TT - Ngày 9-5, chúng tôi đi tìm hiểu mô hình quản lý rừng cộng đồng của thôn Đạ Nha, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng.
Xuất phát từ làng Đạ Nha, tôi và anh Trần Văn Bình (hạt phó Hạt kiểm lâm vườn quốc gia Cát Tiên) từ xa đã thấy một chiếc xe máy chở một khúc gỗ nằm ngang chạy tới. Tôi vội lấy máy ảnh trong túi bấm nhanh mấy kiểu. Chưa kịp ngồi yên trên xe, lại thấy một chiếc xe máy khác, chỉ kịp thấy một gương mặt lạnh lùng với khúc gỗ trên xe chạy băng qua trước mặt.
Xe chở gỗ ầm ầm lao từ rừng xuống |
Xe reo vận chuyển những cây gỗ rất to |
Gỗ lậu cùng đồ nghề được chở từ rừng Cát Lộc về Đạ Nha |
Một cây rừng vừa bị "lâm tặc" đốn ngã |
Những người chở gỗ ngồi nghỉ, chờ chuyến hàng kế tiếp |
Dấu vết của việc phá rừng và vận chuyển gỗ trước đó |
Chúng tôi leo lên một cái dốc trơn tuột. Bỗng ầm ầm từ trên dốc cao tiếp tục một chiếc xe máy phăm phăm lao tới với khúc gỗ nằm ngang choán hết cả lòng đường. Vừa nhảy sang bên tránh khúc gỗ quật vào người đã thấy xe vượt qua mặt, người lái xe chở gỗ còn thản nhiên ngoái lại cười với chúng tôi. Chưa hết hoàn hồn, bỗng trước mặt lại ầm ầm 3, 4, 5, 6... 12... xe máy chở gỗ tiếp tục lao xuống dốc. Trên mỗi xe chở 1-2 khúc gỗ có đường kính 30-40cm. Mỗi khúc gỗ đều được cưa xẻ nhẵn và vuông vức.
Chưa hết ngạc nhiên thì một chiếc xe reo chở đầy gỗ nặng nề bò xuống dốc. Cây nào cây ấy to hơn cột đình làng. Người tài xế cũng vui vẻ giơ tay vẫy chào tôi và anh cán bộ kiểm lâm. Mới chỉ đi được khoảng 30 phút mà chúng tôi đã bắt gặp hơn 20 chiếc xe máy chở gỗ chạy xuống núi cùng một xe reo chất đầy gỗ. Khi vào sâu trong rừng chúng tôi còn nghe tiếng cây đổ ầm ầm và có cả trâu kéo gỗ, tiếng máy cưa rộn ràng khắp cánh rừng.
Anh Trần Văn Bình cho biết cánh rừng Cát Lộc này bị coi là rừng nghèo kiệt và đang nằm trong quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp của địa phương. Huyện Đạ Tẻh đã ký hợp đồng giao đất rừng cho 12 doanh nghiệp khai thác trắng và chuyển sang trồng cao su. "Rừng với những cây gỗ to đường kính đến 60cm còn nằm ngổn ngang cả đây sao gọi là rừng nghèo được(!?)" - tôi nói và anh Bình lặng im.
Rừng Cát Lộc được coi là rừng đầu nguồn của sông Đồng Nai, là rừng trong vùng đệm của vườn quốc gia Cát Tiên. Không có rừng trong vùng đệm, thử hỏi liệu vùng lõi có bảo vệ được không? Rừng Cát Lộc nằm ở vùng đồi cao, từ bao đời nay tạo ra ngọn nguồn dòng nước sinh sống cho hàng triệu người dân vùng dưới huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Rừng mất, dân sẽ đi về đâu? Thật đau xót như cắt phải da thịt mình.
TS VŨ NGỌC LONG (phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới)
No comments:
Post a Comment