Ngày 12.08.2009 Giờ 08:12 | |||||
• TP.HCM: ca tử vong đầu tiên do cúm A/H1N1 SGTT - Tôi bị sốt cao và nhức mỏi toàn thân, đau rát họng. Trưa 3.8, tôi đến viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia (viện Nhiệt đới – Hà Nội). Sau khi thử máu hai lần, một bác sĩ người dỏng cao, trắng trẻo và nhiệt tình, dẫn tôi lên lầu 4, đi vào phía sau một tấm bảng ghi chữ đỏ: phòng cách ly. Trưa 3.8, tại viện Nhiệt đới, hàng trăm bệnh nhân ngồi la liệt ở phòng chờ khám, người nhà và người nghi nhiễm ngồi lẫn lộn nhau tràn ra cả hành lang, ghế đá. Những người chờ đợi ở đây được các nhân viên y tế gọi là đối tượng nghi nhiễm. Trông họ mệt mỏi, đi đứng lờ vờ, nói năng lờ vờ, và như bản thân tôi, ruồi đậu trên mép mà cũng khó buồn đuổi.
Ở phòng cách ly Phòng cách ly nơi tôi “sinh sống” kể cũng kỳ lạ. Đó là bốn phòng đối diện nhau, chia làm hai dãy với khoảng gần 10 giường bệnh. Giường bệnh được làm bằng inox, chiếu nhựa, một toilet cáu bẩn. Từ phòng, nhìn qua tấm bảng “phòng cách ly” trông có vẻ chết người kia là hành lang. Chao ôi, la liệt bệnh nhân và người nhà nằm ngổn ngang. Mọi thứ có thể được tận dụng làm giường bệnh. Chăn, chiếu cói, chiếu nhựa, ghế xếp. Ai nấy mồ hôi nhớp nháp, ánh mắt đờ đẫn, cử chỉ mỏi mệt. Người ngồi kẻ nằm, người lấy máu, người truyền dịch. Và “phòng cách ly” của bệnh nhân H1N1 được “cách ly” với các bệnh nhân thường bằng một tấm bảng vô hồn trắng toát với thông báo chữ đỏ như vậy. Không một bảo vệ nào giám sát. Đêm, trong viện Nhiệt đới, tôi nằm một phòng với ba giường trống, người mỏi nhừ, giấc ngủ chập chờn. Sáng ngày 4.8 khoảng 8h, đang ngủ, tiếng đập cửa thình thình. Một nhân viên mặc áo blouse dẫn vào thêm bốn “bệnh nhân dương tính” từ lầu trên xuống. Anh ta bảo: “Anh kia sang đây. Ba cô vào phòng này”. Phòng cách ly tôi dọn sang ở đối diện, khoảng 6m2, có một giường, quạt và tủ lạnh, tivi. Phòng này vốn là phòng dịch vụ, bình thường nếu bệnh nhân ở đó mỗi bệnh nhân phải trả 150 ngàn/ngày. Cả tôi và một bệnh nhân khác, chỉ có một giường nhưng ở hai người. Tôi xin thêm một ghế xếp, chứ phòng bé, nóng nực thế này mà hai người đàn ông “thượng” trên một giường khổ 1 x 1,8m thì cực quá. Lát sau, nhân viên mặc blouse mang đến một giường xếp. Tôi nhìn kỹ, chất vải nilông trên ghế xếp loang lổ các vết máu đã khô, chất dịch và một thứ hổ lốn khác. Tôi phản ánh chuyện này lên một điều dưỡng viên và nhận được trả lời: “Ở đây chỉ có 21 ghế xếp như thế này. Chúng tôi đã sát trùng nó. Nếu anh không nằm thì tôi cũng chịu thôi. Bệnh viện không có cách nào khác”. Tôi xin một ghế xếp khác. Đúng như nhân viên này nói, vẫn những vết máu loang lổ... Hãi quá, tôi xin một cái chăn, trải xuống rồi nằm lên đó. Điều trị Nói cách ly nhưng chúng tôi được phát thuốc để uống ngày hai lần, trong đó một loại thuốc được coi là đặc trị virút H1N1 là Tamiflu. Ngày 5.8, học sinh và giáo viên trường Lômônôxốp, nơi phát hiện ổ dịch trong trường học đầu tiên tại Hà Nội là một trong những bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 được bệnh viện bố trí vào khu vực cách ly thuộc phòng 412. Gọi là phòng cách ly, nhưng người nhà bệnh nhân vẫn có thể ngủ lại mà không gặp bất kỳ sự kiểm tra nào của người có trách nhiệm. Trên hành lang các phòng cách ly 411, 412, 413..., người ta dựng lên tấm biển với dòng chữ “khu vực cách ly”, màu đỏ. Nhưng ngay trước mặt tấm biển đó, nhiều bệnh nhân bị các bệnh khác đang được bác sĩ truyền dịch, khám, tiêm. Trưa 7.8, những bệnh nhân nhiễm H1N1 chưa được xuất viện vì kết quả kiểm tra vẫn dương tính. Cửa sổ những phòng cách ly này mở toang hoác, nhìn xuống đường và bệnh viện Bạch Mai ngay trước mắt. Một số bệnh nhân cúm A/H1N1 không đeo khẩu trang, thay vì mặc quần áo bệnh viện, họ lại mặc đồ bình thường, có thể đi ra khỏi khu vực cách ly và tiếp cận với nhiều bệnh nhân đang điều trị ở phòng bệnh khác, thậm chí có thể xuống đường như bất kỳ ai. Theo ghi nhận của phóng viên, có khá nhiều người ra vào những khu vực điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 mà không đeo khẩu trang, đặc biệt nhiều bệnh nhân bị các bệnh khác điều trị gần khu cách ly vài bước chân, nhưng hoàn toàn không đeo khẩu trang y tế phòng cúm.
