Trần Vinh Dự 23/07/2009 |
Kiều hối là một phần hết sức quan trọng trong cán cân tài khoản vãng lai ở Việt Nam. Ý nghĩa đặc biệt của nó còn nằm ở chỗ Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn là một nước nhập siêu và vì thế cần nguồn ngoại tệ mạnh để bù vào khoảng trống trong cán cân thương mại.
Báo chí Việt Nam hồi giữa tháng 7 mới đưa tin cho biết lượng kiều hối đổ vào Việt Nam năm nay có thể lên tới khoảng $5.8 tỉ tới $6 tỉ Mỹ kim. So với lượng kiều hối của năm ngoái ($7.2 tỉ) thì kiều hối đổ vào Việt Nam năm nay giảm khoảng 20% .
Ngân hàng Thế giới trong một báo cáo hồi giữa tháng 6 nhận xét về khoản kiều hối này như sau:
“Ở các nước Đông Á khác, kiều hối thường do lao động làm việc ở nước ngoài gửi về cho gia đình. Sinh kế của nhiều người lao động như vậy đang gặp rủi ro do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và do đó kiều hối dự báo sẽ bị ảnh hưởng theo. Ở Việt Nam, kiều hối phần nhiều do cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài lâu năm gửi về, những người này tương đối khá giả và hiện nay đang đầu tư về nước, đôi khi gắn với kế hoạch nghỉ hưu của họ. Do vậy dòng kiều hối có thể sẽ giảm ít hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.”
Thế nhưng cũng theo số liệu của ngân hàng thế giới thì kiều hối đổ vào các nước đang phát triển trong năm 2009 sẽ vào khoảng $304 tỉ Mỹ kim, giảm từ 7% tới 10% so với năm ngoái (báo cáo Migration and Development Brief, July 2009 ). Báo cáo này cũng nhìn nhận:
“Kiều hối không giảm nhiều vì mặc dù luồng lưu chuyển lao động mới đã giảm đi nhưng số lao động di cư từ trước hầu như không bị ảnh hưởng gì từ cuộc khủng hoảng.”
Rõ ràng là 2 báo cáo nêu trên của Ngân hàng thế giới có sự mâu thuẫn. Kết hợp với số liệu về kiều hối mà Việt Nam vừa công bố thì:
1. Hai báo cáo này nhận định ngược nhau. Báo cáo số một thì nói “kiều hối thường do lao động làm việc ở nước ngoài gửi về cho gia đình. Sinh kế của nhiều người lao động như vậy đang gặp rủi ro do khủng hoảng kinh tế toàn cầu” trong khi đó báo cáo số 2 thì lại nói “Kiều hối không giảm nhiều vì mặc dù luồng lưu chuyển lao động mới đã giảm đi nhưng số lao động di cư từ trước hầu như không bị ảnh hưởng gì từ cuộc khủng hoảng.” Thế mới biết dân nghiên cứu kinh tế đôi khi cũng hay ăn ốc (nói mò) và thi thoảng kiêm luôn nghề thày bói xem voi.
2. Kiều hối vào Việt Nam trong năm 2009 giảm sâu hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (20% so với từ 7% tới 10%). Sự trênh lệch này có lẽ là một sự bí ẩn khó giải thích?
No comments:
Post a Comment