SÀI GÒN TIẾP THỊ TẾT 2009 - ngày 26.01.2009
Theo kế hoạch, đến ngày 25.2.2009 này, những dòng dầu đầu tiên mang nhãn "Made in Dung Quat - Vietnam" sẽ được xuất xưởng tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, khép lại một chặng đường 15 năm thực thi dự án có nhiều ý kiến khác nhau…
Nhưng có lẽ những con số sau đây được ông P.K.Sing, đại diện cho tập đoàn Technip, nhà thầu chính cho biết mới là "kỷ lục". Là bởi, nhà máy này rộng đến 200 hecta, bằng 200 sân bóng đá, hơn 100.000 tấn vật tư, tương đương với 10.000 chiếc xe buýt cỡ lớn, trên 5 triệu mét dây cáp điện, đủ căng từ Hà Nội đến Sài Gòn và ngược lại, gần 17.000 tấn thép, đủ để xây hai tháp Eiffel của Pháp ở Paris! Là người thường xuyên ra vô nhà máy nhưng mỗi lần đến là một lần mới lạ với tôi. Nhưng lạ nhất vẫn là những chuyện sau đây.
Made in Dung Quat - Vietnam
Cuối tháng 11.2008, chiếc tàu chở 80.000 tấn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ, thay vì chạy ra nước ngoài để bán như mọi khi, nay chở thẳng về vịnh Việt Thanh để bơm vào các bể chứa của nhà máy. Người dân Dung Quất đi coi tàu chở dầu còn hơn đi xem cá voi trôi dạt vào bờ!
Một số người còn chưa hiểu vì sao lúc đầu số tiền xây nhà máy có 1,5 tỉ USD, rồi hạ xuống còn 1,3 tỉ USD khi liên doanh với Nga, rồi lại tăng lên 2,5 tỉ USD khi Việt Nam tự làm. Sự "tăng – hạ – tăng" ấy đã khiến các cuộc thảo luận trong hội trường qua mỗi kỳ họp Quốc hội cũng "nóng – lạnh" theo. Mình làm với Nga thì chỉ ra xăng A83, dầu ma-zut, những thứ mà cả thế giới đều ớn, giờ để có xăng A90, A92, A93, ắt phải lắp thêm hai phân xưởng nữa, tiền đội lên. Giờ có thêm nhà máy sản xuất hạt nhựa – một sản phẩm khác của lọc dầu nên giá đội lên. Nhưng để "quyết" 2,5 tỉ USD, tăng một tỉ so với ban đầu và chịu trách nhiệm trước Quốc hội và toàn dân là một hành động dũng cảm của Chính phủ. Một chút "rụt rè" lúc ấy thôi, nay có 3,5 tỉ USD cũng xây không được nhà máy như thế này. Chuyện "lạ" này chỉ có những người trong cuộc mới "quen" được mà thôi. Cũng như việc nhà máy chưa ra sản phẩm nhưng ngành dầu khí cũng đã quyết định mở rộng từ 6,5 triệu tấn lên 10 triệu tấn/năm để có thể đáp ứng được 30% nhu cầu của thị trường trong nước vào những năm 2010 – 2015.
Ông Trương Văn Tuyến, đương nhiệm trưởng ban quản lý nhà máy lọc dầu, vị giám đốc thứ bảy, người đang giữ vai trò khép lại một trang lịch sử ngành dầu khí tại Dung Quất, nói: "Không có cái tâm thì không thể làm được nhà máy này đâu". Câu nói thoạt nghe rất "sáo" nhưng "ốp" vào đời ông thì không sai tí nào. Sáu vị giám đốc trước đó, kẻ về Nga, ông về hưu, người bị kỷ luật, chỉ có Trương Văn Tuyến là "đậu" lại cho đến ngày thấy dầu. Tết này là tết thứ ba, ông đón tết với anh em công nhân ngay tại công trường chứ không về Hà Nội đón giao thừa với gia đình. Đó là một sự hy sinh, dù nhỏ, nhưng đáng trân trọng. Và trân trọng hơn khi ông nói rằng: "Dầu được làm từ Dung Quất nhưng rất nhiều người ở vùng quê ấy, nghèo hơn chúng ta tưởng. Nghèo trên đống bạc như thế, đau đớn lắm! Vì không phải ai ở Dung Quất cũng được hưởng lợi trực tiếp từ cái dự án khổng lồ này".
Phạm Đương
No comments:
Post a Comment