BBCvietnamese
Quan chức địa phương cho hay 25 ngư dân Quảng Ngãi đã về nhà an toàn sau khi được Trung Quốc trả tự do.
Ông Nguyễn Dự , chủ tịch xã An Hải, huyện Lý Sơn, nói với BBC rằng 12 ngư dân ở xã này đã về đến nơi vào rạng sáng thứ Sáu 14/08.
"Sức khỏe của tất cả mọi người đều bình thường."
Ông Dự cũng cho biết tàu của Trung Quốc đã chở ngư dân về Việt Nam.
Các ngư dân An Hải bị bắt từ ngày 16/06 và bị giam trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa để đòi tiền chuộc cho tới khi được thả. Trung Quốc đã không thực hiện yêu sách tiền chuộc nhiều nghìn đôla.
Cùng với họ, 13 ngư dân của huyện Bình Sơn cũng đã về tới nhà. Những người này mới bị bắt hôm 01/08.
Tất cả đều bị cáo buộc vi phạm hải phận Trung Quốc khi bị bắt tại gần quần đảo Hoàng Sa.
Hôm 11/08 sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã được thông báo là "phía Trung Quốc đã thả tàu cá QNg 95031 và toàn bộ ngư dân Việt Nam, bao gồm cả 12 ngư dân của 02 tàu cá Quảng Ngãi mà họ đã tạm giữ trước đó".
Trong thông cáo ngắn đăng trên website Bộ Ngoại giao Việt Nam, bộ này cho hay "các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc để giải quyết các vấn đề còn tồn tại".
Hiện tại Hà Nội đang diễn ra cuộc đàm phán lãnh thổ cấp chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Không rõ có liên quan gì giữa cuộc họp sẽ kết thúc vào thứ Sáu với sự kiện ngư dân được trả tự do hay không.
Kênh ngoại giao
Tin cho hay hai đoàn đàm phán, dẫn đầu là hai thứ trưởng Vũ Đại Vỹ của Trung Quốc và Hồ Xuân Sơn của Việt Nam, đặt mục tiêu tìm "giải pháp lâu dài và cơ bản" cho vấn đề Biển Đông dựa trên Công ước quốc tế.
Trước mắt, hai bên cũng muốn tìm một cơ chế giải quyết tạm thời mà cả hai nước cùng chấp nhận được.
Trong tháng này, tại Đà Nẵng cũng sẽ diễn ra cuộc họp trù bị của Ủy ban Liên hiệp Nghề cá Việt – Trung lần thứ Sáu.
Ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng cục Khai thác và bảo vệ nguồn thủy sản Việt Nam cũng là chủ tịch Ủy Ban Liên Hiệp nghề cá Việt Trung, đã cảnh báo sẽ bỏ họp nếu Trung Quốc không thả ngư dân Việt Nam.
Trung Quốc chính thức cấm đánh bắt cá tại Biển Đông từ 16/05 tới 01/08 năm nay và đã điều tám tàu tuần tra để theo dõi giám sát khu vực rộng 128.000 km2 tại đây.
Diễn biến này được giới quan sát nhận định là sự khẳng định cứng rắn của Trung Quốc tại một vùng biển còn đang tranh chấp.
Việc Trung Quốc cấm đánh cá ở Biển Đông đặt ra câu hỏi về vị trí thực sự của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Ở trong nước cũng xuất hiện một nguồn dư luận yêu cầu ban lãnh đạo hiện nay phải lên tiếng mạnh hơn trước điều mà họ xem là "sức ép" của Trung Quốc đối với chủ quyền lãnh thổ.
Mới nhất, hồi tháng Bảy, một nhóm hàng chục nhà cách mạng lão thành và cựu chiến binh cũng gửi tâm thư cho Bộ Chính trị yêu cầu "đặt lên bàn nghị sự tất cả những vấn đề về thực trạng trong tổ chức Đảng và mối quan hệ quốc tế, nhất là Việt Nam – Trung Quốc".
No comments:
Post a Comment