TT - Thuyền trưởng Alexander Belov (người Nga) đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về hải trình này và sự kiện tàu Bình Minh 02 bị ba tàu hải giám Trung Quốc cản trở, phá hoại trên thềm lục địa Việt Nam.
>> Tàu Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam
Tối 31-5, tàu Bình Minh 02 về đến cảng Nha Trang, Khánh Hòa sau khi hoàn tất công việc khảo sát địa chấn biển như kế hoạch đề ra từ trước.
Ông Alexander Belov - Ảnh: Q.V. |
* Ông đã làm việc ở Việt Nam từ khi nào?
- Tôi ở Việt Nam từ ngày 28-2-2011. Trước đây tôi từng làm việc trên vùng biển của nhiều quốc gia trên thế giới như Na Uy, Iceland, Greenland, Mỹ, Anh, Sudan, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga.
* Ông từng gặp những trường hợp như vụ tàu hải giám Trung Quốc gây cản trở, phá hoại tàu Bình Minh 02 ở vùng biển Việt Nam vừa rồi?
- Tôi chưa từng gặp và cũng hi vọng trường hợp vừa rồi sẽ là lần cuối cùng. Vụ chạm trán này cũng là một kinh nghiệm cho tôi. Thông thường những tàu hải giám như tàu Trung Quốc vừa qua phải tìm cách liên lạc với chúng tôi thay vì phá hoại các thiết bị của tàu. Đây là hành động trái pháp luật vì chúng tôi đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
* Trong tình huống đó ông đã xử lý thế nào?
- Lúc đầu chúng tôi cố gắng bắt liên lạc với các tàu Trung Quốc và bảo họ tránh xa các thiết bị của chúng tôi. Tôi nghe trên sóng radio họ đọc một tuyên bố gì đó rằng chúng tôi phải rời đi vì đã vi phạm vào chủ quyền Trung Quốc. Chúng tôi bảo để các quan chức giải quyết vấn đề này. Nhưng họ cố đuổi theo tàu chúng tôi. Cuối cùng, một trong ba chiếc tàu Trung Quốc tiến hành cắt cáp của chúng tôi.
Chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình, sau đó gọi về văn phòng công ty nhờ giúp đỡ, hỏi xin chỉ dẫn hành động kế tiếp và thu hồi thiết bị bị mất nhằm giảm thiểu thiệt hại.
* Là một người có kinh nghiệm đi biển lâu năm, ông đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự việc?
- Đây thật sự là một tình huống rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vừa rồi, họ biết rõ rằng mình đang làm gì, rằng họ đến đó để phá hủy các thiết bị của chúng tôi.
* Từng làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, có bao giờ ông gặp phải những vụ vi phạm chủ quyền giống như vụ các tàu hải giám Trung Quốc vừa rồi không?
- Không hề! Chúng tôi đang làm việc trên vùng biển của Việt Nam và những chiếc tàu (Trung Quốc) đến, điều này thật khác thường.
* Là công dân của một nước có chủ quyền, ông đánh giá về vụ phá hoại này thế nào?
- Tôi nghĩ không thể chấp nhận được. Một điều không thể tin nổi là có chuyện phá hoại thiết bị như vậy. Nhưng lần này tôi đã chứng kiến tận mắt, và cảm thấy rất ghê tởm.
* Trong vụ việc vừa rồi ông có nhận xét gì về thái độ, cách giải quyết hòa bình của người Việt Nam?
- Tôi cho rằng tình huống vừa rồi được giải quyết khá tốt, thủy thủ đoàn và con tàu đều an toàn, thiết bị không bị hư hỏng quá nhiều.
* Sắp tới ông sẽ tiếp tục làm việc ở Việt Nam?
- Vâng, chắc chắn vì chúng tôi đã có hợp đồng và tôi cũng thích làm việc ở đây.
Chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi Có mặt trên tàu Bình Minh 02 trong sáng 1-6, chúng tôi chứng kiến không khí khẩn trương, chuẩn bị cho hải trình khảo sát địa chấn tiếp theo. Các kỹ thuật viên, thủy thủ đoàn bắt tay nhận ca làm việc mới từ đội ngũ vừa kết thúc chuyến đi. Kỹ sư thu nhận tín hiệu địa chấn Trần Văn Nhật đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới, hào hứng nói: "Mấy ngày qua, tôi có liên lạc với anh em trên tàu và biết rõ sự kiện cản trở, phá hoại của tàu Trung Quốc. Sự việc này rất nghiêm trọng, nguy hiểm nhưng anh em chúng tôi vẫn háo hức chuẩn bị chuyến ra khơi tiếp theo. Chúng tôi làm việc trên vùng biển Tổ quốc và chúng tôi hoàn toàn tự tin vì chúng tôi có lẽ phải". Trên cabin, thuyền trưởng Trần Anh Vũ đang nhận bàn giao ca mới từ thuyền trưởng Alexander Belov. Anh khẳng định: "Chúng tôi quyết tâm tiếp tục ra khơi hoàn thành tốt nhiệm vụ trên vùng biển của đất nước có chủ quyền. Đó cũng là nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc". Trong đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên khảo sát địa chấn làm việc trên tàu Bình Minh 02 có nhiều người đến từ Canada, Mỹ, Philippines, Malaysia, Anh... Mặc dù chứng kiến sự cản trở, phá hoại của tàu hải giám Trung Quốc nhưng tất cả họ đều khẳng định sẽ tiếp tục làm việc bình thường trên tàu Bình Minh 02 đúng như hợp đồng đã ký từ trước. Kỹ sư Phạm Khôi - quốc tịch Canada, đội trưởng đội khảo sát địa chấn đã làm việc trên biển Việt Nam - cho biết ngay sau chuyến lên bờ nghỉ để đổi ca này, anh sẽ tiếp tục cùng Bình Minh 02 ra khơi. "Lúc bị tàu Trung Quốc phá hoại cáp thu tín hiệu địa chấn, tôi không có thời gian để suy nghĩ gì khác ngoài việc cùng anh em cố gắng bảo vệ thiết bị. Nhưng sau đó, tôi nghĩ mình làm việc trên vùng biển thuộc chủ quyền của một quốc gia có chủ quyền thì không có gì phải e ngại. Chắc chắn tôi sẽ còn tiếp tục làm việc lâu dài ở quê hương tôi" - anh Khôi nói. |
QUỐC VIỆT - TRẦN PHƯƠNG thực hiện
02/06/2011 7:51:41 SA
Hoàng
02/06/2011 7:50:37 SA
hà ly
No comments:
Post a Comment