Nguyễn Long
Hôm 20/11/2009 tôi có đọc trên báo Tuổi trẻ bài báo đăng ở
trang nhất có tựa đề: BA NĂM QUA TÔI CHƯA KỶ LUẬT AI. Tôi thật sự buồn
và sốc khi lời nói đó là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Càng buồn hơn
khi nghe ông ấy dẫn chứng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mấy chục năm làm
Thủ tướng đâu có kỷ luật ai mà vẫn giải phóng miền Nam – một sự so sánh
thật là khập khiễng và không chứa đựng một chút xíu nào sự thông tuệ và
tính thực tiễn. Chúng ta thừa biết là mỗi thời kỳ mỗi khác, rằng mấy
mươi năm trước người ta chỉ sống với nhau vì lý tưởng, cả nước đều dồn
sức cho chiến trường. Nói không ngoa cán bộ thời đấy mỗi người đều là
tấm gương cho người dân nhìn vào. Đâu đó cũng còn sự hách dịch, sự quan
liêu, sự chèn ép dân lành nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ, rất nhỏ
trong muôn nghìn cán bộ vì dân vì nước. Nhưng ngày nay mọi chuyện đều
đã khác. Những đầy tớ của dân giờ ai cũng giàu có, nhà năm bảy căn, tài
sản để trong nước không hết còn gởi ra nước ngoài. Ai cũng biết tài sản
có được đó không phải từ lương, từ mồ hôi nước mắt của mấy ổng mà từ sự
bòn rút của dân, hoặc những khoản cho vay của nước ngoài mà sau này
nhân dân cũng phải trả.
Cán bộ ngày càng trịch thượng, ngày càng giả dối, ngày càng xa dân,
vậy mà ông Thủ tướng vẫn cố tình so sánh sự giống nhau giữa thời này và
thời trước được. Nói như ông ấy thì làm sao mà chống lãng phí, làm sao
mà chống tham nhũng khi ông là Trưởng ban Phòng chống tham nhũng của
Chính phủ? Thật là mỉa mai, thật là buồn cười. Tôi không nghĩ ông ấy có
tầm nhìn hạn hẹp, không nghĩ ông ấy chưa đủ tầm lãnh đạo. Nhưng tôi
buộc phải nghĩ rằng ông ấy đang đùa với những bức xúc, những nỗi đau mà
nhân dân ta đang gánh chịu. Đa số các cán bộ đều tốt thì làm sao có đến
trên 80% các vụ khiếu kiện của dân chúng đều thuộc về đất đai (chủ yếu
là những khiếu kiện của người dân do bị cướp đất từ chính quyền), làm
sao có những vụ án tham nhũng như PMU18, PCI… mà sự phát hiện chỉ do
báo chí hoặc do sự điều tra xét xử của nước ngoài. Làm sao có thể nhân
danh cán bộ của dân do dân vì dân mà lại hỗ trợ, cổ xúy cho bọn lưu
manh dùng những chiêu thức hèn hạ để đàn áp những người tu hành như
trong vụ Bát Nhã? Nếu đa số các cán bộ đều tốt thì làm gì có những thứ
“văn hóa” như văn hóa phong bì, văn hóa bằng cấp, văn hóa chạy chức
chạy quyền mà chỉ có thể xuất phát từ các quan chức nhà nước được dung
dưỡng, phát triển tạo ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho xã hội?
Đọc bài phỏng vấn của ông Thủ tướng tôi chợt vỡ ra nhiều điều. Hóa
ra lâu nay ông – một phong cách có vẻ như lịch lãm, nghiêm khắc, quyết
liệt trong chỉ đạo điều hành – cũng chỉ là để trị dân lành mà thôi, còn
các đồng chí của ông thì chẳng bao giờ ông lớn tiếng hoặc kỷ luật ai
cả. Ngay như ông Chủ tịch tỉnh Hà Giang năm lần không nghe ông thì ông
cũng không nhớ và thế là… cho qua.
Tôi nhớ đã đọc đâu đó trên mạng – trang bauxitevietnam.info
có tựa đề là: “Đồng thuận yêu nước và đồng thuận giữ ghế”. Vâng đồng
thuận giữ ghế mới là chân lý. Và như vậy BA NĂM KHÔNG KỶ LUẬT AI suy
cho cùng cũng trong “chân lý” đó thôi. Buồn thay.
NL – Giáo viên Trường cao đẳng Điện lực TP HCM
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
No comments:
Post a Comment