- Chỉ tính riêng 6 dự án thuỷ điện đã làm như A Vương, Sông Tranh, Đắk Mi, Khe Diên, Sông Kôn, Trà Linh đã "xoá sổ" hơn 6.000ha rừng.
Người dân ngơ ngác không biết phải về đâu trước các dự án thuỷ điện? |
Hiệu quả nhỏ, thiệt hại quá lớn!
Trong cuộc giao ban của Ban Dân tộc và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh với Thường trực HĐND các huyện miền núi về tình hình triển khai xây dựng các công trình thủy điện tại địa phương (từ 19 đến 23/11) sau khi có ý kiến chất vấn của cử tri tại các cuộc họp.
Để đánh giá thực chất của các dự án thuỷ điện, Ban Dân tộc và kinh tế ngân sách của HĐND tỉnh muốn nghe ý kiến của chính quyền cơ sở về ảnh hưởng của các dự án thủy điện đối với tình hình kinh tế - xã hội, môi trường, giải quyết an sinh cho nhân dân trong vùng dự án.
Ông Đinh Thái Long, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang đại diện cho cử tri của huyện khẳng định: hiệu quả từ thuỷ điện mang lại ít nhưng thiệt hại thì quá lớn.
Đến thời điểm này, những hậu quả mà các dự án thuỷ điện ở Đông Giang như A Vương, Za Hung, Sông Kôn…vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Với thuỷ điện A Vương, mỗi năm ngân sách thu được khoảng 5 tỷ đồng nhưng hàng ngàn ha rừng bị mất, đời sống của hơn 300 hộ dân vẫn chưa được ổn định được, ông Đinh Thái Long nói.
Dân tại khu tái định cư Pachepalanh và Cútchơrun đang trong giai đoạn "tái nghèo" vì không đất sản xuất, nhà cửa bị hư hỏng nặng sau hơn 4 năm bàn giao...
Đa số ý kiến của các địa phương các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn cho rằng có quá nhiều công trình thủy điện trên địa bàn miền núi. Nhất là các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã làm nảy sinh nhiều vấn đề về kinh tế và an sinh xã hội.
Với các dự án đã và đang triển khai, các vấn đề nổi cộm về xây dựng hạ tầng tái định cư, mất rừng, không có đất sản xuất, ô nhiễm môi trường, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên, phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân trong vùng dự án chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ tái nghèo.
Dân đòi ngừng làm thuỷ điện!
Thuỷ điện Sông Tranh II đã "xoá sổ" hơn 2.000ha rừng và đất canh tác, chiếm đất của gần 1.000 hộ dân |
Đại biểu các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức rất bức xúc với việc chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện kiểm kê, bồi thường, tái định cư cho dân trong vùng dự án theo kiểu tùy tiện, không hề có sự tham gia của chính quyền địa phương, thậm chí có huyện còn yêu cầu không cho đóng điện, ngừng triển khai dự án!
Không riêng gì HĐND mà Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh và các sở ban ngành Quảng Nam đã lên tiếng yêu cầu cần có sự qui hoạch sắp xếp lại mạng lưới thuỷ điện đã được qui hoạch và phê duyệt.
Hiện trên địa bàn miền núi của tỉnh Quảng Nam có hơn 110 dự án thuỷ điện lớn, vừa và nhỏ đã được qui hoạch và triển khai xây dựng.
Chỉ tính riêng 6 dự án thuỷ điện đã đưa vào vận hành và đang khởi công như A Vương, Sông Tranh, Đắk Mi, Khe Diên, Sông Kôn, Trà Linh đã "xoá sổ" hơn 6.000ha rừng.
Hậu quả trong cơn bão lũ số 9 vừa qua đã nhấn chìm hàng trăm nghìn hộ dân nơi vùng hạ lưu.
Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ rà soát và xem xét lại các dự án thuỷ điện. Nếu dự án nào không hiệu quả và ảnh hưởng đến dân sinh sẽ ra quyết định thu hồi.
Đến thời điểm này, Quảng Nam đã ra quyết định thu hồi 9 dự án thuỷ điện do ảnh hưởng đến dân sinh và không hiệu quả.
- Vũ Trung
No comments:
Post a Comment