Mặc Lâm, phóng viên đài RFA, Bangkok
2009-08-13
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (gọi tắt là PLA) vừa tiến hành cuộc diễn tập chiến thuật lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của 50.000 quân được trang bị vũ khí hạng nặng và triển khai trong phạm vi hàng ngàn km.
Trung Quốc muốn răn đe?
Cuộc tập trận mang tên “Bước tiến 2009”, bắt đầu ngày 11 tháng 8 với sự tham gia của 4 sư đoàn, phối hợp với các đơn vị không quân. Việc chuyển quân sẽ được thực hiện bằng đường sắt và đường hàng không.
Mục tiêu mà PLA nhắm tới trong cuộc tập trận lớn nhất này là cải thiện khả năng tác chiến tầm xa của quân đội Trung Quốc.
Hiện nay, nếu so sánh sức mạnh quân sự của Trung Quốc với Việt Nam, người ta dễ liên tưởng tới sự chênh lệch lớn lao giữa Bắc Việt và Mỹ cách đây vừa đúng 45 năm.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (gọi tắt là PLA) vừa tiến hành cuộc diễn tập chiến thuật lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của 50.000 quân được trang bị vũ khí hạng nặng và triển khai trong phạm vi hàng ngàn km.
Đại tá Trần Liêm
Mặc Lâm đã thực hiện một cuộc phỏng vấn đặc biệt với Đại tá Trần Liêm thuộc quân chủng Phòng không và Đại tá Quách Hải Lượng thuộc quân chủng Hải Quân của Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm tìm hiểu thêm về sự cách biệt này.
Loạt bài chia làm hai kỳ, kỳ này là cuộc trò chuyện với Đại tá Trần Liêm.
Chuyện quá khứ
Mặc Lâm: Thưa Đại tá, xin cám ơn ông đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn này. Là người từng tham dự các trận chiến với không quân Hoa kỳ cách đây 45 năm, ông có thể cho biết tình trạng vũ khí lúc ấy của miền Bắc như thế nào không?
Đại tá Trần Liêm : Lực lượng phòng không lúc đó chủ yếu là cao xạ, cao nhất chỉ 100 ly thôi. Còn phần lớn là tiểu cao tức là 37 ly rồi 5 ly, 7 ly, 20 ly. Những loại đó do ở ngoài viện trợ. Người ta cấp tốc triển khai xây dựng lực lượng chủ yếu để bảo vệ mấy thành phố thôi.
Mặc Lâm: Còn tình trạng phi cơ chiến đấu vào lúc ấy thì sao thưa ông?
Đại tá Trần Liêm: Thực tế lực lượng lúc này chủ yếu mới là cao xạ thôi chứ không quân thì chưa về nước. Không quân lúc ấy còn đang huấn luyện bên Trung Quốc, mãi đến mùng 6 tháng 8 mới đưa trung đoàn bay Mic 17 về nước.
Mặc Lâm: Riêng về lực lượng rada thì sao? Trong tình trạng phôi thai như vậy, miền Bắc được trang bị rada như thế nào để phát hiện máy bay thưa ông?
Đại tá Trần Liêm: Rada của phòng không lúc đó có một ít loại rada 6 mét thôi, chủ yếu để cảnh giới chứ chưa đủ máy để bảo đảm cho dẫn đường vì lúc đó cũng có khó khăn do viện trợ của Liên xô bị hạn chế một chút.
Tinh thần, ý chí sẽ là yếu tố quyết định
Mặc Lâm: Xin mạn phép hỏi ông, như vậy sau 45 năm, lực lượng rada của bộ đội biên phòng hiện nay được trang bị ra sao, đặc biệt là tại các vùng địa đầu giới tuyến có khả năng xảy ra chiến tranh như Trường Sa chẳng hạn?
Nhất định mình sẽ có cách đánh của mình. Đánh ở ngoài đó thì nhất định sẽ không dùng cao xạ mà phải dùng tên lửa thôi. Cao xạ chỉ dùng tại chỗ cho bán kính ngắn thôi, còn bảo vệ trên biển Đông thì phải dùng tên lửa và lực lượng không quân.
