TTCT - Từ năm 2005 trở lại đây, hầu hết các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đua nhau quy hoạch xây dựng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp vì cho rằng đó là cứu cánh của kinh tế địa phương. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn “công nghiệp” đã làm môi trường sinh thái đặc trưng của vùng bị hủy hoại nghiêm trọng, trong khi phần lớn KCN bị bỏ hoang, thu hút đầu tư kém...
Khu công nghiệp Mỹ Tho (Tiền Giang) được xây dựng bên cạnh sông Tiền. Gần chục năm nay các nhà máy ở đây vô tư xả nước thải chưa qua xử lý xuống con sông này - Ảnh: Vân Trường
>> Phải tăng thuế tài nguyên
>> Để thất thoát tài nguyên là tội ác
Theo ông Phan Thành Phi - trưởng Ban quản lý các KCN Long An, tỉnh quy hoạch 7.400ha đất ở những nơi không sản xuất nông nghiệp được để làm công nghiệp. Đến nay đã có 15/19 KCN được cấp chứng nhận đầu tư, trong đó đã bồi thường giải phóng mặt bằng 4.500ha, xây dựng hạ tầng 3.000ha nhưng chỉ mới có 20% diện tích được lấp đầy.
Ngoài ra tỉnh này còn có 43 cụm công nghiệp với diện tích khoảng 7.000ha nữa. Nhưng hiện chỉ mới có vài cụm hoạt động hiệu quả, phần lớn đang trong tình trạng... chưa làm gì! Ông Phi thừa nhận phải rất lâu nữa mới có thể xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các KCN và có thể phải xóa nhiều cụm công nghiệp “treo”.
Và ngay cả các KCN đang hoạt động cũng chưa có hệ thống cấp nước sạch phục vụ sản xuất. Ngân sách tỉnh không có, nhà đầu tư cũng không, tỉnh buộc phải cho phép doanh nghiệp khai thác nước ngầm dù biết điều đó sẽ phá vỡ quy hoạch bảo vệ tầng nước ngầm quý giá cũng như làm ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Chạy theo phong trào
Ông TRẦN HỮU HIỆP cho biết đến cuối năm 2008, ĐBSCL có 151 KCN tập trung. Tuy nhiên tỉ lệ lấp đầy diện tích đất các KCN trong vùng ước đạt 34%, thậm chí có KCN chỉ mới sử dụng 5% diện tích. Rất nhiều KCN giải tỏa xong thì bỏ đó chờ xây dựng hạ tầng, chờ nhà đầu tư.
Đánh giá về việc phát triển khu - cụm công nghiệp tại ĐBSCL thời gian qua, ông Trần Hữu Hiệp - phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ - nói: “Phát triển KCN của vùng ĐBSCL thời gian qua chủ yếu là làm theo phong trào, tỉnh nào cũng có KCN để chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà chưa thật sự dựa vào lợi thế so sánh của từng địa phương, chưa gắn kết tốt giữa quy hoạch với bảo vệ môi trường. Những dự án đóng tàu, bột giấy, dệt nhuộm... ở nơi khác dạt ra thì ĐBSCL đón. Hậu quả là trong cơn khát thu hút đầu tư thì các tỉnh này đã ôm phải luồng công nghiệp ô nhiễm”.
Long An và nhiều tỉnh khác đang bở hơi tai giải quyết nạn ô nhiễm phát sinh từ ngành công nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thiệp, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Long An, than thở: “Trước đây có nhiều nhà đầu tư đến Long An, tỉnh rất mừng nên thiếu cân nhắc lựa chọn ngành nghề đầu tư. Hậu quả là mấy năm nay dân kêu ca chuyện ô nhiễm quá trời. Bây giờ chỉ việc kiểm tra, giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp cũng đủ đuối”.
Chỉ trong chín tháng đầu năm 2009 thanh tra sở đã phát hiện, xử phạt tới 107 doanh nghiệp vi phạm về môi trường, xử phạt hành chính hơn 1,6 tỉ đồng. Trong đó có 25 doanh nghiệp vi phạm nhiều lần đã bị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động vô thời hạn, chủ yếu là ngành luyện nhôm, luyện thép, dệt nhuộm, giết mổ gia súc gia cầm. Nếu KCN được lấp đầy, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ còn nhức nhối hơn nữa.
Tại TP Cần Thơ, bí thư Thành ủy Nguyễn Tấn Quyên cho biết ngành chế biến nông thủy hải sản chiếm 98% tổng sản lượng công nghiệp của TP. Tuy nhiên đây cũng là ngành bị người dân phản ảnh gây ô nhiễm cần phải quyết liệt chấn chỉnh, nếu không chắc chắn sẽ để lại hậu quả rất lớn cho con cháu sau này.
