Phi Khanh/Người Việt Sau đợt bầu cử Hội Ðồng Nhân Dân ba cấp và bầu cử Quốc Hội lần thứ 13 vừa diễn ra tại Việt Nam hôm 22 tháng 5 vừa qua, điều mà người dân quan tâm nhất, có lẽ là những tấm bằng của các ứng cử viên. Có nhiều người hôm qua vẫn còn là một người mới xong hệ xóa mù chữ nhưng đùng một cái, họ có tên trong danh sách ứng cử viên với đủ thứ bằng đại học, trung cấp... (Hình: Phi Khanh/Người Việt)
Có rất nhiều tấm bằng như, bằng cao cấp chính trị, trung cấp chính trị, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư... Nhìn chung, mọi cái bằng không đủ làm cử tri tin tưởng cho mấy, nếu không nói là không có chút niềm tin nào.
Vì sao? Có lẽ nên giải thích vấn đề này theo hai hướng: Những tấm bằng "đỏ" (nó có sự nhúng tay, can thiệp bởi thành tích phục vụ Ðảng Cộng Sản trong quá trình học tập, làm việc của cán bộ) và những tấm bằng giả.
Những tấm bằng "đỏ" thì chuyện hiển nhiên trong chế độ này, không có gì để bàn, và cũng không cần nhắc đến chất lượng khoa học của nó. Bởi đơn giản, nó được xây dựng trên nền tảng "cống hiến" và phục vụ, nỗ lực phụng sự cho đảng phái một cách có đầu óc.
Ðơn cử một ví dụ, một tiến sĩ dạy ngành lý luận chính trị tại Trung Tâm Lý Luận Chính Trị Quốc Gia Ðà Nẵng chỉ học hết lớp 10, sau đó học thẳng vào đại học và thẳng một lèo leo lên tiến sĩ vì ông có thành tích phục vụ chế độ cực kỳ tốt...
Và cũng theo ông tiến sĩ này thì có rất nhiều đồng nghiệp của ông cũng có bằng cấp kiểu như ông. Thậm chí có người còn được nhà nước phong cho học hàm phó giáo sư, giáo sư...
Ở những tấm bằng "đỏ" này, chí ít người cầm nó cũng có một quá trình có phấn đấu và có phục vụ.
Nhưng, tỉ lệ cán bộ dùng bằng giả hiện nay có thể nói là chiếm con số tối đa. Cho dù trên danh nghĩa thì đó là bằng thật, bằng thi cử đường hoàng, có con dấu và mã số lưu của Sở Giáo Dục, Bộ Giáo Dục... Nhưng, nếu có ai cắc cớ, thử làm một bài test với một cán bộ có tấm bằng đại học hoặc trung cấp thì thấy ngay cái lỗ hổng kiến thức của họ.
Một ông bí thư xã, trước đây học xong lớp 8, nghỉ học và tham gia chiến trường Campuchia, sau đó về quê làm chỉ huy vũ trang, dần dần bò lên đến chức trưởng công an xã, và rồi trong đợt bầu cử này, có tên trong danh sách ứng cử viên với hàng đống các bằng trung cấp, đại học. Trong khi đó chẳng ai biết ông học lúc nào, bởi suốt hai mươi mấy năm nay, ngày nào mà không thấy ông lượn lờ ở các quán cà phê, quán nhậu và cơ quan xã.
Chạy bằng, khó hay dễ?
Xin thưa là việc chạy bằng giả ở đây không khó chút nào. Mà có lẽ khắp Việt Nam đều giống hệt nhau điểm này. Nghĩa là, không có việc gì khó mà dùng tiền không giải quyết được, nếu dùng tiền vẫn không giải quyết được thì dùng đến thật nhiều tiền... Sẽ xong chuyện.
Một thầy giáo tên Kh. từng dạy ở trường cấp III Nguyễn Duy Hiệu, Ðiện Bàn, Quảng Nam (một trường thuộc hàng xuất sắc của miền Trung bởi từng đào tạo ra nhiều môn sinh xuất sắc, nổi tiếng trong ngành khoa học như: Trần Văn Thọ, Nguyễn Chung Tú...), nay đang làm nghề nấu đám cưới và thi thoảng chạy một số bằng giả cho cán bộ.
Ông này chạy bằng rất ngọt, với giá từ 15 đến 30 triệu đồng, ông có thể thổi cho một người đọc chưa vững 24 chữ cái thành một cử nhân hẳn hoi. | Những cái loa này luôn là phương tiện bốc phét về năng lực của cán bộ. Nó đã trở thành vũ khí truyền thống của bộ máy tuyên truyền... (Hình: AFP/Getty Images |
Ông Kh. nói: "Tui mà lên các vùng miền Tây Quảng Nam thì tui được tiếp đãi như một ông vua, bởi lẽ, tui nắm nhiều bí mật về cán bộ trên đó nhất. Gần như 100% bằng đại học của tụi nó là do tui thổi. Chứ tụi nó ăn tro mò trấu thí mồ, đọc chữ còn chưa biết ngắt dòng, ngắt câu thì bằng với cấp quái gì!"