Đại tá Trần Liêm
Đại tá Trần Liêm: Lực lượng phòng không ngoài đó cũng có cao xạ, có lực lượng trung cao, thêm nữa đã triển khai rada rồi. Ngoài Trường Sa đã triển khai hai phân đội rada để cảnh giới rồi. Trước đây đã triển khai nhưng gần đây cảm thấy tình hình căng thẳng nên triển khai thêm. Ở ngoài Bắc thì đã có Bạch Long Vĩ rồi, chỉ có Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm thành ra mình không bố trí được thôi.
Mặc Lâm: Thưa ông nếu chỉ bố trí dàn cao xạ trung cao như ông vừa nói thì làm sao đối phó nổi với lực lượng không quân Trung Quốc hiện nay? Họ được trang bị những kỹ thuật điện toán tân tiến nhất nhắm vô hiệu hóa những phát hiện của rada đối phương?
Đại tá Trần Liêm: Cái đó thuộc kế hoạch của Bộ Quốc Phòng, tuy chưa cụ thể lắm nhưng đại khái cũng đã có kế hoạch phòng thủ và nhất định mình sẽ có cách đánh của mình. Đánh ở ngoài đó thì nhất định sẽ không dùng cao xạ mà phải dùng tên lửa thôi. Cao xạ chỉ dùng tại chỗ cho bán kính ngắn thôi, còn bảo vệ trên biển Đông thì phải dùng tên lửa và lực lượng không quân.
Mặc Lâm: Hoa Kỳ đã lên tiếng về sự lớn mạnh quân sự của Trung Quốc và từ đó nếu nhìn lại sức mạnh của chúng ta hiện nay thì không khỏi bi quan. Theo ông thì với tương quan lực lượng quá cách biệt như thế, chúng ta phải làm gì trong tư thế của kẻ yếu?
Đại tá Trần Liêm: Thế giới và cả Hoa Kỳ đều không biết tại sao Mỹ thua trong cuộc chiến Việt Nam. Nếu tính tương quan lực lượng, vũ khí thì mình không thể nào đánh nổi được.
Phải nói đến ý chí và truyền thống của dân tộc này đối với việc bảo vệ đất nước. Có thể nói đó là một truyền thống lớn. Ngay cả thời Bắc thuộc hàng nghìn năm trước mình cũng không mạnh hơn Trung Quốc nhưng Trung Quốc không thể nào xâm chiếm được và thậm chí còn bị đánh lui.
Đại tá Trần Liêm
Khi đó Mỹ dùng những vũ khí tối tân nhất trong khi Việt Nam sử dụng vũ khí từ thập kỷ 1950 của thế kỷ trước. Nếu nói về lãnh vực chiến tranh điện tử thì lúc đó Mỹ dùng kỹ thuật hiện đại. Muốn thắng thì phải dùng mưu trí, chiến thuật là chính chứ không phải kỹ thuật đấu với kỹ thuật đâu.
Mặc Lâm: Theo ông thì trong cuộc chiến với Mỹ, Việt Nam đã tận dụng yếu tố nào để chiến thắng?
Đại tá Trần Liêm: Phải nói đến ý chí và truyền thống của dân tộc này đối với việc bảo vệ đất nước. Có thể nói đó là một truyền thống lớn. Ngay cả thời Bắc thuộc hàng nghìn năm trước mình cũng không mạnh hơn Trung Quốc nhưng Trung Quốc không thể nào xâm chiếm được và thậm chí còn bị đánh lui. Vậy truyền thống của mình là không chịu làm nô lệ mà nhất định là phải giành độc lập. Cái đó tôi thấy là quyết tâm lớn nhất.
Mặc Lâm: Chúng tôi hòan tòan đồng ý với ông về vấn đề lịch sử nhưng đó là chuyện cách đây hàng ngàn năm, liệu ý chí đó có còn phù hợp với thời buổi hiện đại và còn mãnh liệt trong lòng người dân nữa hay không?
Đại tá Trần Liêm: Cái này thì nhất định là đồng lòng. Dân tộc này có truyền thống yêu nước và kiên quyết giành độc lập thì kẻ địch nào cũng đánh. Cũng sẽ như ngày xưa nếu Trung Quốc gây chiến.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Đại tá Trần Liêm đã dành thời gian trả lời chúng tôi.
Trên đây là cuộc phỏng vấn Đại tá Trần Liêm thuộc quân chủng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong bài tới Mặc Lâm sẽ phỏng vấn Đại tá Quách Hải Lượng về tương quan lực lượng Hải quân của Việt Nam và Trung Quốc. Mời quý vị đón theo dõi.
No comments:
Post a Comment