- Sau đêm đập Z20 vỡ, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hàng chục hộ dân xã Hương Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã bị cả chục tấn cát, sỏi và xi măng “nuốt chửng”. Cả cánh đồng ngổn ngang như một đại công trường xây dựng.
Băng qua những con đường ngoằn nghèo, cuối cùng, chúng tôi cũng đã có mặt tại khu vực đập Z20 bị vỡ.
Từ xa nhìn lại, toàn cảnh đập Z20 như một đại công trường xây dựng ngổn ngang. Những tấm bê tông nặng hàng chục tấn không chịu được sức nước đã bị cuốn phăng, hất tung, nằm chềnh ềnh trên những thửa ruộng. Ruộng dân vừa cày bừa xong, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới đã bị “bồi đắp” bởi hàng chục tấn đá, sỏi.
Chỉ sau một đêm, hàng trăm tấn xi măng, cốt thép và đá sỏi đã "nuốt chửng" đồng ruộng của bà con. Nhiều khả năng, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp này không thể tiếp tục trồng lúa được nữa. Ảnh: Hoàng Sang.
Ông Cao Viết Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch thở dài: “Toàn bộ khu vực này trước kia là ruộng hết đấy. Chỉ sau một đêm, ruộng của người dân đã biến thành “sa mạc”, với toàn cát sỏi. Nếu không phải là người địa phương, không thể phân biệt được đâu là ruộng, đâu là đồi”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, ông Cao Viết Hòa lắc đầu: “Hơn 17.000m2 đất nông nghiệp không thể sử dụng được vì bị đá, sỏi vùi lấp. Thời gian sản xuất vụ hè thu thì sắp đến rồi, giờ có cải tạo ruộng đất cũng không kịp để bà con trồng lúa vào vụ tới. Chúng tôi sợ rằng diện tích này sẽ không trồng lúa được nữa vì để lấy hết khối lượng đất đá phủ lấp trên bề mặt ruộng đối với chúng tôi là không thể”.
Ông Cao Viết Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch khoát tay chỉ về khu vực ruộng biến thành "đại công trường" chỉ sau một đêm. Ảnh: Duy Tuấn.
Sau khi đập Z20 bị vỡ, chính quyền địa phương xã Hương Trạch đã làm báo cáo, kiến nghị lên UBND huyện xin kinh phí để cải tạo toàn bộ diện tích bị đất đá chôn vùi này. Khả năng, kinh phí để cải tạo số diện tích này là rất lớn nên hiện tại, huyện Huơng Khê vẫn chưa có động tĩnh gì.
Toàn bộ diện tích bị đá, sỏi vùi lấp chủ yếu tập trung ở xóm Bắc Lĩnh, xã Hương Trạch. 24 hộ dân nơi đây, nhà ít thì vài ba trăm mét vuông, nhà nhiều thì lên đến hơn ngàn mét vuông đất nông nghiệp bị sỏi đá phủ đầy, không thể gieo trồng được.
“Nạn nhân của Z20” dài cổ chờ… đói
Ông Đinh Thăng Long - Bí thư xóm Bắc Lĩnh, xã Hương Trạch dẫn chúng tôi đi lòng vòng ra cánh đồng trước nhà. Nếu ông không nói, chắc có lẽ chúng tôi cũng chẳng thể phân biệt được đâu là ruộng, đâu là đồi đá.
Một vùng đất mênh mông với ngổn ngang đá sỏi và xi măng, cốt thép. Ông xót xa: “Bình thường, người dân chúng tôi đã phải trầy trật lắm, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì may ra mới khỏi đói. Sau một đêm thức giấc, cả cánh đồng bạt ngàn mà chúng tôi đã cày bừa, chuẩn bị cho mùa vụ mới bỗng dưng thay hình đổi dạng. Sớm tinh sương, chạy ra cánh đồng, chỉ thấy những đá với sỏi. Cứ tình hình này thì không biết người dân chúng tôi sẽ sống ra sao đây”.
"Đói thì đầu gối phải bò. Tôi sợ rằng, nếu không có đất nông nghiệp để tiếp tục sản xuất, người dân lại tiếp tục lên rừng chặt gỗ" - ông Đinh Thăng Long, Bí thư xóm Hương Lĩnh cho hay. Ảnh: Hoàng Sang.
Rồi ông Long lo ngại: “Đói thì đầu gối phải bò. Tôi sợ rằng họ lại lên rừng chặt phá gỗ đem bán để sinh tồn qua ngày”.
Chị Hà Thị Thanh, dân tộc Mường – một “nạn nhân của Z20” cho hay: “Hiện chưa thấy cơ quan chức năng nào đả động đến các phương án để cải tạo toàn bộ diện tích bị đá, sỏi phủ lấp; cũng chưa thấy ai nói gì đến các phương án hỗ trợ cho người dân. Cả gia đình chúng tôi sống trông chờ vào mấy sào ruộng,giờ bỗng dưng lại không có đất để sản xuất nữa thì thử hỏi sống như thế nào đây”.
Cũng giống như chị Thanh, gia đình anh Đào Hồng Quân cũng đang trong tình trạng phấp phỏng, lo âu. Hơn 1.500m2 đất nông nghiệp của gia đình chị không thể gieo trồng được nữa vì bị đá, sỏi vùi lấp.
Gạt vội mồ hôi trên khuôn mặt đen sạm, hằn những vết chân chim, anh Quân buồn rầu: “Có lẽ từ bây giờ, cả gia đình đành phải rau cháo qua ngày, sống được ngày nào hay ngày đó”.
Sau một đêm, toàn bộ diện tích đã cày bừa bị đá, sỏi và bê tông "nuốt chửng". Người dân nơi đây mong muốn các cơ quan chức năng sớm có biện pháp để cải tạo toàn bộ diện tích này, tạo điều kiện cho bà con thoát khỏi "đại nạn Z20". Ảnh: Duy Tuấn.
Cải tạo lại toàn bộ diện tích lúa và hoa màu bị đất đá vùi lấp này
Đem những thắc mắc của người dân sau "sự cố Z20” thì được các cơ quan chức năng trả lời: đang trình lên tỉnh để xin ý kiến.
“Sắp tới, huyện Hương Khê sẽ phối hợp với Sở Tài chính Hà Tĩnh thành lập Hội đồng kiểm kê tài sản để thống kê thiệt hại và tìm biện pháp khắc phục. Đối với diện tích đất nông nghiệp bị sỏi, đá vùi lấp, chúng tôi sẽ tiến hành cải tạo trong thời gian sớm nhất. Ở những vùng đất không thể cải tạo, nhiều khả năng chúng tôi sẽ cho chuyển đổi cây trồng. Huyện cũng sẽ xem xét lại quỹ đất dự phòng của xã để bổ sung cho các hộ dân có diện tích đất bị vùi lấp” - ông Hoàng Hữu Diện – Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay.
Trong khi những “nạn nhân” của sự cố Z20 đang thấp thỏm sống trong chờ đợi và hy vọng chính quyền các cấp sớm có biện pháp để ổn định cuộc sống cho người dân thì các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đang loay hoay với việc đi tìm nguyên nhân vụ vỡ đập Z20.
No comments:
Post a Comment