"2-3 năm nữa quốc lộ 32 mới xong, dân đi lại rất cực. Nhiều xe chở trứng, đậu phụ bị đổ, nhìn rất thương tâm. Xin bộ trưởng hãy đi thăm", đại biểu Nguyễn Thị Hoa đề nghị trong phiên chất vấn ông Hồ Nghĩa Dũng tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay.
> Những 'cơn lốc' bụi ở cửa ngõ thủ đô
Bức xúc về việc chậm trễ thi công quốc lộ 32 nối trung tâm thủ đô với khu vực phía tây Hà Nội, đại biểu Chu Sơn Hà đặt câu hỏi: "Việc chậm triển khai dự án này đã ảnh hưởng đến nhân dân, người dân kinh doanh ven đường bị thiệt hại về kinh tế, quan điểm của Bộ trưởng thế nào?".
Thừa nhận việc chậm trễ thi công quốc lộ 32 gây thiệt hại cho dân, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng lý giải: có hai dự án lớn trên tuyến này, một là đoạn Mai Dịch - Diễn - Nhổn do Bộ làm chủ đầu tư, hai là đoạn từ Nhổn đi Sơn Tây giao cho UBND Hà Tây cũ. Đoạn hai đã xong. Đoạn một, việc giải phóng mặt bằng giao cho thành phố Hà Nội thực hiện quá chậm. Hà Nội đang gặp khó trong việc bố trí cho 150 hộ dân tái định cư.
Người đi đường chìm trong 'bão' bụi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, ông Dũng cho hay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến giao Hà Nội làm chủ đầu tư để đồng bộ. Bộ sẽ thực hiện chuyển giao trong thời gian sớm nhất. "Nhưng dự án này còn chậm, nếu không có mặt bằng. Nếu có mặt bằng sạch, nhà thi công hứa chỉ sau 6 tháng sẽ hoàn thành", ông nói.
"Quốc lộ 32 phải 2-3 năm nữa mới hoàn thành. Bà con đi lại rất cực khổ, nhiều xe chở trứng, đậu phụ bị đổ, nhìn rất thương tâm. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục? Sau cuộc họp này, xin bộ trưởng đi thăm con đường đó đoạn từ Cầu Diễn đến Nhổn", đại biểu Nguyễn Thị Hoa đề nghị.
"Không phải đại biểu mời tôi mới đi đâu. Hằng tháng, hằng tuần tôi đều đi và rất hiểu", chia sẻ với sự lo ngại của bà Hoa, tuy nhiên, ông Dũng không đưa ra thêm giải pháp gì để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến huyết mạch phía tây thủ đô này.
Xung quanh dự án đường vành đai 3 Hà Nội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa thanh thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết đặt một loạt câu hỏi: Dự án do Bộ làm chủ đầu tư hiện không đúng quy hoạch của Thủ tướng, sau 8 năm thực hiện mới có quyết định điều chỉnh dự án, như vậy căn cứ điều chỉnh có cơ sở pháp lý? Phê duyệt từ tháng 2, tại sao phải tháng 8 mới công bố cho nhân dân?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: "Không phải đại biểu mời tôi mới đi thăm đường 32". Ảnh: Hoàng Hà. |
Thể hiện là người nắm rõ dự án này, Bộ trưởng Dũng rành rẽ lý giải: đường vành đai 3 có nhiều dự án, đoạn từ Mỹ Đình đến giáp bán đảo Linh Đàm đã cơ bản xong. Hiện còn 380 m ở nút giao thông Thanh Xuân chưa làm được. "Vị trí này có sự giao cắt với đường sắt trên cao nên quy hoạch cũ không đảm bảo phê duyệt của Thủ tướng như năm 2001, phải có sự điều chỉnh. Chính phủ đã ủy nhiệm Bộ có trách nhiệm điều chỉnh thiết kế tại nút giao cắt Thanh Xuân", ông Dũng khẳng định.
Không chờ bị chất vấn thêm, ông cho biết, tại điểm giao cắt Thanh Xuân hiện có hai khiếu kiện về thẩm quyền điều chỉnh dự án và chính sách đền bù. Bộ đã thành lập ban chỉ đạo do một thứ trưởng phụ trách để phối hợp với Hà Nội giải quyết, kể cả vấn đề tham ô, tham nhũng nếu có.
"Chúng tôi đã tổ chức thanh tra, đã có dự thảo kết luận thanh tra, và báo cáo Thanh tra Chính phủ phúc tra. Nếu bộ sai, bộ chịu trách nhiệm", ông Dũng nói. Ông cũng khẳng định chuyện 6 tháng mới công bố dự án là không chính xác.
Chưa hài lòng với câu trả lời, ông Thuyết đặt vấn đề: "Tại sao dân kiện suốt từ năm 2001, đến 2006 dự án khởi động lại mà phải đến 2009 mới công bố quy hoạch điều chỉnh?".
"Công bố quy hoạch chung là trách nhiệm của UBND thành phố. Dự án khởi động lại năm 2006, qua nhiều lần điều chỉnh luôn có ý kiến của nhân dân. Chúng tôi phải nghe, tiếp thu và thống nhất với Hà Nội", người đứng đầu ngành giao thông trả lời. Ông còn cho hay, quá trình thực hiện dự án có thể tiếp tục phải điều chỉnh.
Liên quan đến thu phí, nhiều đại biểu chất vấn vì sao hàng ngày người dân vẫn phải móc túi trả phí cho những con đường có chất lượng quá tệ. Dẫn ra ví dụ về đường Láng - Hòa Lạc (Hà Nội), đại biểu Chu Sơn Hà thắc mắc: "Ổ voi rất nhiều, nhưng tại sao vẫn thu phí?".
Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, Láng - Hòa Lạc đang được xây dựng là trục đô thị lớn với 6 làn xe, 2 làn đường gom nối trung tâm Hà Nội với Hà Tây cũ. "Đây là trục đô thị mới của Hà Nội, việc giữ trạm thu phí ở giữa đường đúng là không hợp lý. Chúng tôi đang kiến nghị cấp trên ngừng hoạt động của trạm này", ông Dũng cho hay.
Trích dẫn luật giao thông đường bộ không có quy định nào về mức thu phí, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình chất vấn, tại sao có trạm thu phí cao gấp hai lần so với những trạm khác? Quy định như thế có đúng luật, có đảm bảo công bằng? Đại biểu Trần Thị Nga còn cho rằng, mức phí hiện nay là quá cao. "Đi từ Bắc đến Nam một xe tải phải mất 1,3 triệu đồng. Mức phí cao là nguyên nhân khiến họ trốn đóng phí, đồng thời ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và giao thông trên đường", nữ đại biểu này nói.
Bộ trưởng Dũng cho hay, trạm thu phí có nhiều loại, trạm của nhà nước và trạm BOT do nhà đầu tư thực hiện. "Trạm BOT nếu thực hiện đúng như phí của nhà nước thì phải 30-40 năm mới hoàn vốn, trong khi phải đầu tư rất lớn. Do đó trạm BOT thường thu phí cao gấp rưỡi, gấp đôi so với trạm nhà nước", người đứng đầu ngành giao thông phân trần.
Hồng Khá
No comments:
Post a Comment