Với mức tăng trưởng ngoạn mục nửa cuối năm, GDP của thủ đô tăng xấp xỉ 6,7% và đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2009 đạt 32 triệu đồng.
Báo cáo với Thành ủy Hà Nội sáng 25/11, Phó chủ tịch UBND thành phố Phí Thái Bình cho biết, trong 2 quý cuối năm, GDP của thủ đô lần lượt tăng 8,3% và 9%. Mức tăng ngoạn mục trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế góp phần đưa tổng sản phẩm nội địa của Hà Nội ước tăng 6,7% so với năm 2008 và cao hơn mức 6% dự kiến. Tương ứng, thu nhập bình quân của người dân thủ đô đạt 32 triệu đồng (kế hoạch 30 triệu đồng).
Trong năm 2010, Hà Nội kỳ vọng mức tăng GDP đạt 9-10% hoặc cao hơn, đưa thu nhập bình quân đầu người vượt 36 triệu đồng.
Trong năm khủng hoảng, ngành dịch vụ vẫn đạt mức tăng 7,4%, góp phần kéo GDP của thủ đô cao hơn mong đợi. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, theo ông Bình, lĩnh vực văn hóa xã hội, an ninh trật tự... của thủ đô cũng đạt kết quả khả quan. Trong năm 2009, Hà Nội chi 58 tỷ đồng hỗ trợ xây lại hơn 3.800 nhà dột nát, hỗ trợ hơn 20.000 hộ thoát nghèo. Quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị - nông thôn có nhiều chuyển biến như tỷ lệ cấp phép xây dựng đạt 92% (so với 60% năm 2006)...
Trước những kết quả đạt được trong năm 2009, nhiều lãnh đạo cấp quận, huyện cũng bày tỏ sự hài lòng. Theo ông Lê Văn Hoạt, Bí thư huyện ủy Mê Linh, trong lĩnh vực kinh tế, ấn tượng nhất nằm ở khu vực dịch vụ khi mức tăng 7,4% của ngành này lần đầu tiên vượt công nghiệp và xây dựng.
Tuy nhiên, ông Hoạt bày tỏ sự băn khoăn khi đề cập tới lĩnh vực "nóng" là quản lý quy hoạch các vùng đang đô thị hóa. "Nếu không quản lý tốt quy hoạch, Hà Nội sẽ tiếp tục gặp phải những vướng mắc", ông Hoạt nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác tỏ ý chưa hài lòng với cải cách hành chính, các thủ tục rườm rà của thủ đô cũng như lĩnh vực vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh... Theo ông Lê Hồng Thăng, Bí thư quận ủy Hà Đông, cơ chế liên ngành mà Hà Nội đang thực hiện khi đưa ra những quyết định liên quan tới nhiều cơ quan khiến các vụ việc được xử lý rất chậm. Các cơ quan liên ngành nhiều lúc chỉ cử chuyên viên đi dự họp, không có thẩm quyền ra quyết định khiến nhiều vụ việc đáng lẽ có thể thông qua nhanh chóng thì lại bị "ngâm" hàng tháng trời.
"Vụ việc do cơ quan nào chủ trì thì cơ quan đó được tự quyết định, chỉ xin ý kiến của những đơn vị liên quan. Có như thế mới kịp thời ra quyết định để trả lời cử tri", ông Thăng đề nghị.
Ghi nhận những ý kiến này, lãnh đạo Hà Nội thừa nhận, thành phố còn nhiều tồn tại về quản lý đất đai, trật tự đô thị, xử lý môi trường... "Hà Nội còn thiếu sót, bất cập trong cải cách thủ tục hành chính ở một số ngành, cấp trong giải quyết những bức xúc của doanh nghiệp, người dân", ông Phí Thái Bình thừa nhận.
Nguyễn Hưng
No comments:
Post a Comment