họ với tiềm thức dân tộc và nhân dân, thậm chí nhân loại. Họ luôn biết phải nói cái gì, lúc nào và nói ra sao để đánh thức thời đại. Truyền thống yêu nước và đoàn kết chống xâm lược của người Việt Nam có nguồn gốc sâu xa như thế. Nó là bản năng, chứ không thể gọi là bản chất đơn thuần.
Bản năng dân tộc được đánh thức, cộng hưởng với âm ba thời đại và khao khát độc lập để làm nên chiến thắng đắt giá cho dân tộc Việt Nam trước người Pháp và người Mỹ. Đúng qui luật, ngôi đền anh hùng của người Việt đã kết nạp hai cái tên đương thời: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Võ Nguyên Giáp nhận được sự đồng thuận xã hội cao hơn hẳn Hồ Chí Minh cũng dễ hiểu. Ông là nhân vật quân sự thuần túy, ít gây ra tranh cãi và bị phủ định bởi ẩn ức cá nhân giữa dòng chính trị chìm nổi. Điều thú vị khi so sánh hai vị anh hùng này là, xét về công trạng, Hồ Chí Minh mang danh quốc phụ trong khi họ Võ chỉ là đại công thần khai quốc. Chúng ta có thể chiêm nghiệm tư duy “đắp tượng đài” đặc thù của người Việt Nam khi đặt hai anh hùng này cạnh nhau.
Tôi ngạc nhiên nhận ra xung đột Việt – Hoa 1979 nếu gọi là chiến tranh vệ quốc thì tại sao trong tâm thức người Việt Nam không hiện lên một cái tên anh hùng? Sẽ có người bảo rằng độ thấm của thời gian chưa dài? Đâu hẳn, không cần ba mươi năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp đã đường hoàng bất tử trong lòng dân tộc, chẳng thể lung lay trước mọi chèn ép của cả một thể chế dưới ngọn cờ Lê Duẩn.
Thời đại “không anh hùng” dưới sự lãnh đạo của tổng bí thư Lê Duẩn, “đêm trước đổi mới” 1975 – 1986 với nút thắt 1979 và chiến cuộc Campuchia dai dẳng, có lẽ đã tạo nên một khoảng trống không thể khỏa lấp trong hành trang tư tưởng dân tộc Việt Nam khi bước vào thế kỷ 21.
1979 là một cơ hội lớn tương đương 1789 mà người Việt Nam đã bỏ lỡ. Nếu đừng bài Hoa, nếu đừng sa lầy ở xứ sở chùa tháp, nếu tung toàn lực đánh một trận quyết tử với Trung Quốc như Quang Trung, rồi ngay lập tức hòa hoãn và quan hệ đa phương, vị thế Việt Nam và Trung Quốc có thể đã cân bằng hàng trăm năm, như đã từng. Chẳng có bằng hữu muôn đời và hận thù thì không thể mãi mãi. Chắc chắn tâm thức dân tộc Việt Nam hiểu rõ điều này, cho nên họ không thể tìm ra một vị anh hùng cho mình, trong những người đã đưa lòng căm thù vào… hiến pháp sau năm 1979.
Những lãnh tụ Việt Nam hôm nay là ai, nếu không phải lớp “tam thập nhi lập” vào năm 1979. Họ là nhóm người hiểu sâu sắc, hiểu kỹ lưỡng nhất cuộc khủng hoảng trầm trọng của xã hội Việt Nam sau xung đột 1979. Trong sâu thẳm kinh nghiệm của họ, đối đầu cương quyết với Trung Quốc chỉ toàn là bất lợi. Phải chăng đó là lí do khiến người dân Việt Nam đang bất an, mỗi khi nhắc đến cái tên Trung Quốc?
Tư tưởng Hồ Chí Minh lên ngôi vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước, cho đến nay, chưa có kết quả sáng sủa. Trong vết xe cũ mòn ấy, nhóm trí thức phản đối Bauxite hiện nay cũng đang gắng gượng dùng hình tượng anh hùng Võ Nguyên Giáp để chống lưng cho mặt trận của mình. Sự bế tắc nên được gọi đúng tên: Thời đại không có anh hùng.
