(Ảnh minh hoạ - RAV) |
"Cậu ấm cô chiêu" nay đã biết sống hoà đồng cùng tập thể, biết chia sẻ việc nhà với những sinh viên khác
Cậu ấm đi cọ toalét
Ở Việt Nam, "ấm" là "con cốp", nhà mặt phố rộng thênh thang, bố làm to. "Ấm" du học Úc đã được hơn năm năm và đã có PR (thường trú) nhưng ra trường vào đúng thời điểm kinh tế suy thoái, chưa xin được việc làm nên đành đi làm tạm công việc quét dọn văn phòng.
"Ấm" bảo rằng chuyện đó "nhỏ như con thỏ" vì từ hồi du học đến giờ "ấm" cũng đã từng trải qua rất nhiều việc làm thêm khác nhau, kể cả công việc phụ bếp tương đối nặng nhọc so với vóc dáng thư sinh "trói gà không chặt".
Thời gian đầu sang Úc, "ấm" toàn ra ngoài "cơm hàng cháo chợ" nhưng sau đó thấy xót tiền nên tự đi chợ và nấu nướng. Bố mẹ sẵn sàng gửi tiền sang để "ấm" chuyên tâm vào học hành nhưng cậu tự thấy mình nay đã trưởng thành nên không muốn xin tiền nữa, thay vào đó là đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống.
Trước đây "ấm" là "gà tồ", thậm chí còn không phân biệt nổi các loại thịt cá, rau quả, hàng ngày thu mình trong "vương quốc riêng" với đầy đủ tiện nghi hiện đại, bàng quan với công việc gia đình và bình thản đi giày bẩn qua mặt Ôsin đang lúi húi lau dọn. "Âậm" nay đã học được cách tính toán, chi tiêu, biết sống hoà đồng cùng tập thể, biết chia sẻ việc nhà với những sinh viên khác.
"Cô chiêu" cũng là "thiên kim tiểu thư" trong một gia đình danh giá, đi đâu có người đưa đón, cuộc sống "êm đềm trướng rủ màn che" trong nhung lụa và tuyệt nhiên chưa bao giờ phải đụng tay vào việc nhà. Trong thời gian học ở Úc, "cô chiêu" đã từng đi bán hàng, đếm xe, xếp thức ăn vào hộp trong một hiệu bán đồ ăn nhanh.
"Cô chiêu" tốt nghiệp thương mại và hiện đang làm tiếp tân trong một công ty nhập khẩu với mức lương khởi điểm khá thấp so với mặt bằng chung. "Cô chiêu" cho biết tuy tiền lương chỉ đủ để chi tiêu và mua vé máy bay về thăm gia đình hàng năm nhưng cô cũng tạm hài lòng vì ít ra cô đã biết sống tự lập, biết lo toan cho cuộc sống của chính mình.
Những "cậu ấm cô chiêu" như thế không phải là hiếm. Gia đình giàu có, quyền thế, bản thân lại học hành tới nơi tới chốn cộng với vốn ngoại ngữ khá, họ có một bệ phóng vững chắc khi trở về nước làm việc, thế nhưng một số người vẫn muốn ở lại Úc.
"Con cái đặt đâu, cha mẹ ngồi đó"
Tuấn, một công tử thuộc hàng 4C - "con cháu các cụ", cho biết bố mẹ không đồng ý cho cậu ở lại vì "ở nhà sướng gấp trăm lần, lại được nâng đỡ trong sự nghiệp". Bố mẹ Tuấn không muốn con vất vưởng, không có công ăn việc làm nơi đất khách nên "dụ" sẽ mua cho nhà mới, xe mới, miễn là cậu đồng ý quay về nhưng Tuấn vẫn không đồng ý. Bạn hóm hỉnh: "Chỉ nguyên việc em không nghiện ngập, hút sách thôi là bố mẹ em đã mừng rơi nước mắt rồi. Huống hồ còn biết là em ở bên này chăm chỉ đi làm thế này thì còn "ngất trên cành quất!".
Hạnh - con gái của một đại gia ở Hà Nội - kể lại, sau khi biết "cục cưng" ở Úc phải vất vả với công việc trái nghề, bố mẹ cô đã ra "nghị quyết" bắt cô phải về.Tuy nhiên cô vẫn quyết định ở lại, "về lúc nào chả được, có phải lo nghĩ gì đâu". Do đó, Hạnh có tâm lý rất thoải mái khi làm việc trái nghề vì nếu thích thì cô hoàn toàn có thể về nước để ăn sung, mặc sướng bất cứ lúc nào.
Hải là con một gia đình buôn bán, nhà mặt phố, bố không làm to nhưng giàu có. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ở Úc, anh đã về Việt Nam làm việc một thời gian nhưng rồi lại quay sang Úc. Hải cho biết anh đang xin mấy chỗ, kể cả việc đi đòi nợ thuê mà chả thấy nơi nào gọi. Khi được hỏi bố mẹ anh có ý kiến gì về việc quay sang Úc của anh, Hải cười to: "Không đồng ý nhưng cũng phải chiều thôi, thời buổi "con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy" mà".
Đi lên bằng đôi chân của mình
Với các mối quan hệ rộng rãi của bố mẹ, những "cậu ấm cô chiêu" hoàn toàn có thể có được một công việc tốt nếu trở về nước làm việc. Tuy không được gia đình ủng hộ nhưng tại sao họ vẫn quyết định ở lại Úc làm việc?
"Em chưa về vì không thích bị mọi người nói là có ô dù của bố", Tuấn tâm sự. Tuy nhiên lý do chính của Tuấn lại là "về nhà tất nhiên em sẽ tự đi xin được việc nhưng "ông già" em phátxít lắm, dân quân đội mà, bảo làm chỗ nào là phải vào chỗ đó".
Hạnh và Hải thì muốn đi làm để lấy kinh nghiệm ở nước ngoài. Theo hai bạn, nếu nhờ vào các mối quan hệ của bố mẹ thì cũng chỉ làm việc ở những công ty nhà nước mà thôi. "Làm bộ này, bộ nọ thì cũng phải mất ít nhất chục năm đầu pha trà, pha nước", Hải cho biết. Đã từng đi làm cho một bộ ở Hà Nội nhưng anh lại "nhảy" ra chỉ sau vài tháng làm việc vì "làm công ty nước ngoài lương cao hơn, lại đỡ phí vốn tiếng Anh".
Nhiều sinh viên cho biết rất thích môi trường làm việc năng động và thân thiện ở Úc. Hạnh chia sẻ "tớ chỉ là tiếp tân thôi nhưng cũng được mọi người quý mến và đối xử tốt lắm". Vì vậy, Hạnh dự định sẽ tiếp tục làm việc này để quen dần với môi trường công sở và nâng cao vốn tiếng Anh cũng như khả năng giao tiếp với khách hàng và điều này cũng giúp ích nhiều cho công việc chuyên môn sau này.
"Con nhà giàu vượt khó" là cái "mác" mà các bạn thường nói vui về mình. Tự lập và không ngại khó, ngại khổ, những người trẻ ấy vẫn đang tìm cơ hội để đi lên bằng chính đôi chân của mình.
No comments:
Post a Comment