Ngồi một chút, ông ve râu nói tiếp: "Chuyện bằng giả là chuyện rất hiển nhiên và rất tự nhiên ở Việt Nam, hãy thuộc công thức này: Có cán bộ, có bằng giả, có bằng giả, có cán bộ. Vậy đấy, nên chi tui lo chuyện bằng thật cho con tui mà phải chơi bằng giả. Thật ra, lúc này còn đói quá, tui phải làm đủ thứ để nuôi mấy đứa con ăn học. May mà con tui học giỏi, nghe đến chữ bằng cấp là tui thấy ớn tới cổ rồi!"
Thường thì các trường bổ túc là cái lò chạy bằng giả hoàn hảo nhất. Có nhiều cách chạy: cán bộ bổ túc đứng ra lo liệu, cán bộ giáo dục liên kết với giáo viên bổ túc lo liệu, hoặc một người khéo léo, quen biết với Sở Giáo Dục, đặc biệt là thân với cán bộ phòng bổ túc của Sở Giáo Dục tỉnh thì lo việc này ngọt nhất. Thậm chí "danh chính ngôn thuận"!
Ðơn cử trường hợp 3, ông Kh. nói: "Vụ này thì không cần liên kết với cán bộ bổ túc đâu, chỉ cần một người nhanh nhảu là làm ok à, khi có khách hàng (chỉ cán bộ) đến yêu cầu, việc đầu tiên là cho họ có bằng tốt nghiệp bổ túc cấp III cái đã, việc này thì tui phải có một bảng danh sách các học viên theo độ tuổi, khi cần, tôi sẽ cho tụi nó một ít tiền, bảo tụi nó đến rút học bạ về giao cho mình. Xem như mình mua hẳn học bạ."
"Xong, mình sẽ tẩy toàn bộ họ tên của người trong học bạ, thay vào đó tên của ông cán bộ, cái cần nhất của mình là bảng điểm, chữ ký giáo viên bộ môn và con dấu phê 'được thi tốt nghiệp', vì mấy cái học bạ không có con dấu giáp lai, thậm chí trước đây không có dán hình nữa kia, mà có dấu giáp lai cũng vậy thôi à, mình xiếc cái rẹt rồi nộp vào trong Sở Giáo Dục thi diện thí sinh tự do (nghĩa là diện rớt thi lại...),. Trong đó thì có nội gián của mình rồi. Ðương nhiên là cái bằng tốt nghiệp đó là thật rồi!"
"Ðó chỉ là một chiêu nhỏ trong vô vàn chiêu thức làm bằng giả, và quan trọng nhất là nếu bây giờ mà họ thu bằng giả, thì cùng lắm mình đi ở tù, nhưng ai bắt mình nếu như gần 100% cán bộ đều bị dính bằng giả. Tôi cam đoan nếu như tố ra hết, sẽ chẳng còn mấy người để làm cán bộ quản lý dân. Vậy xem như huề. Họ bảo vệ tui không hết í chứ!"
Bằng giả tốn bao nhiêu?
Câu chuyện bằng giả trên đây chúng tôi moi được nhờ đóng giả một cò con đi kết nối với ông Kh. làm bằng giả cho một số cán bộ miền núi.
Và chúng tôi còn được biết thêm một thông tin mới, bằng giả hiện nay không sợ giả nữa, có con dấu Bộ Giáo Dục hằn hoi, giá rất mềm, bằng trung cấp chỉ tốn 13 triệu đồng, bằng đại học tốn 25 triệu đồng. Ðương nhiên là những trường này dỏm, nếu trường xịn thì lên vài chục, vài trăm triệu. Nhưng cái mà cán bộ cần thì loại trường nào cũng được, miễn là có bằng.
Thật ra, con số mười mấy triệu đồng, vài chục hay vài trăm triệu đồng để chạy một cái bằng giả và hưởng lương theo hệ số đến cuối đời thì không đắt đỏ chút nào. Nhưng cái giá của bằng giả thì quá đắt. Nó đắt bởi cả một hệ thống mù mờ, kiến thức lọ mọ, tham quyền cố vị và đánh mất lòng tự trọng, sự lũng đoạn của tri thức quốc gia.
Mà đắt hơn cả là sự biến mất của lương tri giáo dục và đạo đức quốc gia, bởi lẽ, quốc gia có cường thịnh, có đạo đức, có tốt đẹp hay không, người ta thường tham chiếu ở bộ máy chính quyền. Một bộ máy chính quyền với hàng triệu cái bằng giả thì đất nước sẽ ra sao? Dân tộc sẽ đi về đâu? E rằng câu hỏi này đâm ra hóc búa?!
|
Dạo này trên thị trường xuất hiện khá nhiều bằng giả, khó để phân biệt được!
ReplyDeleteMinh Trâm – Phiên dịch viên
-------------------------------------------------------------------
• Xem chi tiết về Trang trí Lễ Cưới tại nhà chi phí bao nhiêu thì hợp lý
• Hoặc Trang tri Le Cuoi tai nha chi phi bao nhieu thi hop ly