Với những người tự nhận là hoạt động dân chủ, sự bế tắc chung đã nêu được họ thu nhỏ ở mức độ thể chế - chế độ, qua đó người ta mơ mộng và bay bổng trong những mỹ từ dân chủ, tự do, nhưng hoàn toàn bất lực khi chỉ ra dân chủ là hành trình hay đích đến của một xã hội văn minh.
Trong vết xe cũ mòn ấy, nhóm trí thức phản đối Bauxite hiện nay cũng đang gắng gượng dùng hình tượng anh hùng Võ Nguyên Giáp để chống lưng cho mặt trận của mình.
Trương Thái Du
Sự bế tắc tư tưởng của xã hội Việt Nam hiện nay, cũng là môi trường thuận lợi để các mâu thuẫn nhà nước và nhà thờ liên tục bùng phát.
Có một sử gia nước ngoài đã mạnh dạn khái quát hóa lịch sử trung đại Việt Nam cơ bản là những diễn biến tranh chấp vùng miền. Tất nhiên, nó khởi đi từ chế độ quân trưởng độc lập của xã hội tiền Đại Việt, tiền Việt Nam. Sự việc phức tạp hơn tên gọi của vấn đề. Song, điều này ít nhiều chỉ ra rằng trong cơ thể xã hội Việt Nam luôn có những vết nứt nội tại truyền kiếp, chia rẽ tầm nhìn chung của cộng đồng. Đây hẳn là một nguyên nhân lớn lao, khiến dân tộc Việt Nam chưa bao giờ vượt lên khỏi khu vực, tiến đến tầm nhân loại, ngoại trừ khoảng thời gian giữa các cuộc chiến tranh vệ quốc hay giành độc lập ở thời đại thông tin.
Mệnh đề “chia rẽ dẫn đến bế tắc, hay bế tắc sinh ra chia rẽ” mang nội hàm của bài toán con vịt và quả trứng vịt. Sự chia rẽ khiến hầu hết người dân Việt Nam hôm nay bàng quan với vận mệnh dân tộc, nhất là trong bối cảnh sức ép kinh tế, chính trị và lãnh thổ/biển đảo ngày càng tăng từ phương Bắc?
Dân tộc Việt Nam từng được gắn kết chặt chẽ bằng những cái tên anh hùng, bằng chất keo chiến thắng và căn cước sinh tồn bên cạnh người Trung Hoa, văn hóa Trung Hoa hàng ngàn năm nay. Hình ảnh người anh hùng chẳng qua là biểu trưng của tư tưởng thời đại mà thôi.
Giữa vận hội mới, người Việt Nam đã để các tiền nhân đi lạc, trong khi vẫn thiếu vắng những nhân tố mới. Do đó, nguy cơ thuận theo quĩ đạo Trung Hoa trước mắt là vô cùng lớn. Ở trong “thế giới Trung Hoa”, cảm giác “ổn định” hay “hài hòa” là một, chúng sinh ra từ cung điện Thái hòa của nhiều vương triều Việt – Trung với tâm tư nguyên thủy của vua Tần, truyền ngôi cho con cháu đến vạn thế. Ở góc độ nào đấy, nếu “ổn định” không đồng hành cùng “tiến bộ”, nó sẽ trở thành chướng ngại cản đường, sẽ làm trì độn cả một cộng đồng.
Một dân tộc phi nhược tiểu luôn là một dân tộc có tư tưởng riêng và liên tục tìm kiếm tiến bộ trong sự ổn định chấp nhận được. Vấn nạn “không anh hùng” hiện nay của sinh thể Việt Nam được một số trưởng lão qui chiếu trên tâm thế cá nhân là “hèn”. Âu cũng là nỗi đau không hề kín đáo, của những người luôn suy tư cho tiền đồ đất mẹ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu cổ sử độc lập ở Sài Gòn.
Bấm Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.
No comments:
Post a Comment