Ra phố ăn cơm bụi, lướt net Một bệnh nhân ở đây khẳng định, khi biết tin bị nhiễm H1N1, họ luôn nhận được điện thoại của y tế phường, y tế quận hỏi địa chỉ để đến sát trùng, cách ly... Ở ngoài, nghe rất nghiêm túc và quyết liệt, nhưng tại nơi điều trị, những bệnh nhân được kiểm soát quá lỏng lẻo, không gặp sự nhắc nhở hay cảnh báo gì. Một bệnh nhân nữ ở đây khẳng định, mặc dù đang dương tính với cúm A/H1N1, nhưng nhiều đêm họ vẫn rủ nhau đi chơi, ra phố uống cà phê! Nói xong câu này, bệnh nhân nữ lấy điện thoại ra gọi nhóm bạn đang điều trị bệnh, hỏi đang chơi ở đâu, và hứa hẹn sẽ cho tôi đi cùng vào lần khác. Trưa 5.8, có ba thanh niên lên phòng 412, qua trao đổi, biết họ rủ bệnh nhân nữ ở phòng này ra quán cơm để ăn trưa nên chúng tôi quyết tâm đi theo để mục sở thị. Trút bỏ bộ quần áo bệnh nhân, những người này mặc đồ thường phục bước ra từ phòng 412 ra khu vực bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị để vào thang máy. Với bộ quần áo thường phục, những người này dễ dàng ra khỏi nơi cách ly, thoát ra toà nhà bệnh viện rồi hướng qua đoạn đường bệnh viện Bạch Mai để ra cầu vượt trước mắt. Mới ra khỏi bệnh viện một đoạn, cả ba người đã tháo khẩu trang khỏi miệng, đi lại bình thường như người nhà bệnh nhân. Khoảng 12h trưa 5.8, từ quán cơm bên kia đường Giải Phóng, ba người này hướng lên cầu vượt để trở vào bệnh viện. Cả ba hoàn toàn không đeo khẩu trang. Họ đi giữa đám người đông đúc trên cầu vượt cho người đi bộ, thản nhiên đi qua vị trí máy quay mà chúng tôi đặt trước để hoà vào dòng người nườm nượp trên đường Giải Phóng. Trong cầu thang máy của viện Nhiệt đới, trả lời phóng viên, người mặc áo phông trắng cho biết đang học tại trường Lômônôxốp, nơi mà trước đó phát hiện ổ dịch đầu tiên tại trường học ở miền Bắc. Trò chuyện với chúng tôi, một bệnh nhân cúm thành thật: Nếu muốn mua thức ăn bên ngoài bệnh viện thì cứ mặc quần áo bình thường đi ra. Mấy hôm trước bọn em đi chơi, nhưng bây giờ bạn “cầm đầu” về mất rồi. Tối qua, mấy bạn đó ra ngoài kia thuê đĩa về xem trên laptop. Những bạn này còn dẫn em đi uống cà phê. Buồn cười nhất là cách đây mấy hôm, có năm người bạn của em bị dương tính với H1N1 nhưng vẫn trốn viện vào quán net rồi đóng kín cửa lại. Chủ quán nói “có ai bị cúm đâu mà các cậu phải bịt thế này”, thế là các bạn ấy tháo hết khẩu trang ra. Sau này em hỏi vì sao làm thế, các bạn ấy nói ai “đen” thì phải chịu! Mỗi lần bác sĩ vào hỏi nhiệt độ, các bạn ấy cứ sờ tay lên trán rồi nói: “Bảo hộ bác sĩ là tao 36 độ nhé, tao 35 độ nhé”. Có bạn vào đây từ hôm thứ năm nhưng vẫn chưa xét nghiệm được, vì bác sĩ không tìm được bạn ấy, tới hôm qua mới lấy được máu để xét nghiệm. Việt Dũng – Phan Hương
|
Phản hồi | Gởi cho người khác | In tin | Về đầu trang |
No comments:
Post a Comment