TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Thursday, December 3, 2009

Ninh Hòa, Khánh Hòa: Phát, đốt rừng để… giữ chỗ trồng rừng

 
14:32' 06/09/2009 (GMT+7)

Ông Phạm Diễm lặng nhìn dòng suối bị ô nhiễm nặng.

Thời gian gần đây, một số đối tượng thuê người vào khu vực rừng Suối Trâm - Hòn Hèo (Ninh Hòa) để phát, đốt, lấn chiếm hơn 15 ha đất rừng, gây ảnh hưởng đến nguồn nước tự chảy phục vụ sinh hoạt của người dân. Sự việc đã gây bất bình trong nhân dân thôn Bình Sơn và Chánh Thanh, xã Ninh Thọ trong 2 tháng qua.

° TỰ Ý PHÁT, ĐỐT RỪNG 

Cuối tháng 8-2009, chúng tôi về xã Ninh Thọ để tìm hiểu việc 2 công an viên của xã thuê người phát, đốt, chiếm đất rừng tại khu vực Suối Trâm - Hòn Hèo (với giá thuê phát, đốt lên tới 4,5 triệu đồng/ha). Trước mắt chúng tôi, một phần quả đồi đã bị đốt trụi, chỉ còn trơ lại những gốc cây cháy sém. Vụ việc đã xảy ra gần 2 tháng nhưng người dân trong xã vẫn chưa hết bức xúc. Ông Phạm Diễm (thôn Bình Sơn, xã Ninh Thọ) nói rất gay gắt: "Là công an xã mà ngang nhiên phát, đốt rừng khi chưa được giao đất. Đã vậy, họ lại đốt ngay cạnh nguồn nước sạch tự chảy, gây ô nhiễm nguồn nước phục vụ cho cuộc sống của hơn 500 hộ dân nơi đây!".

Chúng tôi được biết, theo quy hoạch phân chia lại 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-UBND ngày 16-5-2007, khu vực rừng bị phát, đốt này nằm trong quy hoạch phát triển trồng rừng sản xuất, thuộc khoảnh 2, tiểu khu 75 do UBND xã Ninh Thọ quản lý. Rừng đang ở trạng thái 1a (thực bì, lau lách, chuối rừng) và 1b (rừng cây bụi, có thể có một số cây nhỏ) - hay còn gọi là đất không có rừng. Hiện nay, xã đã có chủ trương dùng đất này để trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, UBND xã Ninh Thọ chưa hề phân lô, giao đất cho bất cứ hộ dân nào. Nhưng từ tháng 6-2009, 2 công an viên kiêm tổ viên Tổ Quản lý công trình nước tự chảy Suối Trâm (Ninh Thọ) là ông Trần Biết và ông Nguyễn Xuân Hải đã thuê người đến phát, đốt cây ở khu vực nói trên. Ngày 17-6-2009, UBND xã Ninh Thọ đã làm việc với 2 ông này và yêu cầu ngừng ngay việc phát đốt rừng tại đây. Tuy nhiên, 2 ông đã không chấp hành. Đến ngày 4-8-2009, đoàn kiểm tra của huyện Ninh Hòa tiến hành kiểm tra thực tế, xác định diện tích rừng bị 2 công an viên xã Ninh Thọ phát đốt lên đến 15 ha (khu vực này có hơn 200 ha đất rừng); trong đó, ông Biết chiếm 5 ha, ông Hải 10 ha.

Người dân thôn Bình Sơn đang phải sử dụng nước tự chảy lẫn đầy muội than, đất cát.

° Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC SINH HOẠT

Xưa nay, xã Ninh Thọ được coi là "vùng trắng" về mạch nước ngầm. Nhiều người dân từng đào giếng sâu đến hàng chục mét tại những nơi trũng nhất để mong tìm nước nhưng đều vô vọng. Công trình nước tự chảy tại Suối Trâm - Hòn Hèo đã "giải khát" cho hàng trăm hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu tại 2 thôn Bình Sơn và Chánh Thanh. Việc đốt rừng của 2 công an viên đã ảnh hưởng đến nguồn nước tự chảy phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Ông Mai Miên - một người lớn tuổi ở thôn Bình Sơn nhớ lại: "Trước đây, thôn Bình Sơn và Chánh Thanh có tục danh là "Đồng Cháy", bởi rất khan hiếm nước ngọt. Vào mùa khô, tình trạng thiếu nước càng gay gắt hơn. Để có nước sinh hoạt, nhà nào cũng phải dậy sớm, đến các thôn cách xa 3 - 4km để xin, mua nước rồi gánh hoặc chở bằng xe đạp "cót két" về. Do thiếu nước nên cuộc sống của bà con rất vất vả. Năm 1998, Nhà nước đầu tư 600 triệu đồng xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy tại Suối Trâm - Hòn Hèo để cung cấp cho người dân 2 thôn này. Nhờ vậy, người dân Đồng Cháy mới "đỡ khát". Nhưng hiện giờ, việc phát, đốt rừng đã khiến cho bà con không có nước sạch để dùng".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực rừng bị phát đốt có cạnh phía Đông uốn lượn dài khoảng 500m chạy dọc theo công trình nước tự chảy suối Trâm, trong đó có đoạn rừng phát đốt ra sát suối, có đoạn cách suối khoảng 1 - 5m. Cây cối bị phát, đốt hết, cộng với độ dốc lớn của quả đồi nên mỗi khi trời mưa, đất cát, tro bụi… cứ thế chảy xuống Suối Trâm, gây ô nhiễm nguồn nước. Một số người dân Bình Sơn cho biết, nước xả trong ống ra lúc nào cũng bị đen và đục do lẫn muội than, đất cát; muốn sử dụng, họ lại phải lắng lọc nhiều lần. Có người dùng nước này tắm đã bị mẩn ngứa, đỏ khắp người.

