Kinh doanh thua lỗ, cộng với thị trường chứng khoán khủng hoảng, giá nhiều cổ phiếu đã tụt thấp xa mệnh giá. Có mã chỉ còn khoảng 2.000 đồng một cổ phiếu, thấp hơn giá một mớ rau muống ngoài chợ cóc.
> Chúng khoán giảm sâu vì áp lực giải chấp
> Đại gia chứng khoán trốn cổ phiếu
Kết thúc phiên giao dịch sáng 27/5, VTA (Công ty cổ phần Vitaly) tiếp tục lao dốc bất chấp sự đảo chiều mạnh mẽ của Vn-Index và tăng trần của nhiều mã cổ phiếu trên thị trường. Giá chứng khoán này chỉ còn 2.100 đồng một cổ phiếu (giảm 4,5%).
Mức giá của VTA chỉ tương đương với một mớ rau muống thường được bán ở chợ cóc tại vùng xa trung tâm Hà Nội. Nếu là loại rau muống ngon được bán trong siêu thị thì giá còn gấp 3-4 lần so với VTA.
Giá nhiều cổ phiếu còn rẻ hơn cả mớ rau ngoài chợ cóc. Ảnh minh họa: Tuệ Minh |
Trên thị trường hiện nay, những cổ phiếu thuộc diện "rẻ hơn mớ rau" như VTA có tới hàng chục mã. Trong số này có thể kể đến FPC (Công ty Full Power) 2.400 đồng một cổ phiếu; CYC (Công ty gạch men Chang Yih) 4.000 đồng; TRI (Công ty Tribeco) 3.900 đồng; SVS (Công ty chứng khoán Sao Việt) 2.900 đồng; PHS (Công ty chứng khoán Phú Hưng) 4.100 đồng...
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán bình luận, mức giá cổ phiếu rẻ hơn cả mớ rau phản ánh đúng tình hình cung cầu trên thị trường. Hầu hết công ty thuộc nhóm này đều thua lỗ lớn, đặc biệt là các tổ chức chứng khoán. Với các mã chứng khoán khác, thua lỗ liên tiếp là nguyên nhân dẫn tới việc nhà đầu tư gần như tháo chạy khỏi những cổ phiếu này.
Trong số các mã chứng khoán giá dưới 4.000 đồng, VTA có hoạt động kinh doanh thua lỗ liên tục (lũy kế là -90,3 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu bị âm 20 tỷ đồng và sẽ bị hủy niêm yết vào 2/6 tới.
Tương tự, FPC lỗ 3 năm liên tục từ 2008 - 2010; trước đó chứng khoán này đã bị ngưng giao dịch tới 7 tháng. Công ty cũng chưa nộp báo cáo tài chính quý I/2011, chưa tổ chức HĐCĐ thường niên. Với SVS, dù đặt lợi nhuận trước thuế là 11,5 tỷ đồng trong năm 2011 nhưng trong quý I, số lỗ của công ty đúng bằng mức lợi nhuận dự kiến. Với TRI, năm 2010, công ty lỗ 62 tỷ đồng ở hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu năm nay công ty báo lỗ thêm 9 tỷ đồng.
Bên cạnh các mã chứng khoán nêu trên, còn có các cổ phiếu như: TLC (Công ty Viễn thông Thăng Long), SHC (Công ty Hàng Hải Sài Gòn). CAD (Công ty chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản), PDC (Công ty Du lịch Dầu khí phương Đông)... đều có mức giá khoảng 3.800 đồng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phạm Đức Thắng - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kenaga nhận xét: "Thị trường chứng khoán đang lâm vào khủng hoảng là nguyên nhân quan trọng khiến giá nhiều cổ phiếu tụt dốc quá mức. Tuy nhiên, với những công ty thua lỗ liên tiếp thì mức độ sẽ lớn hơn bởi cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt còn giảm giá mạnh chưa nói đến thua lỗ".
Chuyên gia chứng khoán này cho rằng, thị trường có nhiều sự lựa chọn cho nhà đầu tư ở những mã chứng khoán tiếp tục làm ăn có hiệu quả mà giá cũng thấp. Vì thế, những cổ phiếu thua lỗ liên tiếp, bị cảnh báo sẽ càng lâm vào thế bất lợi. "Cũng vì thế, việc có cổ phiếu rẻ hơn cả mớ rau cũng là chuyện bình thường", ông Thắng nói.
Còn chị Hằng, một nhà đầu tư cỡ bự tại Hà Nội thì cho biết, một vài loại cổ phiếu có giá chỉ vài nghìn đồng vẫn được một số người chọn mua bởi những nhà đầu tư này "thích cảm giác mạnh". "Tôi cũng có vài lần thử mua bởi giá của nó có vài nghìn đồng, mình bỏ ra khoảng 300.000 đồng đã mua được cả trăm cổ phiếu. Đánh thử tí cho vui cũng chẳng sao", chị này cho biết.
Lãnh đạo một quỹ đầu tư lớn tại Hà Nội thì tiết lộ, một số loại cổ phiếu lỗ nhưng giá trị sổ sách của họ vẫn lớn gấp vài lần giá thị trường nên đây là cơ hội của những công ty muốn mua thâu tóm. "Đối với một số công ty, nếu mua được cổ phần chi phối, rồi hủy niêm yết và bán tài sản thì lợi nhuận sẽ không nhỏ", ông này chia sẻ.
Thanh Hoa - Hoàng Ly
No comments:
Post a Comment