Đối tượng làm họ phát khóc nhiều nhất chính từ những người khách hàng bỏ tiền ra thuê họ. Trong mắt những người này, nữ sinh được trả tiền đến nhậu thuê như một món "hàng họ" nên họ cũng không ngại ngần có những hành vi, ứng xử xúc phạm.
Ngọc, sinh viên trường ĐH Văn Lang theo nghề nhậu thuê hơn một năm nay cho biết không ít lần giữa bữa nhậu cô phải lẻn vào nhà vệ sinh ngồi khóc vì thấy mình bị xúc phạm. "Lần đó, mình thuê cho nhóm khách hàng bên lĩnh vực bất động sản, có gã bổ vào người mình rồi đòi ôm hôn… Sau này mình biết đã nhậu thuê chuyện này là bình thường. Nhưng còn nhiều trường hợp khác…".
Ngọc nói tiếp, kể lại mà như muốn khóc: "Lần khác, nhậu trên đường Cống Quỳnh có khách hàng còn "hồn nhiên" đặt tay lên… mông mình. Lên tiếng, phản ứng chỉ thêm bẽ mặt nên mình chỉ biết cắn môi im lặng. Muốn khóc cũng đâu có nổi".
Những nữ sinh nào đã làm nghề này, gặp tình huống như Ngọc và Hương kể cũng chẳng có gì phải phàn nàn vì nó đã như "một phần tất yếu" trong nghề.
"Đôi lúc mình muốn tỏ ra nghiêm túc cũng không có được vì đơn giản người ta bỏ tiền rủ mình đến đây để lấy tiếng cười. Những hành vi của khách hàng, tránh sao được sàm sỡ miễn là mình phải tỉnh táo để giữ mình…", Ngọc nói.
Ngọc kể về trường hợp của Hoài, cô bạn cũng làm nghề nhậu thuê Ngọc quen khi cả hai cùng "tiếp" một bữa nhậu. "Trong lần nhậu đêm cho khách, Hoài quá chén… Hôm sau tỉnh dậy Hoài đã ở trong phòng khách sạn với một khách hàng… Sau lần đó, Hoài bỏ nghề. Nghe đâu còn chia tay với bạn trai nữa".
"Hầu hết khi theo nghề này bọn em đều có quy định chỉ uống trong định mức nhất định nào đó để còn "giữ mình". Nhưng đã chơi với rượu thì không thể nói trước được điều gì". Đối mặt với nguy hiểm của nghề như thế nhưng đến thời điểm này, Ngọc vẫn tiếp tục "bám" nghề vì theo cô, nếu có bản lĩnh lường trước những tình huống có thể đến để tránh thì đây là một nghề rất thú vị.
Ngọc khẳng định: "Nghề này không chỉ cho em một cuộc sống khá đầy đủ, em còn có tiền gửi về cho em út ở nhà ăn học mà nó cũng có cái hay. Trong các bữa nhậu, chủ yếu là trao đổi, thương thảo công việc, mình học được cách giải quyết tình huống, cách xử lý khúc mắc rất hay mà các nghề khác không thể có được".
Với những nữ sinh "kết" nghề này, hầu hết đều có chung thêm một nỗi buồn mà ít người muốn nhắc đến: chuyện yêu đương.
Mai, ĐH Văn Hiến từng nghĩ rằng mình may mắn khi có người bạn trai có thể thông cảm cho công việc của mình. Bạn trai Mai học trường ĐH Giao thông, ăn học cũng nhờ vào tiền Mai kiếm được bằng nghề nhậu thuê. Thế nhưng, cách đây ba tháng, anh chàng nói chia tay. Mai đã nói, cô sẽ bỏ việc nhưng anh chàng lắc đầu vì: "Em đã làm nghề cả năm nay rồi, giờ bỏ nghề cũng đâu nghĩa lý gì".
"Đã xác định làm thêm bằng nghề này thì đừng dây dưa đến chuyện yêu đương, chỉ thêm nhục. Thằng người yêu của em đúng là loại "ăn cháo đá bát", lúc đang nhờ cậy vào mình thì xun xoe lắm, giờ thì phủi tay phỉ báng…".
Hoài Nam
No comments:
Post a Comment