Tỉnh Tiền Giang cũng vì lao vào “cuộc đua” phát triển khu - cụm công nghiệp nên sẵn sàng cho phá 590ha rừng phòng hộ tại huyện Gò Công Đông để phát triển công nghiệp. Đến khi dư luận lên tiếng phản đối thì tỉnh vội vã trấn an bằng cách... hứa sẽ bỏ tiền ra trồng rừng và xây dựng thêm một con đê phía trong để... phòng đê chính bị vỡ!
Và mặc dù đã thẳng tay đốn bỏ hơn 200ha rừng phòng hộ để san lấp mặt bằng nhưng hai năm nay Vinashin phía Nam vẫn “án binh bất động” với khu đất quy hoạch cụm công nghiệp tàu thủy tại xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Người dân địa phương “lên ruột” mỗi khi nghe tin áp thấp nhiệt đới hoặc bão vì nguy cơ “mặn hóa” vùng ngọt hóa phía sau cánh rừng vừa bị “tàn sát”.
Công nghiệp không là cứu cánh
Trong 10 năm qua (1998-2008) việc thu hút đầu tư ở khu vực ĐBSCL khá thấp, chỉ đạt 7,9 tỉ USD. Ngoại trừ ba tỉnh có tốc độ thu hút đầu tư tương đối khá là Long An, Kiên Giang và Cần Thơ (chiếm 80% toàn vùng), chưa có tỉnh nào đạt yêu cầu. Trong ba tỉnh đứng đầu toàn vùng thì Kiên Giang chiếm 36% nhưng chủ yếu dựa vào lợi thế đảo Phú Quốc; Long An (khoảng 37%), một phần giá trị mang lại là khu công nghiệp phía bắc sông Vàm Cỏ, phần lớn dựa vào lợi thế gần vành đai TP.HCM và 10% còn lại là Cần Thơ với khu công nghiệp đang có.
Đề cập “cuộc đua” xây dựng khu - cụm công nghiệp ở ĐBSCL, ông Nguyễn Tấn Quyên nói: “Chúng ta đã trải qua thời gian dài chưa hình dung, chưa hiểu hết hai chữ “bền vững” của sự phát triển như thế nào. Do đó có nơi, có lúc chúng ta đã nóng vội phát triển công nghiệp tự phát không tuân theo quy hoạch. Và đổi lại chúng ta phải hứng chịu hậu quả lâu dài. Do đó việc đánh giá chính xác lợi thế của địa phương để quy hoạch, đầu tư phát triển bền vững chính là khâu quyết định”.
Tại hội thảo chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Bến Tre mới đây, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo vùng đất ĐBSCL có hệ sinh thái và môi trường rất đặc biệt. Nếu không quan tâm gìn giữ món quà của thiên nhiên ban tặng thì chắc chắn thế hệ sau sẽ lãnh hậu quả thảm họa môi trường.
Khi tỉnh Bến Tre định hướng sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp đến năm 2020, TS Phạm Thị Ngọc Mỹ, hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, góp ý: “Phát triển công nghiệp tràn lan sẽ không có lợi mà ngược lại sẽ trả giá về môi trường. Cần phải phát huy tối đa lợi thế của địa phương thay vì chạy đua tăng tỉ trọng công nghiệp”. Lợi thế của Bến Tre, theo TS Mỹ, chính là môi trường sinh thái trong lành chưa bị tổn hại và vùng cây ăn trái lớn nhất nhì ĐBSCL rất thuận lợi để phát triển du lịch, dịch vụ và nông nghiệp kỹ thuật cao.
GS-TS Nguyễn Thanh Tuyền, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - tài chính, cho rằng các tỉnh ĐBSCL sẽ khó tìm thấy những bước nhảy vọt về kinh tế nếu kỳ vọng quá lớn vào công nghiệp. Ông cho rằng thế mạnh của nhiều tỉnh ĐBSCL chính là thương mại và dịch vụ về du lịch, xuất khẩu hàng hóa nông sản, thông tin liên lạc, giao thông vận tải, y tế, giáo dục đang phát triển nhanh.
Cho rằng các tỉnh ĐBSCL không nên chạy theo công nghiệp bằng mọi giá, GS Trần Đình Bút - nguyên viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương - khẳng định tỉnh Bến Tre và một số tỉnh khác có thế mạnh “trời cho” chính là vùng đất lý tưởng để phát triển nông nghiệp toàn diện, cả trồng trọt và chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu về lương thực - thực phẩm ngày càng lớn của thế giới.
VÂN TRƯỜNG - QUANG VINH
No comments:
Post a Comment