Quá trình tố tụng đang được hoàn tất để đưa các nhân vật hoạt động dân chủ bị bắt hồi mùa hè ra tòa.
Thân nhân của các ông Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Trần Huỳnh Duy Thức cho hay họ đều đã được tiếp xúc gia đình và được thông báo ngày xét xử đang đến gần.
Luật sư biện hộ Đoàn Thái Duyên Hải thuộc Văn phòng luật Hải Đoàn đã được vào trại giam tiếp xúc với Nguyễn Tiến Trung hôm 27/11 trong vòng một tiếng đồng hồ.
Bà Lê Thị Minh Tâm, thân mẫu thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, người bị bắt từ hôm 07/07, thì cho hay có thể tội danh xét xử Trung sẽ đổi từ "Tuyên truyền chống Nhà nước" sang "Hoạt động lật đổ chính quyền".
Được biết hồ sơ của Nguyễn Tiến Trung đã được chuyển từ Viện Kiểm sát sang cho tòa án, dấu hiệu là phiên tòa xử Trung đã cận kề, tuy tòa án vẫn chưa tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Theo luật tố tụng hình sự của Việt Nam, trong vòng một tháng từ khi Viện Kiểm sát chuyển cáo trạng thì tòa phải mang vụ án ra xét xử.
Tuy nhiên, bà Tâm cho biết hiện Nguyễn Tiến Trung vẫn còn đang cân nhắc có chấp nhận luật sư hay tự bào chữa.
Bà nói: "Lý do tại sao, thì chúng tôi không được rõ, nhưng nếu Trung không chấp nhận luật sư gia đình mời, thì Trung sẽ phải tự bào chữa trước tòa."
Thuê luật sư
Gia đình ông Lê Công Định đã thuê luật sư nhưng nay cũng ngừng công việc này sau khi ông Định từ chối.
Ngọc Khánh, vợ luật sư Định, nói với BBC rằng tòa có thể chỉ định luật sư, nhưng phải chờ quyết định cuối cùng của ông.
Luật sư Lê Công Định cùng các doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long đều bị bắt trong đợt trấn áp đầu mùa hè vừa qua.
Ông Thức, nguyên Tổng giám đốc công ty OCI, bị bắt hôm 24/05, thoạt đầu để điều tra tội "trộm cước viễn thông". Ông Định bị bắt hôm 13/06.
Lý do tại sao, thì chúng tôi không được rõ, nhưng nếu Trung không chấp nhận luật sư gia đình mời, thì Trung sẽ phải tự bào chữa trước tòa.
Mẹ Nguyễn Tiến Trung, bà Lê Thị Minh Tâm
Gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng đang hoàn tất thủ tục thuê luật sư cho vụ xét xử mà họ được thông báo là sẽ tiến hành trong vòng "trên dưới một tháng tới".
Hôm 19/08, truyền hình Việt Nam đã chiếu băng video ghi cảnh "nhận tội" của một số nhân vật bị bắt.
Cơ quan chức năng Việt Nam đã khởi tố năm người bị bắt cùng đợt tội "Tuyên truyền chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa" theo Điều 88 của Bộ Luật Hình sự.
Đây là tội danh mà chính quyền sử dụng trong đa số các vụ liên quan bất đồng chính kiến.
Nhưng theo mẹ Nguyễn Tiến Trung, nay con bà có thể sẽ bị mang ra xử tội "Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ Luật hình sự.
Thay đổi tội danh?
Điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam quy định tội phạm gồm các hành vi: Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Người phạm tội có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. Nếu trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ nhận xét rằng, tội "Hoạt động lật đổ" bị coi là tội nặng hơn so với "Tuyên truyền chống Nhà nước".
Ông nói với BBC từ Hà Nội: "Tội hoạt động lật đổ nặng hơn vì liên quan tới hành vi cụ thể".
"Điều 79 quy định khung hình phạt cho tội này từ 12 năm tới chung thân hoặc tử hình. Hình phạt này cũng tương đương tội Làm gián điệp theo Điều 80 Bộ Luật Hình sự."
Việc thay đổi tội danh nếu xảy ra, theo ông Hà Vũ, cho thấy có sự "không chắc chắn" của cơ quan an ninh điều tra.
"Ở Việt Nam không hiếm lần có việc cứ bắt đã, rồi tính tội sau."
Trong khi đó, tin cho hay tuần trước phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách nhân quyền Michael Posner đã có cuộc gặp với một số đại diện các tổ chức chính trị người Việt ở hải ngoại để thông báo về cuộc đối thoại nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vào ngày 10/11.
Tin từ mạng lưới dân chủ tại hải ngoại nói ông Posner cho hay Hà Nội ra chỉ dấu sẽ thả một số người hoạt động dân chủ, tuy không nói rõ tên.
No comments:
Post a Comment