Ngày 4-8-2009, các cơ quan chức năng huyện Ninh Hòa cùng UBND xã Ninh Thọ đã có buổi kiểm tra thực tế tại khu vực rừng Suối Trâm và kết luận: "Khu vực lấn chiếm đất rừng ảnh hưởng trực tiếp đến công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tự chảy phục vụ cho hàng trăm hộ dân 2 thôn Bình Sơn và Chánh Thanh". 

Người dân xã Ninh Thọ tỏ thái độ không đồng tình với hành vi của 2 công an viên địa phương.

° XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

Chủ trương trồng rừng sản xuất ở những khu vực đất không có rừng để mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân là hợp lý. Nhưng từ tháng 6-2009, trong khi UBND xã Ninh Thọ chưa triển khai phân lô, giao đất trồng rừng cho các hộ dân đã đăng ký thì 2 công an viên của xã đã ngang nhiên chiếm đất rừng trước. Ngày 28-8-2009, UBND xã Ninh Thọ đã tiến hành buổi kiểm điểm 2 ông Trần Biết và Nguyễn Xuân Hải trước dân. Tại đây, 2 ông này đã thừa nhận việc thuê người phát, đốt, chiếm đất rừng tại khu vực Suối Trâm. Lý giải cho việc làm của mình, 2 ông cho rằng, theo Sổ dã ngoại điều tra đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng, các ông có 4 lô đất rừng (thửa đất số 29, 30, 31, 32 thuộc tờ bản đồ số 2) với tổng diện tích hơn 11,6 ha. Vì vậy, các ông nghĩ là mình đã được giao đất trồng rừng nên thuê người đến phát, đốt để tranh thủ trồng cây kịp mùa mưa. Nhưng theo lãnh đạo địa phương, lý giải đó  không hợp lý, vì đất này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Một góc quả đồi đã bị phát, đốt, lấn chiếm.

Trao đổi với chúng tôi về việc giao đất trồng rừng sản xuất năm 2009 tại xã Ninh Thọ, ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho biết: "Tháng 8-2009, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa đã tiến hành giao mốc địa điểm 30 ha đất trồng rừng cho xã Ninh Thọ. Tuy nhiên, việc phân lô cụ thể cho từng hộ dân đăng ký trồng rừng do UBND xã Ninh Thọ thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hạt không trực tiếp làm việc này". Còn ông Phan Nhường - Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ khẳng định, năm 2009, theo chủ trương trồng rừng sản xuất của cấp trên, UBND xã đã thông báo đến người dân, ai có nhu cầu trồng rừng thì đăng ký và thực tế có 48 hộ đã đăng ký. Nhưng UBND xã chưa tiến hành phân lô, giao đất rừng cho bất cứ hộ dân nào tại địa phương. Vì diện tích rừng bị chiếm lớn, vượt quá thẩm quyền giải quyết của UBND xã nên UBND xã đang chờ chỉ đạo giải quyết của cấp trên. Ông Nhường còn cho biết thêm, khi sự việc xảy ra, bản thân ông đã 4 lần vào khu vực rừng bị phát, đốt để kiểm tra và mỗi lần vào, ông lại phát hiện diện tích đất rừng bị phát, đốt tăng lên.

Chúng tôi rời Ninh Thọ, mang theo nỗi niềm của người dân 2 thôn Bình Sơn và Chánh Thanh. Bao giờ người dân Đồng Cháy mới hết cảnh "ăn chưa no đã lo khát"? Công trình nước tự chảy liệu có được bảo vệ? Việc xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan sẽ như thế nào? Những câu hỏi đó của người dân đều trông đợi ở sự giải quyết thấu tình, đạt lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

BÍCH LA

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty