Hội đàm cao cấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc là dấu hiệu hai nước tìm cách làm giảm bớt căng thẳng do khác biệt quyền lợi chiến lược.
Trước chuyến thăm sang Dehli của Ủy viên Quốc vụ viện, ông Đới Bỉnh Quốc, Trung Quốc đã phải bác bỏ một tin của báo Hong Kong rằng Bắc Kinh 'sẽ nhượng bộ' về biên giới.
Tờ Ming Pao ở Hong Kong hôm thứ Tư vừa qua chạy tin nóng rằng Trung Quốc có thể sẽ chấp nhận 28% phần lãnh thổ tranh chấp mà Trung Quốc cho là thuộc Khu tự trị Tây Tạng của họ.
Theo Tân Hoa Xã, bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoàn toàn bác bỏ tin này, cho nó là 'vô căn cứ'.
Trong cuộc họp cao cấp hai ngày 07-08 tháng Tám với Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ, ông M. K. Narayanan, vị khách Trung Quốc được nói đã bàn không chỉ về biên giới mà còn thảo luận các vấn đề quốc tế, khu vực 'cùng quan tâm'.
Nhưng như bình luận của báo Mỹ Wall Street Journal, gần như trong lĩnh vực nào hai bên cũng cạnh tranh, thậm chí căng thẳng với nhau.
Cạnh tranh mọi mặt
Trước hết là tranh chấp một phần đất tại bang Arunachal Pradesh, hậu quả của cuộc chiến 1962 khiến Ấn Độ bị thua, và cho đến nay Trung Quốc vẫn coi là một phần lãnh thổ của họ.
Sau đến quá trình Trung Quốc liên kết nhiều năm với Pakistan, đối thủ nặng ký của Ấn Độ từ Chiến tranh Lạnh đến giờ, nhằm 'bao vây' Dehli, ít ra là theo cách hiểu của nhiều nhân vật trong chính giới ở Tiểu Lục địa.
Khác biệt thể chế, một bên là nền dân chủ đông dân nhất thế giới theo mô hình Anh, một bên là chế độ cộng sản độc đoán lớn nhất thế giới, cũng khiến nhận thức của chính giới hai nước dễ xa hơn là dễ gần.
Quan hệ Ấn - Trung
30/12/1949: Ấn Độ công nhận nước Trung Quốc cộng sản
1954: Hai nước ký Nguyên tắc Chung sống Hòa bình
1962: Chiến tranh biên giới
2003: Thỏa thuận về tình trạng của Tây Tạng và Sikkim
2006: Mở lại Con đường Tơ lụa
Ấn Độ cũng bao dung chính phủ Tây Tạng lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người Trung Quốc cho là 'kẻ khích động lật đổ.'
Con đường cải tổ kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa hai bên cũng khác nhau, thậm chí tạo nguy cơ tiềm ẩn về xung khắc.
Ngay từ 2003, các tác giả Yasheng Huang và Tarun Khanna đã viết trên Foreign Policy rằng Trung Quốc chọn con đường thu hút tối đa đầu tư nước ngoài (FDI), chấp nhận để kinh tế bị lệ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia còn Ấn Độ chú trọng phát triển công nghệ nội địa.
Hệ quả là ngày hôm nay, Trung Quốc bị tác động mạnh của thị trường quốc tế, và sức cạnh tranh giảm so với sự vươn lên 'chậm mà chắc' của các công ty Ấn Độ.
Trung Quốc 'chiếm' các thị trường bên ngoài bằng hàng rẻ trong khi công nghệ thông tin của Ấn Độ chiếm vị trí cao hơn trong mạng dưới dịch vụ toàn cầu.
Ấn Độ cũng liên tục khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các 'chính sách bán phá giá' của Trung Quốc.
Trung Quốc thì phản đối việc Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) muốn bỏ tiền vào một dự án tại bang Arunachal Pradesh vì lý do tranh chấp lãnh thổ.
Nhưng nguy cơ xung đột tiềm tàng nhất vẫn là quân sự.
Theo Wall Street Journal, Ấn Độ tiếp tục nghi ngờ quan hệ chiến lược gần gũi của Trung Quốc với Pakistan, nhất là các hợp đồng gần đây Bắc Kinh giúp Islamabad xây dựng lò phản ứng hạt nhân và chế tạo phi cơ tiêm kích.
Giới phân tích quân sự Ấn cũng đã nhiều lần lên tiếng cho rằng Trung Quốc liên kết với các nước nhỏ trong vùng để lập vành đai 'bao vây' tầm hoạt động của hải quân Ấn Độ.
Nhà phân tích an ninh Ấn Độ Brajesh Mishra thì cho rằng quan hệ hạt nhân giữa Dehli và Washington là căn nguyên khiến Trung Quốc có thái độ 'thù địch'.
Nhưng về phía mình, Ấn Độ cũng phải tỏ ra không có ý đồ gì khi hạ thủy tàu ngầm hạt nhân đầu tiên mấy tuần trước.
Báo chí Ấn Độ vì thế thận trọng hơn trong việc đưa tin về chuyến thăm của ông Đới Bỉnh Quốc.
Cho đến nay, tờ Hindu Times mới chỉ đăng ảnh hai ông Narayanan và Đới Bỉnh Quốc bắt tay, chạy kèm một số thông tin chung chung.
Hai bên hiểu rằng cần hóa giải căng thẳng về mọi mặt, nhất là khi nhu cầu hợp tác, phát triển kinh tế khiến cả hai phải tính toán.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ thì đưa ra phát biểu thừa nhận hai bên có nhiều điểm 'lên và xuống' trong quan hệ và 'tranh chấp lãnh thổ', nhưng nói rằng hai quốc gia cũng 'chia sẻ trách nhiệm chung về lịch sử và chính sách phát triển kinh tế'.
No comments:
Post a Comment