Báo Biên Phòng, cơ quan ngôn luận của Bộ Tư lệnh Biên phòng, cho hay ông Trọng đã tới bản Huổi Khoon, xã Nậm Kè, Mường Nhé hôm thứ Bảy 07/05.
Báo này nói ông phó thủ tướng "đã đi thực địa ở một số vị trí xung yếu trên biên giới" và "trực tiếp thăm hỏi sức khỏe, động viên nhân dân chăm lo ổn định, nâng cao đời sống".
Sự hiện diện của ông Trương Vĩnh Trọng không phải ngẫu nhiên, vì đây chính là nơi mà nhiều nghìn người sắc tộc Hmong đã tụ tập gây bất ổn từ 30/04.
Ông phó thủ tướng, người chuyên trách xử lý các cuộc khiếu kiện đông người, là quan chức cao cấp nhất của Chính phủ được biết đã tới tận nơi chỉ đạo việc giải quyết cuộc bất ổn này.
Sự kiện Mường Nhé, theo một số đánh giá, là vụ bất ổn có yu tố sắc tộc với quy mô lớn nhất từ khi có biểu tình của người Thượng ở Tây Nguyên năm 2004.
Nhà chức trách đã phải điều cảnh sát và quân đội kèm trực thăng tới hiện trường, đồng thời kêu gọi người Hmong trở về nhà.
Tới hết ngày Chủ nhật 08/05, tình hình tại Mường Nhé được tuyên bố trên phương tiện thông tin đại chúng là đã "giải quyết xong".
Quan chức Điện Biên được dẫn lời cho hay có một em bé bị bệnh chết, ngoài ra không cung cấp thêm thông tin gì về thương vong.
Tuy nhiên một số nguồn tin không chính thức cho BBC hay về phía chính quyền có hai binh sỹ thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ.
Tin này, cũng như con số hàng chục người Hmong chết do một tổ chức theo dõi nhân quyền ở Hoa Kỳ đưa ra, đều không thể kiểm chứng độc lập.
Đạo Vàng Chứ
Sau khi BBC và các hãng truyền thông nước ngoài đưa tin, hôm 05/05 Chính phủ Việt Nam mới có phản hồi.Ông Lê Thành Đô, Chánh Văn phòng tỉnh Điện Biên, lúc đó nói người Hmong tụ tập từ đầu tháng vì tin rằng một thế lực siêu nhiên sẽ tới mang họ đến Miền Đất Hứa.
"Một số người đã kêu gọi thành lập vương quốc riêng của người Hmong, gây bất ổn, mất an ninh và an toàn".
Báo Việt Nam sau đó đăng bài chỉ trích đạo Vàng Chứ, mà theo họ đã dẫn tới tình trạng bất ổn tại Mường Nhé.
Đạo Vàng Chứ, một phiên bản của đạo Tin Lành, có nhiều tín đồ là người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc.
Bài báo này nói việc lộn xộn vừa qua chủ yếu xảy ra trong cộng đồng người Hmong di cư từ các tỉnh khác đến, được cho là khoảng gần trăm nhân khẩu.
Lý do bùng phát xung đột được giải thích là "khi các cơ quan chức năng trên địa bàn Mường Nhé có ý kiến về những việc làm trên (cầu nguyện ba ngày/tuần), những người di cư tự do đã chống đối, cho rằng các cấp chính quyền địa phương ngăn cản hoạt động tín ngưỡng của đồng bào".
"Việc làm trên đã gây nên tình trạng bất ổn và phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn."
Tác giả Lù Pò Khương cũng nói rằng đằng sau vụ việc có bàn tay của một nhóm trưởng đạo "để gây sự chú ý và tạo sức ép lên các cấp chính quyền địa phương".
Bài báo kêu gọi "đưa những kẻ chủ mưu ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh trước pháp luật".
Trung tâm Phân tích Chính sách Công (Center for Public Policy Analysis - CPPA), một tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở ở Washington DC, Mỹ, nói hơn 1.000 người Hmong bị chính quyền bắt trong vụ Mường Nhé.
Tuy nhiên thông tin này cũng không thể kiểm chứng khi phóng viên nước ngoài không được phép tới địa phương để tìm hiểu tình hình.
No comments:
Post a Comment