Địa ốc Hà Nội trầm lắng là lúc nhà đầu tư nhỏ lẻ âm thầm gom hàng giá rẻ, đón đầu thời điểm thị trường phục hồi. |
Đất Đông Anh được nhà đầu tư chia thành các lô nhỏ để bán. Ảnh: Hoàng Lan. |
Tại khu vực một thời làm mưa làm gió như Đông Anh, Long Biên, Sóc Sơn, các nhà đầu tư cắt lô nhỏ để dễ bán. Anh Vũ Quang, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, đất ở khu vực trung tâm bị đẩy lên quá cao nên đích ngắm của nhiều người vẫn là khu vực vùng ven, nơi giá vẫn còn ở mức "chấp nhận được".
Anh Quang cho hay, anh và 2 người bạn vừa góp tiền mua 5 lô đất ở khu vực xã Xuân Nội, Đông Anh với diện tích 30-40 m2 với giá trên 500 triệu đồng mỗi lô. Nguyên tắc bám sát các trục đường lớn đón đầu quy hoạch, vẫn được áp dụng triệt để. Anh Quang tiết lộ, cầu Nhật Tân đang thi công, đường lớn Nguyên Khê đang mở rộng. Trục đường lớn nối Xuân Nộn với trục đường cầu Nhật Tân - Nội Bài sắp hình thành nên đây sẽ là khu vực nằm giữa các đường giao thông thuận lợi.
"Thị trường quá chững nên mới gom được hàng giá bèo. Các nhà đầu tư lớn bị ngân hàng siết nợ nên mới phải bán tháo, ai có tiền nhàn rỗi thì tranh thủ mua", anh Quang cho hay.
Động thái siết phân lô bán nền của Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng càng làm nhà đầu tư hoang mang. Giới kinh doanh địa ốc rỉ tai nhau, phải tăng tốc tìm dự án trước khi quy định này được chính thức thông qua. Do đó, các dự án quanh cầu, đường mới thông như quốc lộ 32, trục Tây Thăng Long vẫn được nhà đầu tư hướng đến.
Anh Nguyễn Quang Huy, môi giới ở đường Lê Văn Lương cho hay, dọc quốc lộ 32 có hàng loạt dự án bất động sản lớn nhỏ như Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Nam 32, khu đô thị Nhà Từ Liêm - Lideco nên khu vực này vẫn được nhiều người quan tâm. Thêm vào đó, Hà Nội vừa chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ mở rộng quốc lộ 32 đảm bảo đến tháng 6 sẽ thông xe toàn tuyến đường nên khu vực này đang được nhà đầu tư rập rình nhóm ngó.
"Thị trường rất chậm, chỉ một vài lô đất của dự án Kim Chung- Di Trạch có người tìm hiểu. Thời điểm này các nhà đầu tư nhỏ lẻ gom hàng để chờ địa ốc bình ổn và tuyến đường mở rộng hoàn thành mới tung hàng ra bán", anh Huy nói.
Chủ đầu tư bán tháo là cơ hội cho những khách lẻ vào cuộc. Tuy nhiên, chỉ những ai có vốn nhàn rỗi mới đầu tư bất động sản thời điểm này, bởi thực tế lãi vay ngân hàng đã lên đến mức hơn 25%.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Cen Group cho hay, hiện trên thị trường hình thành hai xu hướng rõ rệt. Những trường hợp "tay không bắt giặc", vay ngân hàng đang khốn đốn. Nhưng bên cạnh động thái bán tháo của nhiều nhà đầu tư do sức ép về tài chính thì nhiều trường hợp vẫn âm thầm săn những dự án giá rẻ gần đường sắp mở có điện, đường, trường, trạm đầy đủ. "Có trường hợp nhà đầu tư tay trái bán hàng, tay phải vẫn mua vào. Thị trường khó khăn, các nhà đầu tư giảm lợi nhuận để xoay vòng vốn cho những dự án có khả năng thu lợi cao hơn", ông Hưng chia sẻ.
Khảo sát về kênh đầu tư khi có tiền nhàn rỗi của VnExpress.net trong hơn một tuần qua cho thấy, tính đến chiều ngày 3/6, bất động sản vẫn đứng thứ hai về độ hấp dẫn đầu tư, vượt hơn hẳn kênh vàng, đôla và kinh doanh buôn bán. Trong tổng số hơn 9.000 ý kiến, có tới hơn 2.700 phiếu (chiếm gần 31%) chọn đầu tư bất động sản. Kênh đầu tư được nhiều độc giả lựa chọn nhất hiện nay là gửi tiết kiệm tiền đồng, với tỷ lệ ủng hộ lên hơn 33%.
Ông Nguyễn Dũng Minh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Three Temples cho rằng, bất động sản nóng lạnh đều có chu kỳ nhất định. Thời điểm trầm lắng là lúc loại bớt những nhà đầu tư yếu vốn để bất động sản trỗi dậy mạnh hơn khi bước qua giai đoạn khó khăn. Hà Nội đầu tư bằng tiền nhàn rỗi là chủ yếu nên sẽ không lo về tình trạng bong bóng vỡ. "Những dự án có diện tích khoảng 70 m2, giá dao động 1,4 -1,5 tỷ đồng vẫn được nhiều người săn lùng", ông Minh chia sẻ.
Hoàng Lan
No comments:
Post a Comment